Chuông gió lanh canh
Chiếc chuông gió là của người phụ nữ, người đàn ông treo lên. Họ đã đứng tựa vào nhau rất lâu để lắng nghe tiếng lanh canh vui tai ấy, rồi mỉm cười. Khi rời đi, người phụ nữ nhỏ nhắn chỉ dặn đi dặn lại một câu: Giữ cái chuông đúng vị trí ấy, chúng tôi sẽ trở lại.
Đám chim sẻ sà xuống khoảnh sân lốm đốm nắng, rộn rã như một cái vuốt tay lên các sợi dây đàn của nhạc công lành nghề. Chúng tíu tít lích chích mổ thóc vãi của đàn bồ câu đỏng đảnh để lại. Những đốm xám xinh xinh nhảy nhót không ngừng ra cái vẻ tự do, yên lành.
Nhà tôi rờm rợp cây, thỉnh thoảng bắt gặp vài tổ chim xinh xắn lấp ló sau vòm lá xanh um. Mẹ tôi không cho ai chạm đến chúng, chỉ lặng lẽ chỉ tôi xem khi bầy chim non ra ràng đang được chim bố mẹ tập bay. Đó là khoảnh khắc thú vị và tràn đầy cảm xúc yêu thương mà mẹ con tôi cùng trải nghiệm.
Ở đây, mẹ con tôi tựa vào nhau, tựa vào thiên nhiên để vui sống. Những vị khách yêu thiên nhiên thường đến homestay bé nhỏ của mẹ con tôi tìm sự yên tĩnh, thư thái. Họ đến rồi đi. Có người năm nào cũng đến, như một ước hẹn không lời với không gian tĩnh lặng trong lành này.
Vài tháng họ đến đây một lần, thuê đúng căn phòng ấy. Căn phòng nhìn ra giữa lòng hồ và thỏa thích thả tầm mắt về những rặng núi đuổi nhau phía xa. Gió vi vút qua tàng cây bạch đàn khiến cho nơi này luôn phát ra những âm thanh lào xào vui nhộn. Làm cho chiếc chuông gió treo trước mái hiên căn phòng ấy luôn va vào nhau lanh canh lanh canh.
Chiếc chuông gió là của người phụ nữ, người đàn ông treo lên. Họ đã đứng tựa vào nhau rất lâu để lắng nghe tiếng lanh canh vui tai ấy, rồi mỉm cười. Khi rời đi, người phụ nữ nhỏ nhắn chỉ dặn đi dặn lại một câu: Giữ cái chuông đúng vị trí ấy, chúng tôi sẽ trở lại.
Tôi không biết họ đến từ đâu. Chỉ biết khi đến đây, họ thuộc về nhau trọn ven. Người đàn ông có vóc người cao lớn, đôi mắt luôn thăm thẳm buồn. Khi cười với người phụ nữ, ánh mắt ấy trở nên rất đỗi hiền từ, ấm áp. Người phụ nữ không đẹp nhưng trông khá duyên dáng. Chẳng hiểu sao đôi mắt chị cũng buồn, sâu hút.
Tôi thích ngắm họ từ phía sau. Một cao lớn, một bé nhỏ tựa vai vào nhau lững thững dạo dưới tán cây. Người đàn ông luôn pha trò khiến cho người phụ nữ cười nắc nẻ. Rồi họ siết lấy nhau trong bóng đêm tối thẫm. Chị bé nhỏ quàng tay qua cổ anh rướn người chờ đợi, anh nhấc bổng chị lên dịu dàng áp môi mình vào khuôn miệng luôn trong trạng thái khát thèm môi anh.
Họ hút lấy nhau như thể lần đầu không có lần cuối. Tôi có thể thấy cả giọt nước lấp lánh từ từ lăn ra khỏi khóe mắt của người phụ nữ. Nó là giọt hạnh phúc, là sự khát khao được bù đắp và hiến dâng. Chừng như đã mỏi, họ dìu nhau về phòng.
Tôi chưa từng thấy đôi nào yêu nhau mê mải như thế. Tôi là một kẻ tật nguyền đôi chân, chỉ có thể ngồi sau quầy lễ tân ngày ngày giúp mẹ thu tiền, giao nhận chìa khóa với khách. Nhưng chẳng ai biết, tôi có thể nhìn thấy hết mọi thứ trong bóng đêm, bất chấp mọi vách ngăn, cánh cửa.
Bao nhiêu cặp đến đây, chỉ cần lướt qua họ, tôi không có hào hứng để bận tâm thêm. Nhưng với người đàn ông và người phụ nữ này luôn khiến tôi quan tâm đặc biệt. Vì vậy, dẫu biết thật bỉ ổi khi nhìn người khác làm những chuyện riêng tư, nhưng tôi không ngăn nổi mình nhìn về phía họ.
Những cuộc yêu của họ thường diễn ra rất chậm rãi, nhẹ nhàng. Tôi có cảm giác tất cả diễn ra dưới một nền nhạc du dương như trong những bộ phim lãng mạn. Hai bóng người quấn lấy nhau, nhịp nhàng, đồng điệu từng động tác. Nhìn họ. tôi bỗng thấy mình muốn bay lên, bay lên.
Nhưng, sao thế? Tôi nhìn thấy trong tâm can người phụ nữ một góc tối buồn thảm. Thứ ấy hình như đã từng bào mòn cuộc đời của chị. Tôi thôi nhìn bầy chim non tập bay, cúi đầu cố chui vào góc tối ấy. Ở đó, trước khi trở nên tối tăm nó là quầng sáng chan hòa.
Cô dâu rạng rỡ, duyên dáng trong bộ váy cưới hồng rực, khoác tay chú rể đi trong những tràng pháo tay chúc phúc. Và quầng sáng ấy vụt tối ngay khi sau đám cưới ít hôm, cô dâu vô tình nghe được cuộc hẹn của chồng. Linh tính thôi thúc chị bí mật bám theo.
Anh ngồi đó, trong một quán cà phê khá đông khách, đối diện với người yêu cũ. Chị ta khóc còn anh khá bối rối, anh chỉ bối rối chứ không có động thái gì đi quá giới hạn cho phép chốn đông người. Trời chiều nên quán mở nhạc không lời rất nhẹ, không đủ át cuộc trò chuyện của họ.
“Anh nói đi! Nếu em không đi Mỹ, người anh cưới làm vợ là em chứ? Em trở về... không ngờ đúng dịp đám cưới anh...”. Tim chị đập như trống trận, từng mạch máu căng lên, mọi giác quan như muốn vỡ tung vì muốn nghe câu trả lời của chồng mới cưới dành cho người đối diện. Anh thở nhè nhẹ: “Em đi mấy năm không tin tức, bỗng dưng đột ngột trở về...”.
Người phụ nữ vùng vằng: “Anh phải trả lời câu hỏi của em, nếu em ở nhà, người anh cưới làm vợ sẽ là em chứ?”. Chị nín thở, nấp sau lùm cây, chị ước gì nhìn thấy vẻ mặt chồng lúc đó. “Anh nói đi!”, người phụ nữ vẫn nức nở thúc giục. “Cũng có thể...”. Câu nói dè dặt nửa chừng của chồng chị với người phụ nữ kia như một cái tát giáng thẳng vào mặt chị.
“Cũng có thể...” là sao? Nghĩa là anh đã có thể lấy chị ta, còn chị, người vợ anh vừa cưới không là gì hết? Hay, đó là cách lịch sự để anh giúp cho người mình từng yêu giữ chút thể diện? Chị quay cuồng với hai giả thiết đó, sự nghi hoặc khiến chị rơi vào trạng thái rũ liệt.
Khi sực tỉnh thì hai người đã rời chỗ từ bao giờ. Chị hốt hoảng chạy ra bãi đỗ xe. Anh vừa rời khỏi, hướng đi của anh là về ngôi nhà anh mới rước chị về. Còn người phụ nữ kia, tựa lưng vào chiếc ô tô sáng bóng, một tay áp điện thoại vào tai, tay kia không ngừng vung vào không khí.
Chị không muốn bận tâm chị ta đang nói gì. Ý nghĩ về nhà ngay xem thái độ của anh thế nào khiến chị hấp tấp. “Anh vừa đi đâu về à?”. Chị nhớ mình đã cố lấy giọng bình thường nhất để hỏi. Anh đang vo gạo nấu cơm, một việc anh thường giúp chị khi cả hai về chung một nhà. “Ừ! Anh vừa đi gặp một người bạn cũ”.
Chỉ thế thôi, anh giục chị thay đồ, anh không ôm chị như mọi khi, và anh đi lên sân thượng tưới cây cảnh. Chị đứng lặng một mình trong phòng ngủ với những ý nghĩ hỗn độn. Có lẽ mình không nên nghi ngờ anh ấy. Trái tim chị lên tiếng. Lý trí chị cũng lên tiếng.
Nhưng khối tự ái khổng lồ lại hét lên: Chị chỉ là người lấp chỗ trống khi người ta thiếu vắng người cũ. Tội nghiệp chị chưa! Lý tưởng cho lắm vào! Hãnh diện vì gặp được người đàn ông tử tế cho lắm vào! Giờ rơi xuống vực thẳm, sướng chưa? Chị buông mình xuống giường, nước mắt lặng lẽ tuôn trào.
Rồi mọi thứ cũng qua nhanh. Sự nồng nàn của anh dành cho chị không hề thay đổi. Nhất là khi hai người có tin vui. Anh yêu chị, nâng niu cái thai ngày một lớn đầy mãn nguyện. Rồi lần lượt ba đứa con ra đời. Lần thứ hai chị sinh đôi bé gái. Anh không nề hà bất cứ việc gì để đỡ đần chị. Những đứa con quen hơi ấm của anh ngay từ những ngày còn đỏ hỏn vì luôn được cha dành thời gian bế ẵm. Chị không hề nhìn thấy một dấu hiệu giả dối nào trong ánh mắt ấy, trong các cử chỉ ấy.
Nhưng một phút giây bất kỳ, trong những buổi chiều tà bỗng vô tình nghe câu chuyện ngoại tình của ai đó. Cảm giác tồi tệ năm nào lại trào lên, vò xé tâm can chị. Nó khiến chị nghi ngờ những thứ mình đang nắm giữ. Đôi lúc, trong cảm giác đủ đầy, chị vô cùng hối tiếc cho lần tò mò thuở ấy. Giá như chị đừng đi theo anh, đừng phải nghe câu nói nửa chừng ấy của chồng, có lẽ hạnh phúc của chị đã trọn vẹn lắm rồi.
Tôi không nhìn thấy gì ở người đàn ông tên Khanh ngoài một dáng vẻ u buồn. Có điều gì từ phía anh? Mọi nỗ lực nhằm lý giải cho băn khoăn của tôi đều thất bại. Tôi chắc người đàn bà biết nên cái nhìn của chị dành cho anh vừa yêu thương vừa sẻ chia vừa khắc khoải.
Nhưng, thật tệ cho người phụ nữ. Trong mối tình muộn màng này, tôi thấy chị chỉ biết cun cút dâng hiến, ban tặng, ngóng chờ. Còn người đàn ông, anh nồng nàn ấm sực như than lại lạnh băng như đá. Trong sự im lặng dửng dưng, dường như có sự trừng phạt độc ác của anh dành cho chị. Vì sao thế? Tôi nhói lòng thương người phụ nữ, chị có đáng bị đối xử thế không?
Đáng ra, chị sẽ không có cơ duyên gặp người đàn ông kia nếu ngày hôm đó chị không tình cờ biết được chồng giấu một gói hàng từ Mỹ gửi về. Sự tình cờ thật không đúng lúc, khi chị đã quyết định rũ bỏ mọi nghi hoặc, an phận vui vầy bên chồng con cho đến hết đời.
Nó ở đó, trong ngăn tủ làm việc công ty anh. Một chiếc khăn len dày và chai nước hoa thứ thiệt dành cho đàn ông. Hình như nó đã ở đó rất lâu rồi. Vì lẽ gì anh không mang về nhà? Cái ngăn tủ ấy, là một bí mật riêng anh, một khoảng trời riêng mà chị không bao giờ chạm tới. Hay anh ngại chị sẽ ghen? Hay anh không muốn kỷ niệm cũ có mặt trong tổ ấm mình?
Tất cả lại quay cuồng khi mới đây, một bạn học cũ của anh tiết lộ, đó là mối tình kéo dài suốt 7 năm. Trong 7 năm ấy, hai người luôn như hình với bóng. Rồi người ấy đi Mỹ bằn bặt. 7 năm mặn nồng không níu giữ được người con gái ấy. Anh mất một thời gian dài mới nguôi ngoai. 5 năm sau, anh mới bắt đầu đến với chị. Như một định mệnh ấm áp. Anh luôn nói với chị như thế, định mệnh ấm áp!
Anh đã khá từng trải, còn chị lúc ấy là một cô bé sinh viên vừa chân ướt chân ráo đi làm. Chị không có quá khứ sâu đậm nào cả, lớn lên ngơ ngác rồi gặp anh, yêu anh và xem anh như bầu trời mơ ước. Nên chị không biết phải đối diện với quá khứ của anh như thế nào.
Chị vẫn cứ ngơ ngác bàng hoàng sau những phát hiện âm thầm của mình. Tự mình đau, tự mình cào xé. Anh chưa bao giờ biết đến những giày vò thầm lặng ấy của vợ. Thản nhiên yêu thương, thản nhiên chu đáo, thản nhiên hưởng sự hạnh phúc của một người đàn ông có vợ và 3 cô con gái xinh ngoan nhất mực.
Phát hiện ấy đẩy chị vào trạng thái chán chường, đẩy chị đến vòng tay Khanh trong một cơn choáng váng vì bị sức hút mãnh liệt từ phía anh. Những ngày ngắn ngủi chị đã để cảm xúc cuốn mình đi từ cung bậc này sang cung bậc khác, ngọt ngào, êm dịu và bồng bềnh như mây.
Vào lần đầu tiên họ đến chỗ tôi, người phụ nữ đã rất thích thú với những tổ chim sẻ lấp ló dưới vòm cây. Bước chân rón rén và ánh mắt ngỡ ngàng như trẻ thơ làm cho cả góc vườn của tôi bừng sáng. Ở đây, chị trở về chính chị, vô ưu vô phiền.
Tuyệt nhất là lúc ngắm chị chống cằm say sưa nhìn lũ chim sẻ sà xuống mổ thóc. Một nụ cười vừa âu yếm và rạng rỡ trên ánh mắt, làn môi người thiếu phụ nhỏ bé. Phía sau, người đàn ông trìu mến ngắm chị, ông ta nhanh chóng phác dáng vẻ chị bằng những nét chì mềm mại.
Tôi ao ước cảnh sắc ấy vĩnh viễn dừng lại, cho tôi, cho chị, cho người đàn ông đang thăng hoa cảm xúc kia. Nó sẽ là vẻ đẹp vĩnh cửu khi con người và thiên nhiên hòa quyện một cách đồng điệu.
Càng ngày lũ chim sẻ càng vợi đi. Khoảng sân lốm đốm nắng trở nên mênh mông với những bước chân chí chách bé xíu. Ở đâu đó tôi loáng thoáng thấy người phụ nữ ngồi trong một bữa tiệc vui vẻ. Nhưng sự vui vẻ và hào hứng trong chị vụt tắt khi phục vụ bưng ra một đĩa chim sẻ được rán vàng ươm, trần trụi.
Khuôn mặt xinh đẹp thoáng sững sờ rồi tái nhợt và chị bụm miệng lao nhanh vào toilet. Không ai để ý đến sự vội vàng của chị. Mà thực ra, chị rất ý tứ vì không muốn làm ảnh hưởng đến không khí bữa tiệc. Chị đứng ở ban công nhà hàng rất lâu, mắt nhòe lệ. Chị thương lũ chim sẻ, nhớ nơi rộn ràng tiếng chim, xạc xào lá, nhớ người đàn ông ấy cồn cào. Sự hiện diện của món chim sẻ rán giòn gợi cho chị dự cảm chẳng lành.
Đã lâu lắm chị và anh ấy không gặp nhau. Sự trò chuyện mỗi ngày cũng dần thưa vắng. Mà nếu có, cũng chẳng còn như xưa. Anh hững hờ, nhạt nhẽo đến độ chị thấy sợ mỗi lần định bắt đầu một cuộc trò chuyện với anh. Nó dẫn chị đến ý nghĩ: chẳng thà cứ im lìm như thế sẽ bớt cay đắng hơn.
Dần dà thì tôi hiểu, sự im lặng và hững hờ của người đàn ông tên Khanh là một trừng phạt tàn nhẫn dành cho chị. Nó giúp anh ta vợi đi ý nghĩ: khi anh ta một mình trằn trọc khó ngủ, chị ấm áp nép bên chồng say giấc. Khi anh ta đơn độc bên một núi bề bộn thì chị sum vầy với tổ ấm hạnh phúc của mình.
Khanh không biết rằng, sau lần đầu tiên hai người đến đây, chị đã khổ sở thế nào mỗi lần chồng gần gũi. Cũng may, hay lại là nỗi ê chề khác? Công việc của anh quá nhiều áp lực, nhu cầu của anh không nhiều, thậm chí có quãng thời gian rất dài anh không màng đến chuyện đó. Và rồi, lấy lý do sức khỏe, chị gần như chấm dứt chuyện ân ái với chồng.
Năm thì mười họa anh đến, chị tặc lưỡi chiều chồng một cách chóng vánh. Tâm trạng chị đi từ thái cực này sang thái cực khác. Ban đầu chị thấy yên thân và thanh thản, nhưng sau đó chị lại thắc thỏm. Anh có người khác không? Ai mới? Hay người kia trở về? Hay anh phát hiện ra ở chị điều gì đó?
Thực ra chị không lo sợ. Chị chỉ cảm thấy mình cần có một sự rạch ròi, rõ ràng. Nhưng, ở phía xa xôi ấy, Khanh chưa một lần đề cập đến chuyện gắn kết dài lâu. Chị không trách Khanh, người ta không nên hứa hẹn về một điều chưa chắc chắn. Nhất là khi Khanh biết, chị sẽ không bao giờ vì Khanh mà làm mất đi tiếng cười trong trẻo của những đứa con thiên thần.
Theo một nghĩa nào đó, chị và Khanh đã coi nhau như vợ chồng, thậm chí có lúc chị đã nghĩ đến chuyện có con với Khanh, để khắc cốt ghi tâm một mối tình chị trân trọng như chính tổ ấm mình. Chị tham lam. Phải! Chị đã quá tham lam. Và hư hỏng theo cách nhìn của những người nghiêm khắc. Chị cũng không cho Khanh biết lần gặp nhau cuối cùng chị đã quên một điều hệ trọng, rằng, hôm đó chị quên uống thuốc.
Chị đã quá chủ quan vì nghĩ ở tuổi mình không dễ dàng đậu thai đến thế. Sau những hòa quyện mê đắm, sau những bùng cháy của khát khao, chị phát hiện ra mình bắt đầu khó ở. Mà cứ bụm miệng chạy vào toilet khi nhìn thấy đĩa chim sẻ rán giòn mang đến cho chị linh cảm mơ hồ. Kết quả bất ngờ khiến cho một người mẹ như chị hạnh phúc ngập tràn.
Nhưng liền sau đấy, chị chìm vào ngập ngụa âu lo. Con sẽ ra đời như thế nào đây? Trong khi cả chị lẫn Khanh đều có những yêu cầu hoàn hảo cho những đứa con yêu dấu. Nếu không thể cho con một cuộc sống tử tế thì không được phép tùy tiện mang con đến thế giới này. Chị mất hằng đêm đặt tay lên bụng tuôn nước mắt giàn giụa vì xót xa cho sinh linh bé bỏng vừa tượng hình. Mẹ phải làm gì đây con? Dù gì thì mẹ có tội lớn với con rồi, con ơi!
Chị gầy rộc hẳn đi. Các con và chồng chị cứ ngỡ đó chỉ là một đợt biếng ăn thỉnh thoảng chợt đến như mọi lần. Họ ra sức động viên chị bồi bổ, trong khi sự hổ thẹn và day dứt cứ chực khiến chị khóc òa. Chị nghĩ đến Khanh, rất nhiều. Nhưng sự lạnh lẽo của Khanh làm cho chị câm nín. Khanh không xứng đáng được biết điều trọng đại này.
Dù chị biết rõ, với những gì hai người đã có, Khanh cũng sẽ cuống cuồng mừng vui và hạnh phúc. Nhưng, kể cả được lo lắng hay bất an về giọt máu này, Khanh cũng không xứng đáng có được khi càng ngày anh càng dựng lên hàng rào băng giá giữa hai người. Con sẽ chỉ là của chị, riêng chị.
Vậy còn chồng chị? Các con chị? Chị sẽ đối mặt với họ như thế nào đây? Nếu trơ trẽn và hèn nhát, chị sẽ thản nhiên sinh thêm đứa con này ra và mặc nhiên xem nó là con của chồng. Nếu thú tội với chồng, chị chắc chắn không bao giờ nhận được sự tha thứ từ anh. Mà kỳ thực, chị không cần sự tha thứ nào cả. Dẫu yếu đuối, chị vẫn là người đàn bà dám làm dám chịu. Nhưng rồi, sau cái gọi là dám chịu mà người đàn bà bướng bỉnh trong chị đang ra sức tự trấn an mình đó, sẽ là gì? Là gì?
Bấn loạn, bất an. Chị rơi vào trạng thái như người mất phương hướng. Nhớ nhớ quên quên. Chị thường xuyên đi lạc trên quãng đường từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà. Và khi giật mình nhận ra mình đang ngơ ngác đứng giữa một nơi vắng vẻ, chị bật khóc tức tưởi. Mẹ phải làm gì đây con ơi? Chị gào lên giữa hoang vu, ước có thể ngủ vùi vào nơi nào đó, quên hết thực tại, quên hết tương lai nghiệt ngã.
*
Vào mùa đông, đàn chim sẻ hoàn toàn vắng bóng. Chúng di cư về đâu hay đã bị những tấm lưới của dân săn chim gom về các nhà hàng, quán nhậu? Lâu lắm chị và người đàn ông tên Khanh không trở lại. Chiếc chuông gió dường như cũng lười lanh canh. Hoặc giả như, những cơn gió buốt lạnh không đủ làm vang lên thanh âm rộn rã. Tôi nhớ họ, nhớ những phút giây nồng nàn của họ dù tôi chỉ là kẻ dự phần lén lút. Nhưng tôi yêu họ, như cách tôi yêu những thứ thuộc về nơi này.
Có những quãng gió bớt đi tiếng ù ù dọa dẫm, tôi thơ thẩn lăn xe ra vườn. Những chiếc tổ chim sẻ rỗng không chòng chành trên những thân cây trụi lá. Mẹ con tôi khắc khoải đợi mùa đông qua, như đợi đàn chim sẻ ríu ran trở lại. Khu nghỉ dưỡng sẽ nhộn nhịp đông vui và tôi sẽ được gặp cặp đôi mà tôi yêu thích.
Tôi không thể làm gì giúp chị, ngoài sự thầm lặng dõi theo chị một mình đi trong giông bão do chính chị tạo ra. Cũng chẳng thể nào ngăn được chiếc xe đạp điện của một cậu bé mới lớn nhào ra từ một con hẻm. Có lẽ định mệnh đã kịp ngăn mọi thứ, ngõ hầu giữ nguyên trật tự đang có? Hay thiên thần bé bỏng cảm thấy sự hiện diện không đúng lúc nên lặng lẽ vụt bay đi?
Tôi đã nhìn thấy sự đau đớn tột cùng của chị khi được thông báo mầm sống nhỏ nhoi không còn nữa. Tôi biết, dẫu giày vò khôn nguôi, nhưng niềm hạnh phúc vô bờ trào dâng trong chị khi cảm nhận con đang lớn lên từng ngày. Giờ thì người đàn bà đáng thương ấy đối mặt thêm một khoảng rỗng mỗi lúc một mênh mông trong cõi lòng tan nát.
Chị chưa từng mất con. Chị cũng chưa từng tha thứ cho bất cứ người mẹ nào đang tâm hủy đi sinh linh hoài thai trong bụng mình dù là lý do gì. Đây là lần đầu tiên chị cảm nhận sự mất mát vô cùng lớn lao. Nó đồng nghĩa với việc chị đánh mất vĩnh viễn nhiều điều quý giá khác.
Sau những ngày dưỡng bệnh, dường như chị trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi dự cảm chị sắp đưa ra một quyết định động trời mà không có cách nào ngăn chị lại. Nếu có thể, tôi muốn chị quên người đàn ông tên Khanh đi, chôn chặt bí mật đó cho riêng mình và bình lặng sống quãng đời còn lại bên cạnh chồng và những đứa con chị nhất mực yêu quý.
Thật nực cười cho mong muốn ấy của tôi, trong khi chị chưa từng ngờ tôi ngọn nguồn hết mọi trắc trở đời chị. Mà nếu biết, tôi chắc chị sẽ không bao giờ vui. Chưa một ai biết đến khả năng nhìn thấu hết mọi nhẽ từ người khác của tôi, kể cả mẹ. Bí mật ấy, một khi bị bại lộ, tôi chắc mình sẽ thành con quái vật trong mắt mọi người. Chẳng ai muốn mình bóc trần trước mắt người khác, kể cả tôi.
Đêm ấy, trong ngôi nhà bấy lâu chị cố gìn giữ tiếng cười trong trẻo, chị đã nói chuyện rất lâu với chồng. Chị nói đến lần chị lén lút bám theo anh và người yêu cũ sau ngày cưới. Chị nhắc đến gói quà anh cất giữ ở tủ làm việc công ty. Cả những ghen tuông, tổn thương âm ỉ trong chị. Cuối cùng chị kể về mối tình của chị với Khanh, về đứa con chị đã đánh mất.
Trong chuỗi kể bằng giọng run run, chị không hề đổ lỗi cho anh, cũng không xem chuyện mình với Khanh là phút giây sa ngã. Chị chỉ kể lại rất ngọn ngành. Với chị, thật khó để phận định đúng sai khi đã xem tình cảm đó là một mối tình. Rồi chị rời nhà, mặc anh chết trân với những điều nhận được từ cô vợ thường ngày vốn rất hiền lành.
Tôi lặng lẽ trao chùm chìa khóa căn phòng vẫn thường dành cho chị và người đàn ông tên Khanh ấy. Bằng linh cảm nào đấy, chị nhận ra tôi có sự thấu hiểu sâu sắc dành cho chị. Chị ngồi thụp xuống xe lăn tôi đang ngồi, òa khóc nức nở.
Giữa không gian thanh vắng, khu nghỉ dưỡng chỉ có mẹ con tôi và chị. Hai mẹ con tôi nhẫn nại chờ chị nguôi khóc, rồi chúng tôi dìu chị về căn phòng mà tôi biết sẽ là lần cuối chị trở lại. Mẹ phải cho chị uống một viên thuốc ngủ, chị mới tĩnh tâm và nặng nề thiếp đi.
Đêm ấy, tôi canh cho chị ngủ. Gió mùa đông bắc hun hút thổi qua hàng hiên. Đêm nay, chuông gió thôi tiếng lanh canh vui tai, mà chỉ khe khẽ va vào nhau như vỗ về giấc ngủ người đàn bà đa đoan, đa cảm. Có lẽ vào ngày mai, khi bình minh hé rạng, tôi sẽ không nỡ cho chị biết rằng, đã lâu đàn chim sẻ không về…
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/chuong-gio-lanh-canh-633490/