Chương trình 135 ở Tây Nam Bộ: Phát huy vai trò xóa đói, giảm nghèo

Nhờ những tác động tích cực, nhiều chiều đối với phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Tây Nam Bộ, Chương trình 135 tiếp tục khẳng định là điển hình của hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, là 'thương hiệu' về xóa đói, giảm nghèo.

Nhiều đổi thay tích cực

An Giang có 18 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Giai đoạn 2016 - 2019, An Giang triển khai 25 mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135, hỗ trợ 587 hộ tham gia với tổng kinh phí thực hiện trên 4,8 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương). Không chỉ tạo việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, nhiều mô hình còn được nhân rộng để những hộ nghèo, cận nghèo học hỏi áp dụng vào sản xuất hiệu quả.

Những con đường bê tông được kéo dài vào tận xóm, ấp

Những con đường bê tông được kéo dài vào tận xóm, ấp

Năm 2020, An Giang tiếp tục nhân rộng 5 mô hình giảm nghèo với kinh phí hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng và hỗ trợ nhân rộng 40 mô hình giảm nghèo cho 993 hộ tham gia với kinh phí 6,7 tỷ đồng. Với những kết quả đáng khích lệ từ Chương trình 135, năm 2019 đã có 1.260 hộ đồng bào DTTS ở An Giang thoát nghèo.

Thực tế, An Giang chỉ là 1 trong 10 tỉnh, thành phố thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 ở khu vực Tây Nam Bộ đã có nhiều đổi thay tích cực nhờ nguồn vốn của Chương trình 135. Cùng với An Giang, các tỉnh như Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã, phum, sóc, ấp đặc biệt khó khăn, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS.

Sáng tạo, linh hoạt để triển khai hiệu quả

Tại Hội thảo Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ tổ chức mới đây tại Cần Thơ, đại diện Văn phòng Điều phối 135 cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ có 95 xã khu vực III, 14 xã biên giới và 417 ấp ĐBKK của 10 tỉnh, thành phố thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Trong 5 năm qua, các địa phương đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình 135 với kinh phí 1.721.345 triệu đồng (bằng 7,1% vốn Chương trình 135 cả nước); trong đó, vốn đầu tư phát triển là 1.259.114 triệu đồng, chiếm 73%. Từ nguồn vốn này đã triển khai xây dựng 1.613 công trình; mở được hơn 336 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở với hơn 6.624 lượt người tham dự. Tổ chức trên 16 đợt tham quan tập huấn, trao đổi kinh nghiệm.

Riêng năm 2020, Ban Dân tộc - Tôn giáo các tỉnh, thành phố phối hợp với các cấp, ngành có liên quan tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình 135 về các hợp phần Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn ĐBKK. Với tổng kinh phí trên 256,71 tỷ đồng đã triển khai xây dựng trên 315 công trình cơ sở hạ tầng, với 253 công trình xây mới; đã hoàn thành trên 301 công trình tại 102 xã khu vực III, xã biên giới và 313 ấp ĐBKK.

Tiếp tục khẳng định, Chương trình 135 có ý nghĩa rất lớn đối với các địa phương vùng DTTS và miền núi khi mà 20 năm qua, hàng ngàn công trình giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế,… được đầu tư; nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, để Chương trình 135 thực sự là một “thương hiệu” về xóa đói, giảm nghèo, các đại biểu đến từ các tỉnh Tây Nam Bộ cho rằng: Các chương trình đầu tư cần sát với yêu cầu, đặc thù của từng địa phương hơn nữa; có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải như trước đây; khắc phục tình trạng chính sách nhiều đầu mối quản lý, đầu tư kém hiệu quả... Đặc biệt, trong thời gian tới, cần bổ sung thêm về nguồn nhân lực; nguồn vốn đầu tư các dự án thành phần...

Ghi nhận, chia sẻ những khó khăn, đề xuất của các địa phương khu vực Tây Nam Bộ trong việc triển khai Chương trình 135, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải yêu cầu, các địa phương cần tiếp tục tập trung kiện toàn bộ máy nhân sự để có những sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn tiếp theo. Đây cũng sẽ là khung nhân lực để các địa phương bắt tay vào triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2030”.

Mai Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-135-o-tay-nam-bo-phat-huy-vai-tro-xoa-doi-giam-ngheo-150828.html