Chương trình '50 năm đất nước trọn niềm vui' - Khúc tráng ca từ trái tim Hà Nội

Chương trình chính luận nghệ thuật '50 năm đất nước trọn niềm vui' sẽ được Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội tổ chức vào 20 giờ ngày 30/4 tại sân Đoan Môn của Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC).

Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC).

Chương trình tái hiện hành trình gian khổ, hy sinh của nhân dân Hà Nội và cả nước để đi đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh H1, HTV, FM96 và ứng dụng Hà Nội On.

“50 năm đất nước trọn niềm vui” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Chương trình giúp công chúng được trở về thời điểm cách đây nửa thế kỷ, trong khí thế hào hùng của những đoàn quân “ào ào như thác lũ” tiến về Sài Gòn. 50 năm trôi qua kể từ giây phút chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Ðộc Lập, lá cờ giải phóng tung bay trên bầu trời Sài Gòn ngày 30/4/1975, khoảnh khắc ấy mãi đi vào lịch sử, trở thành dấu mốc vĩ đại của dân tộc.

Hà Nội - trái tim của cả nước - có trọng trách lớn trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Hơn hai mươi năm, Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền nam, với tinh thần “tất cả vì miền nam ruột thịt”, hết lòng, hết sức cùng cả nước chi viện sức người, sức của cho chiến trường cùng cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền nam cho đến thắng lợi cuối cùng. Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “50 năm đất nước trọn niềm vui” nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất Tổ quốc, một lần nữa khẳng định vai trò then chốt, tiên phong của Thủ đô trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc.

Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh sẽ thể hiện nhiều bài hát về Hà Nội trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC)

Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh sẽ thể hiện nhiều bài hát về Hà Nội trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC)

Chương trình “50 năm đất nước trọn niềm vui”của Đài Phát thanh- Truyền hình (PTTH) Hà Nội được dàn dựng công phu, kết hợp hài hòa ngôn ngữ chính luận và nghệ thuật, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi: Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh, Nghệ sĩ ưu tú Lan Anh, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Hiền, ca sĩ Mỹ Linh, Quách Mai Thy, Trần Tùng Anh, Kyo York, nhóm Thăng Long, Dàn nhạc Giao hưởng Đài Hà Nội, Vũ đoàn Tre…

Những ca khúc sống mãi với thời gian, gắn với những dấu mốc lịch sử quan trọng sẽ được thể hiện trong chương trình như: Miền nam tuyến đầu Tổ quốc (sáng tác Chu Minh) đưa khán giả trở về ngày này cách đây đúng nửa thế kỷ, Câu hò trên bến Hiền Lương (thơ Đằng Giang, nhạc Hoàng Hiệp) gắn với khoảng thời gian đằng đẵng chia cắt đồng bào hai miền nam-bắc suốt 20 năm; Xa khơi (nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ), Bài ca hy vọng (nhạc sĩ Văn Ký) thể hiện sự tin tưởng, hy vọng của quân dân hai miền về tương lai hòa bình thống nhất… Bên cạnh đó là những ca khúc thể hiện tinh thần "hướng về nam" như: Chiếc gậy Trường Sơn (nhạc sĩ Phạm Tuyên), Tình ca (nhạc sĩ Hoàng Việt)…

Nghệ sĩ ưu tú Lan Anh tham gia biểu diễn trong chương trình. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC)

Nghệ sĩ ưu tú Lan Anh tham gia biểu diễn trong chương trình. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC)

Các ca khúc: Hà Nội-Huế-Sài Gòn (nhạc sĩ Hoàng Vân), Huế-Sài Gòn-Hà Nội (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) trong chương trình thể hiện niềm tin son sắt, sự khẳng định thống nhất của dân tộc: Hà Nội-Huế-Sài Gòn không chỉ là ba địa danh mà là ba nhịp đập của một trái tim dân tộc. “Cây một cội, con một nhà” - mạch nguồn thống nhất ấy đã đưa dân tộc Việt Nam đi qua mọi bão giông, đến bến bờ của tự do, hạnh phúc.

Điều mang lại nhiều cảm xúc với công chúng Thủ đô là những sáng tác về Hà Nội - “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người” trong những ngày tháng cam go nhất của cuộc chiến, tái hiện những thời khắc Hà Nội hiên ngang đương đầu với những thử thách lớn lao trong chiến tranh đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, đặc biệt là cuộc đối đầu với siêu pháo đài bay B.52 trong “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” qua các ca khúc: Hà Nội những đêm không ngủ (sáng tác Phạm Tuyên), Bài ca Hà Nội (sáng tác Vũ Thanh)…

Các bài hát: Sông Đắc-krông mùa Xuân về (nhạc sĩ Tố Hải), Lá thư viết vội (nhạc sĩ Dương Cầm), Kỷ niệm của tôi (nhạc sĩ Phú Quang)… sẽ tái hiện phần nào tình cảm, tâm tư những người lính trẻ Hà Nội “xếp bút nghiên lên đường ra trận” với tâm thế “chúng tôi đã đi không tiếc đời mình” để có được thời khắc cả đất nước, dân tộc cùng ngân lên giai điệu của: Bài ca thống nhấtĐất nước trọn niềm vui (nhạc sĩ Hoàng Hà)…

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thanh Hiền. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC)

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thanh Hiền. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC)

Không khí sục sôi của các phong trào thi đua yêu nước nhân dân Thủ đô như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Cờ Ba Nhất”, “Gió Đại Phong”… cũng được tái hiện trong chương trình “50 năm đất nước trọn niềm vui”qua các phóng sự, hình ảnh, tư liệu sống động.

Chương trình đã dành phần tri ân sâu sắc tới một biểu tượng của Hà Nội thời chiến với giọng đọc tiếng Anh giàu cảm xúc của phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ từng lay động trái tim lính Mỹ trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được gọi với biệt danh “Hà Nội Hannah”. Chỉ với giọng đọc của mình, “Hà Nội Hannah” đã dễ dàng xâm nhập vào trí óc, vào cảm xúc của những người lính viễn chinh bị chính quyền Mỹ đẩy vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo, góp phần tạo nên phong trào phản chiến của họ và nhân dân Mỹ.

Một phóng sự đặc biệt về Trung đoàn “Mũ sắt” mà phần lớn trong số đó là thanh niên Hà Nội lên đường vào nam chiến đấu, được trình chiếu trong chương trình, sẽ đưa khán giả trở lại đỉnh Chư Tan Đra ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nơi rạng sáng ngày 26/3/1968, hơn 200 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 209 - Sư đoàn 312 đã anh dũng hy sinh trong cuộc đối đầu khốc liệt với lính Mỹ. Những người lính “mũ sắt” còn rất trẻ ấy đã hóa thân vào núi rừng Tây Nguyên, trở thành biểu tượng bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Ca sĩ Mỹ Linh sẽ trình diễn những ca khúc sâu lắng về Hà Nội. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC)

Ca sĩ Mỹ Linh sẽ trình diễn những ca khúc sâu lắng về Hà Nội. (Ảnh: BAN TỔ CHỨC)

Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong chương trình là phần giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử - những người lính, những trí thức trẻ từng rời giảng đường Hà Nội, mang theo trong ba-lô những cuốn sách, nhật ký tràn đầy lý tưởng và cả sự mộng mơ sinh viên để đến với chiến trường Quảng Trị, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn - những người đã viết tiếp trang sử bằng máu ở tuổi hai mươi. Chương trình cũng đưa người xem đến với những nhân chứng lịch sử đã có mặt tại Đài Phát thanh Sài Gòn khi Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền ngụy Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng quân giải phóng qua các trích đoạn phóng sự, phim tài liệu.

Với ý chí kiên cường, với lòng dân như thành đồng, Hà Nội đã viết nên bản anh hùng ca chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, tạo tiền đề quyết định cho thắng lợi trọn vẹn năm 1975. Ngày này cách đây đúng 50 năm, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đến thắng lợi huy hoàng.

HẠNH AN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuong-trinh-50-nam-dat-nuoc-tron-niem-vui-khuc-trang-ca-tu-trai-tim-ha-noi-post876059.html