Chương Mỹ vượt lũ lịch sử

36 khu dân cư, 4.639 hộ, 21.412 người dân huyện Chương Mỹ bị ngập sâu, đối diện nguy cơ thiếu chỗ ở, cơm ăn, nước uống, hiểm nguy dịch bệnh… Với sức mạnh tình thân xóm làng, sẻ chia của cộng đồng, trách nhiệm của các cấp chính quyền…, Chương Mỹ đã và đang vượt qua cơn lũ lịch sử.

Nhiều bông hoa đẹp

Sáng nay (14-9), đường vào xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn ngập sâu trong nước lũ. Ảnh Bảo Châu

Sáng nay (14-9), đường vào xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn ngập sâu trong nước lũ. Ảnh Bảo Châu

Hôm nay (14-9), 36 khu dân cư thuộc 12 xã vùng ven sông Bùi của huyện Chương Mỹ vẫn ngập sâu, mênh mông nước.

Nằm ở vị trí cao, hiếm khi bị ngập nên toàn bộ khuôn viên của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (64 tuổi, ở thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến) trở thành nơi gửi xe miễn phí cho cả trăm lượt người dân trong thôn, ngoài xã mỗi ngày. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Nguyễn Thị Xuân nói: "Có người hỏi tôi, sao không ghi vé, thu tiền?. Tôi đáp, mình ở trên đất cao, không bị ngập lụt là may mắn rồi. Làm được gì để giúp nhau vượt qua lũ lụt, thiên tai là việc nên làm…”.

Đường vào các thôn: Nam Hài, Hạnh Côn, Hạnh Bồ, Nhân Lý của xã Nam Phương Tiến hôm nay có đoạn ngập sâu hơn 1m. Mặc dù huyện Chương Mỹ đã bố trí xuồng máy ra vào vùng lũ cô lập, nhưng không thể sử dụng thường xuyên, vì lưu thông tạo sóng, gây hư hỏng cổng, tường rào của người dân.

Ông Bùi Ngọc Bình vận chuyển miễn phí người và hàng hóa vào vùng nước lũ cô lập. Ảnh Bảo Châu

Ông Bùi Ngọc Bình vận chuyển miễn phí người và hàng hóa vào vùng nước lũ cô lập. Ảnh Bảo Châu

Trước tình hình đó, ông Bùi Ngọc Bình ở thôn Nam Hài đã lắp thuyền lên máy cày của mình làm phương tiện vận chuyển miễn phí. Theo ông Bình, trong thôn hiện nay chủ yếu là những gia đình có nhà ở cao tầng, nhà ở chưa bị nước lũ tràn vào… Ngoài phục vụ những hộ dân còn ở lại trong vùng úng ngập đi mua sắm nhu yếu phẩm hằng ngày, ông Bình còn vận chuyển miễn phí các đoàn khách tới thăm hỏi, tặng quà, động viên…

“Ngày cao điểm, con xe này ngốn cả triệu tiền dầu. Nhưng chỉ lúc lũ lụt như thế này, bà con xóm làng mới cần mình. Mình có khả năng tới đâu, giúp bà con tới đó…”, ông Bình bộc bạch.

Công an xã Mỹ Lương hỗ trợ người dân thôn Khôn Duy đến nơi trú tránh an toàn. Ảnh Bảo Châu

Công an xã Mỹ Lương hỗ trợ người dân thôn Khôn Duy đến nơi trú tránh an toàn. Ảnh Bảo Châu

Vượt qua đoạn đường ngập sâu, chúng tôi có mặt tại thôn Khôn Duy, một trong "rốn lũ" của xã Mỹ Lương... Nơi đây, nhà xây dựng từ lâu đã bị nước lũ tràn tới sân, cửa sổ. Chủ nhân tất bật di chuyển tài sản lên cao, đi tránh lũ. Phần lớn nhà mới xây dựng, còn khô ráo. Chủ nhà bận rộn thu dọn đồ đạc, sắp xếp nơi ở cho bà con hàng xóm.

“Nhà tôi đã bố trí chỗ ở cho 5 người cùng thôn đến tránh lũ. Hàng xóm, láng giềng rất cần giúp nhau những lúc như thế này”, anh Đỗ Đình Tình, người dân thôn Khôn Duy cho hay.

Nỗ lực vì sự an toàn của người dân

Người dân thôn Khôn Duy được xã Mỹ Lương bố trí nơi ở tránh lũ. Ảnh Bảo Châu

Người dân thôn Khôn Duy được xã Mỹ Lương bố trí nơi ở tránh lũ. Ảnh Bảo Châu

Mưa lớn, lũ rừng ngang đổ về, mực nước sông Bùi dâng cao, thiết lập mực lũ lịch sử, làm tràn đê hữu Bùi, đê bao Gò Khoăm. Xã Mỹ Lương huy động hàng trăm người và phương tiện, vật tư đắp bao đất cao hơn 50cm chống lũ sông tràn vào đồng, khu dân cư. Sau khi chống tràn thành công, đê Gò Khoăm xuất hiện cung sạt, mạch đùn, mạch sủi, mang theo nước đục, nguy cơ vỡ đê. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo xã Mỹ Lương quyết định sơ tán dân đến nơi ở tập trung; tiếp tục huy động lực lượng gia cố đê.

Bà Ngô Thị Dịu, người dân thôn Khôn Duy nói: “Nghe Đài Truyền thanh xã thông báo, gia đình tôi đã chủ động kê cao tài sản rồi đến tá túc nhà con trai ở thôn Núi Sáo, không bị lũ lụt…”.

Khác với gia đình bà Dịu, bà Ngô Thị Dần và nhiều người dân khác ở thôn Khôn Duy lại chọn Trường Trung học cơ sở Mỹ Lương, nơi sơ tán tập trung của xã Mỹ Lương. Tại đây, các gia đình được bố trí giường tầng, có điện, nước, sạch sẽ, được phục vụ 3 bữa cơm. Ai ốm đau, có bệnh lý nền thì được y, bác sỹ khám, cấp thuốc.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Lương Nguyễn Minh Đạt cho biết, đến nay, xã đã di dời 49 hộ, 109 nhân khẩu sơ tán đến Trường Trung học cơ sở Mỹ Lương; số hộ còn lại thì tá túc nhà người thân, ở lại trong các nhà kiên cố, cao tầng…

Cán bộ, y tế xã Nam Phương Tiến khám, phát thuốc chữa bệnh cho người dân nơi sơ tán, tránh lũ. Ảnh Bảo Châu

Cán bộ, y tế xã Nam Phương Tiến khám, phát thuốc chữa bệnh cho người dân nơi sơ tán, tránh lũ. Ảnh Bảo Châu

Còn xã Nam Phương Tiến đã vận động 687 hộ, 3.228 nhân khẩu sơ tán tại 2 khu tập trung, là trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã, Nhà văn hóa thôn Đồi Mít và các gia đình người thân có nhà ở kiên cố, không ảnh hưởng lũ lụt…

Theo UBND huyện Chương Mỹ, mưa lớn kèm lũ rừng ngang đổ về, mực nước sông Bùi lần này vượt mức lịch sử, làm 54 khu dân cư ven sông Bùi, sông Đáy bị ngập, ảnh hưởng đến 4.639 hộ dân, với 21.412 nhân khẩu. Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân, toàn huyện đã huy động 6.005 người và phương tiện, vật tư chống lũ tràn vào dân cư; sơ tán 1.947 hộ dân, 8.577 nhân khẩu đến nơi an toàn... Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ vùng ngập lụt của huyện Chương Mỹ 3,5 tấn gạo, 400 thùng nước lọc (loại 24 chai/1 thùng), 96 thùng lương khô...

Tính đến 6h30 sáng nay, các xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ đã tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ, ủng hộ cấp phát cho người dân vùng ngập úng 479 thùng mì tôm, 255 thùng sữa, 2.626 bình nước uống…

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuong-my-vuot-lu-lich-su-678138.html