Chương mới trong quan hệ song phương

Mới đây, Thủ tướng Sri Lanka Dinesh Gunawardena đã có chuyến thăm 6 ngày tới Trung Quốc. Chuyến thăm khẳng định một chương mới trong mối quan hệ giữa Sri Lanka và Trung Quốc, trong bối cảnh chiến lược đang thay đổi ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Sri Lanka Dinesh Gunawardena và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong cuộc gặp tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Thủ tướng Sri Lanka Dinesh Gunawardena và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong cuộc gặp tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Sri Lanka hiện là đối tác quan trọng của Trung Quốc ở Nam Á. Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Sri Lanka nhằm tiếp tục quỹ đạo của sự đồng thuận trong mối quan hệ thân thiện và tương trợ lẫn nhau. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Sri Lanka đã hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Lý Cường, và gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Trung Quốc.

Vào tháng 10.2023, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba tại Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã trao đổi và đạt được sự đồng thuận quan trọng trong việc phát triển quan hệ Trung Quốc - Sri Lanka.

Chuyến thăm ngoại giao của Thủ tướng Dinesh Gunawardena tới Trung Quốc lần này nhằm tái khẳng định mối quan hệ lâu dài giữa Sri Lanka và Trung Quốc, dựa trên nền tảng hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và Năm nguyên tắc chung sống hòa bình. Khi Thủ tướng Gunawardena trở về sau chuyến công du ngoại giao, tinh thần hữu nghị và hợp tác qua chuyến thăm vừa qua sẽ giúp định hình quỹ đạo của mối quan hệ gắn kết và thịnh vượng.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khuôn khổ BRI

Sri Lanka vẫn đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước này phải đối mặt vào năm 2022. Trọng tâm của các cuộc thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Gunawardena là tìm kiếm con đường tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ Sri Lanka giảm nợ, viện trợ nhân đạo khẩn cấp và mở rộng các bảo đảm tài chính để giúp Sri Lanka có được Thỏa thuận Quỹ mở rộng của IMF. Ông Gunawardena nhấn mạnh các cơ hội đầu tư sẵn có ở Sri Lanka, bao gồm cả Thành phố Cảng Colombo và Khu công nghiệp Hambantota, là những dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của Sáng kiến Vành đai và Con đường ở Sri Lanka.

Sự hỗ trợ của Trung Quốc trong phát triển cơ sở hạ tầng góp phần vào tăng trưởng kinh tế và kết nối của Sri Lanka về lâu dài. Bắt đầu từ năm 2014, dự án Thành phố Cảng Colombo đã được xây dựng. Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Sri Lanka cho đến nay và Chính phủ Sri Lanka coi đây là “huyết mạch” để phục hồi kinh tế. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ trở thành khu đô thị phức hợp cao cấp tích hợp tài chính, du lịch, hậu cần và công nghệ thông tin ở Nam Á. Cảng container quốc tế Colombo, cũng do Trung Quốc đầu tư, hiện vận chuyển hơn 40% lưu lượng đến Cảng Colombo, khiến nơi đây trở thành một trong những cảng nhộn nhịp nhất thế giới.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Sri Lanka của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9.2014 là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ Trung Quốc - Sri Lanka. Kể từ đó, Sri Lanka đã tích cực tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, mang lại nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển cơ sở hạ tầng và thịnh vượng kinh tế ở Sri Lanka. Ngoài phát triển cơ sở hạ tầng, BRI còn mở rộng sang các lĩnh vực mới như “Con đường tơ lụa xanh”, “Con đường tơ lụa y tế” và “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”, cung cấp nhiều kênh hợp tác trong nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, năng lượng sạch, môi trường và kinh tế số giữa hai nước. Thương mại điện tử ở Sri Lanka đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Năm 2023, Sri Lanka đã xây dựng chiến lược kinh tế số với kế hoạch mở rộng nền kinh tế số của Sri Lanka từ 3,5 lên 15% vào năm 2030. Đây sẽ là lĩnh vực đầy hứa hẹn chào đón chuyên môn và đầu tư của Trung Quốc.

Phát huy tinh thần Hiệp định Lúa gạo - Cao su

Trung Quốc bảo đảm sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của Sri Lanka trong việc phát triển chính trị và kinh tế, xã hội. Tinh thần của Hiệp định Lúa gạo - Cao su, được ký năm 1952, 5 năm trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đã được đề cập đặc biệt khi Chủ tịch Trung Quốc gặp Thủ tướng Sri Lanka.

Theo thỏa thuận, Sri Lanka cung cấp cao su tự nhiên và Trung Quốc hỗ trợ gạo vào thời điểm cả hai nước gặp khó khăn khi mua hai mặt hàng này từ thị trường quốc tế. Hiệp định ban đầu chỉ có thời hạn 5 năm nhưng đã được gia hạn 6 lần và có hiệu lực trong 30 năm cho đến năm 1982. Đây là hiệp định thương mại thành công và có lợi nhất mà Sri Lanka đã đàm phán. Trong khi đó, Trung Quốc đánh giá cao việc Sri Lanka chào bán cao su tự nhiên, đặc biệt trong thời kỳ mà các nước sản xuất cao su khác từ chối cung cấp cho Trung Quốc vì áp lực từ các nước phương Tây.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Sri Lanka để phát huy tinh thần của Hiệp định này, được nêu bật bởi "tính độc lập, tự chủ, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau", nhằm củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước, cũng như mở rộng hợp tác thực tiễn và thúc đẩy hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao.

Giải quyết những thách thức chung

Chuyến thăm của Thủ tướng Dinesh Gunawardena tới Trung Quốc nhấn mạnh cam kết lâu dài của Sri Lanka và Trung Quốc trong việc tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược trên nhiều mặt trận. Lần này, một số văn kiện hợp tác song phương đã được ký kết trong các lĩnh vực đầu tư công nghiệp, tiêu chuẩn hóa, hỗ trợ sinh kế, nông nghiệp, truyền thông và các lĩnh vực khác. Trung Quốc sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có năng lực đầu tư và kinh doanh tại Sri Lanka, đồng thời sẵn sàng tăng cường nhập khẩu nông sản chất lượng từ Sri Lanka. Về phía Sri Lanka, quốc gia này sẽ cung cấp môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời đẩy nhanh các chính sách ưu đãi cho các dự án phát triển tích hợp tại Thành phố Cảng Colombo và Cảng Hambantota.

Ngoài tăng cường quan hệ kinh tế, chuyến thăm của Thủ tướng Gunawardena còn tạo cơ hội cho cả hai nước giải quyết những thách thức và mối quan tâm chung. Là thành viên của cộng đồng quốc tế, Sri Lanka và Trung Quốc phải đối mặt với những mối quan ngại chung như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và ổn định khu vực. Bằng cách tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược và thể hiện cam kết theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và chủ nghĩa đa phương, Sri Lanka và Trung Quốc tìm cách đóng góp vào một trật tự khu vực cân bằng và toàn diện hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thêm vào đó, theo Tuyên bố chung, hai nước sẽ tăng cường phối hợp và trao đổi trong các lĩnh vực bao gồm phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ hàng hải, cứu trợ và nghiên cứu, nhận thức về lĩnh vực hàng hải, đa dạng sinh học biển, đào tạo nhân viên hàng hải và xây dựng năng lực.
Đặc biệt hiện nay, hiện tượng "chảy máu chất xám" đã để lại một lỗ hổng đáng lo ngại trong quá trình phục hồi kinh tế của Sri Lanka. Quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chuyên gia trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, nhân viên y tế và kỹ thuật. Hai bên bày tỏ sẵn sàng tăng cường hơn nữa trao đổi trong lĩnh vực giáo dục cũng như tăng cường đào tạo nhân lực và trao đổi khoa học. Trung tâm Khoa học và Giáo dục Chung Trung Quốc - Sri Lanka thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc sẽ bắt đầu hoạt động, đánh dấu bước tiến quan trọng theo hướng này.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chuong-moi-trong-quan-he-song-phuong-i365518/