Chuộng hồng ngoại, mua phải hồng thải loại
Nhiều người mua phải những gốc hồng cắt cành thải loại do tin vào những hình ảnh hồng leo, hồng thân gỗ có hoa nở rực rỡ, đủ sắc màu được người bán đăng trên mạng.
Có khoảng vườn rộng hơn 20m2 ở đường 27, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM, lại thích các giống hoa hồng ngoại, đặc biệt là hồng leo, hồng thân gỗ, chị Thùy Dung muốn tạo vườn hồng nhỏ. Không đủ tiền để mua những gốc hồng nhập nguyên cây đã nở hoa, giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, chị Dung đặt mua 20 gốc hồng rễ trần từ một đầu mối bán hàng tại tỉnh Vĩnh Phúc với giá bình quân 10.000 đồng/gốc, người bán còn tặng cả thuốc kích thích sinh trưởng cho cây ra rễ.
Theo lời người bán, số hồng này có đủ các màu, giống nhập từ Pháp, thân leo, thích hợp với mọi khí hậu. Tuy nhiên, khi chị Dung làm theo hướng dẫn của người bán, sau hai tuần, số cây chị trồng chỉ sống được một nửa, cây cũng chỉ đâm chồi, nảy lộc được một thời gian rồi lụi dần và chết. Chị Dung cho biết thêm, đồng nghiệp của chị cũng mua hơn 30 gốc hồng rễ trần về trồng và cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Bỏ công tìm hiểu từ những hội nhóm có cùng sở thích trồng hoa hồng, chị mới biết, số nạn nhân như mình không ít. Loại cây mà họ mua phải hầu hết là những gốc hồng loại thải từ các vùng trồng phía Bắc, được các nhà vườn nhổ bỏ sau khi đã khai thác hết hoa cắt cành.
Rất nhiều đầu mối bán hồng loại này với đặc điểm chung là gốc hồng đã già, mỗi gốc dài khoảng 10-15cm, cây có rất nhiều rễ đã giũ sạch đất. Với những gốc hồng thải loại này, có chăm sóc kỹ mấy, cây cũng khó sống, khó phát triển và cho bông do đã lão hóa. Đáng nói, đây không phải những giống hồng ngoại với tên rất Tây như Catalina Rosa, Lady Candle Rose, Radio Times Rose… như lời những người bán quảng cáo mà đều là những giống hồng cắt cành, hồng nhung trồng phổ biến tại các vùng hoa của Hà Nội, Vĩnh Phúc hay Đà Lạt.
Ông Dân - chủ một vựa cây cảnh trên đường Kha Vạn Cân, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức - cho hay, nhiều người mua cây quen đã mang những gốc hồng rễ trần đến nhờ ông tư vấn về cách trồng, chăm sóc. Ông nhờ các mối hàng của mình tại các tỉnh phía Bắc tìm hiểu, mới biết đó đều là các cây già cỗi, được các nhà vườn cuốc bỏ khi đã cắt hoa bán nhiều vụ nên cây trồng có sống cũng không thể ra bông.
Chủ vựa này cho hay, hầu hết các giống hồng ngoại hay hồng cổ Sa Pa, cổ Hải Phòng phù hợp với khí hậu lạnh nên rất khó trồng ở vùng khí hậu nóng như TP.HCM hay các tỉnh phía Nam, nhưng rất nhiều đầu mối vẫn dùng hình ảnh những cây hồng dày đặc hoa leo ở cổng, ban-công quảng cáo để bán cây, bán hạt giống và cũng rất nhiều người tốn tiền mua.
Ông Nguyễn Tiến Lực - chủ một hộ trồng hoa hồng tại H.Mê Linh, TP.Hà Nội - cho biết, thường sau Tết, khoảng tháng Hai, tháng Ba âm lịch, các nhà vườn đợi nắng ấm, thay thế các lứa hoa hồng mới, nhổ bỏ những cây hồng cắt cành từ 2-3 năm. Vài năm trở lại đây, những cây này được một số đầu mối thu mua. Khi chúng tôi cung cấp hình ảnh những bó hồng rễ trần đang được nhiều người rao bán, ông Lực khẳng định, đó đều là gốc hoa loại thải.
(Theo Báo Phụ nữ)