Chương mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ
Diễn biến ở Ukraine khiến chính quyền Tổng thống Biden phải cân nhắc lại những cách tiếp cận trước đây trong chính sách đối ngoại với nhiều nước như Trung Quốc, Iran hay Venezuela.
Kể từ vụ 11/9/2001 thì có lẽ cuộc xung đột ở Ukraine là sự kiện đánh dấu cột mốc mới trong những thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ, khi giờ đây Washington sẽ phải điều chỉnh những tính toán chiến lược của mình với cả các đồng minh hay đối thủ.
Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến Mỹ và châu Âu trở nên gắn kết hơn.
Không chỉ vậy, trước động thái của Moscow, Washington cũng phải siết chặt hơn mối quan hệ với các đồng minh ở châu Á, và cân nhắc những thay đổi trong chính sách với Trung Quốc, Iran hay Venezuela.
Một thời kỳ mới
Đây là bối cảnh để chính quyền Tổng thống Biden trở lại với vai trò lãnh đạo quốc tế, chỉ vài tháng sau khi chiến dịch rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan, theo New York Times.
Nhưng mối quan tâm mới này sẽ phải đi cùng với những sự đánh đổi, những lựa chọn khó khăn và mâu thuẫn nội bộ, tương tự với đường lối ngoại giao của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh.
"Có cảm giác là chúng ta rõ ràng đang ở trong một thời kỳ mới", ông Benjamin J. Rhodes, nguyên phó cố vấn an ninh quốc gia thời Obama, nhận định.
"Giai đoạn cuộc chiến chống khủng bố hậu 11/9/2001 của nước Mỹ đã ở phía sau chúng ta. Và chúng ta không chắc rằng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", ông Rhodes nói thêm.
Chiến sự Ukraine cũng dẫn đến một yêu cầu cấp thiết của phương Tây về trừng phạt kinh tế Nga, và điều đó chắc chắn sẽ tác động tới chương trình nghị sự của ông Biden về vấn đề chống lại biến đổi khí hậu.
Mỹ và các đồng minh đặc biệt là EU sẽ phải tái cơ cấu an ninh năng lượng, trong đó có việc gia tăng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, nhằm tránh phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vốn đang mang về nhiều ngoại tệ cho Nga.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, việc quan trọng là phải đảm bảo nguồn cung dầu mỏ cho thị trường thế giới nhằm tránh lạm phát, vốn đang ở mức cao ở phương Tây sau hai năm chống chọi với Covid-19.
Điều đó đồng nghĩa với việc Washington sẽ phải ngồi xuống làm việc với Venezuela, quốc gia Nam Mỹ từng phải chịu chính sách gây áp lực tối đa dưới thời ông Trump, hay phải làm nồng ấm hơn mối quan hệ với Saudi Arabia, vốn đang nguội lạnh kể từ khi ông Biden lên nắm quyền.
Và cũng có những ý kiến về việc giờ đây Mỹ sẽ phải tìm cách thuyết phục Trung Quốc từ bỏ những sự hỗ trợ với Nga trong lúc Moscow bị trừng phạt.
Tuy nhiên, quan chức chính quyền Mỹ không đặt nhiều niềm tin vào ý tưởng này, mà hướng tới kích thích những chính sách giữa các đồng minh châu Âu và châu Á để kiềm chế cả Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Điện Kremlin cáo buộc phương Tây hành xử vô lý khi cắt đứt quan hệ kinh tế vì xung đột ở Ukraine, theo TASS.
Trả lời phóng viên hôm 5/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết phương Tây có hành động “ăn cướp kinh tế” đối với Nga và Moscow sẽ đáp trả.
“Điều này không có nghĩa Nga bị cô lập”, ông Peskov nói. “Thế giới quá rộng lớn để châu Âu và Mỹ có thể cô lập một đất nước, nhất là nước rộng lớn như Nga. Thế giới này còn rất nhiều quốc gia khác”.
Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng sự tập trung mới của Mỹ vào châu Âu chắc chắn sẽ chuyển hướng chú ý khỏi châu Á.
Nhưng các quan chức hàng đầu Nhà Trắng lại cho rằng Mỹ có thể tận dụng những gì đang diễn ra ở Ukraine để thuyết phục một số chính phủ châu Á, rằng họ cần hợp tác chặt chẽ hơn với phương Tây.
"Những gì chúng ta đang thấy vào lúc này là mức độ quan tâm và tập trung chưa từng có của châu Á (đối với cuộc xung đột Ukraine)", ông Kurt Campbell, quan chức cấp cao nhất của Nhà Trắng về chính sách châu Á, chia sẻ trong một buổi đối thoại gần đây do Quỹ Marshall Đức tại Mỹ tổ chức.
"Tôi tin rằng một trong những kết quả của diễn biến này sẽ là tư duy về việc củng cố sự kết nối giữa các thể chế, ngoài những gì chúng ta đã thấy giữa châu Âu và khu vực Thái Bình Dương", ông Campbell nói thêm.
Tái cân nhắc mối quan hệ với Iran và Venezuela
Trước khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine, chính sách đối ngoại của Mỹ vốn đang trong quá trình thay đổi lớn, sau khi cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq kết thúc, và nỗi lo về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan không còn là mối quan tâm chính.
Một bộ phận người dân Mỹ đồng tình với quan điểm của cựu Tổng thống Donald Trump về việc cắt giảm sự hiện diện quân sự ở nước ngoài, trong đó có cả những hoài nghi về tầm quan trọng của những liên minh như NATO.
Khi bước vào Nhà Trắng, ông Biden đã tìm cách hâm nóng lại quan hệ với các liên minh, nhưng chủ yếu làm vậy dưới danh nghĩa đối đầu với Trung Quốc.
"Chúng ta đã cố gắng hướng tới một kỷ nguyên mới trong thời gian dài", ông Rhodes nói thêm và cho rằng chiến dịch của Nga ở Ukraine giờ đây sẽ tạo động lực cho Washington để thúc đẩy chính sách đối ngoại của mình.
Những dấu hiệu đánh dấu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã diễn ra trong những tuần gần đây.
Cũng trong ngày 12/3, Mỹ và EU thống nhất dừng đàm phán với Iran chỉ vài ngày trước khi các bên dự kiến quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Các nước phương Tây kiên quyết từ chối yêu cầu của Moscow - một bên trong thỏa thuận - về việc đảm bảo các giao dịch tương lai của Nga với Iran sẽ được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt mà phương Tây mới áp đặt lên Nga trong những tuần gần đây.
"Mọi thứ đã rõ ràng kể từ cuối tuần trước, rằng các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không tách rời khỏi cuộc xung đột ở Ukraine", bà Dalia Dassa Kaye, chuyên gia về Iran tại viện chính sách RAND Corp, chia sẻ.
Vào năm ngoái, ông Biden coi việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran - di sản của người tiền nhiệm Obama - là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Vẫn chưa rõ việc này có thể thành công nếu thiếu đi Nga - một trong 6 bên tham gia vào thỏa thuận.
Washington cũng đang nhìn về Venezuela dưới một góc độ khác. Hai tuần sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, một số quan chức cấp cao chính quyền Biden đã tới Caracas và đây là lần đầu tiên có sự gặp mặt cấp cao như vậy trong vòng hai năm qua.
Venezuela là đồng minh của Nga và vẫn đang phải hứng chịu những lệnh cấm vận nặng nề của Mỹ sau khi ông Trump mở chiến dịch "gây sức ép tối đa" lên chính quyền Tổng thống Nicholas Maduro.
Tuy nhiên nước này cũng là một trong số những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và ông Biden cần đảm bảo nguồn cung mặt hàng này sau khi nói không với dầu mỏ của Nga. Ý tưởng này đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của một số nghị sĩ Mỹ.
Chủ đề dầu mỏ cũng đang định hình chính sách ngoại giao của Mỹ với Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, hai quốc gia Vùng Vịnh vốn bị một số quan chức chính quyền Biden nhìn nhận với sự hoài nghi vì vai trò của họ trong thảm họa nhân đạo ở Yemen.
Tuy vậy, hai quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã đến Vùng Vịnh vài ngày trước cuộc xung đột ở Ukraine để thảo luận với hai nước này về các vấn đề an ninh năng lượng.
Saudi Arabia đã từ chối việc tăng nguồn cung dầu mỏ, trong khi UAE thì vẫn chưa đưa ra quyết định và cho biết họ sẽ bàn bạc với OPEC về vấn đề này.
Thái độ của Saudi Arabia và UAE, cũng như vị trí quan trọng của Nga trong nền kinh tế dầu mỏ, sẽ thúc đẩy các nỗ lực của chính quyền Biden nhằm ban hành chính sách giúp nước Mỹ từ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đương đầu với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Điều này có thể khiến Washington phân bổ ít hơn các nguồn lực ngoại giao và quân sự vào khu vực Vùng Vịnh trong tương lai, ngay cả khi Mỹ muốn có sự trợ giúp để ổn định thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn.
"Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều hơn những câu hỏi về giá trị của các mối quan hệ đối tác này. Các quốc gia này tin rằng Mỹ đã rời khỏi khu vực (Trung Đông), nhưng lập trường của họ với Nga sẽ chỉ củng cố thêm những tiếng nói kêu gọi cắt giảm sự hiện diện của Mỹ ở khu vực", bà Kaye từ RAND Corp nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuong-moi-trong-chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-post1302249.html