Chương trình đại học mới ở Nga có gì đặc biệt?
Chính phủ Nga tin tưởng rằng chương trình mới sẽ khả thi đối với hầu hết các trường đại học trong nước cũng như các chương trình và khóa học của họ.
Hệ thống giáo dục đại học quốc gia mới, được thiết kế để thay thế hệ thống Bologna, chính thức ra mắt tại Nga vào năm 2023, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga Valery Falkov.
Mục tiêu và nguyên tắc của hệ thống mới
Đây là lần đầu tiên một khung thời gian được đưa ra khi Nga rút khỏi hệ thống Bologna, được thiết lập vào năm 1999 để tạo ra một tiêu chuẩn chung cho giáo dục đại học trên khắp châu Âu và được công nhận ở 49 quốc gia. Động thái này diễn ra vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng với phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine.
Nga đã tham gia hệ thống này vào năm 2003 và bỏ bằng cấp “chuyên gia” thời Liên Xô cũ để ủng hộ hệ thống hai cấp gồm bằng cử nhân bốn năm và bằng cấp sau đại học hai năm tùy chọn vào năm 2009.
Bộ trưởng Valery Falkov cho biết, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học sẽ đệ trình các đề xuất lên Duma Quốc gia về định dạng của một hệ thống quốc gia mới.
Ông cho biết: “Cho đến nay, Bộ đã thành lập một số nhóm làm việc, bao gồm các giám đốc trường đại học và các nhà khoa học, sẽ xác định các mục tiêu và nguyên tắc của hệ thống giáo dục đại học quốc gia mới”.
Có khả năng hệ thống mới sẽ dựa trên khái niệm 2+2+2, mang lại nhiều cơ hội linh hoạt hơn cho sinh viên thay đổi chương trình giáo dục của mình. Theo đó, 2 năm học đầu tiên sẽ được dành riêng cho việc hình thành kiến thức cơ bản của sinh viên, tương đương với bằng cử nhân, 2 năm tiếp theo để lập hồ sơ (bằng chuyên gia), và 2 năm cuối trong các khóa học “Magister” để thu nhận kiến thức chuyên sâu.
Như vậy, một sinh viên sẽ có thể chọn hướng đào tạo của mình từ năm học thứ ba. Andrei Fursenko, trợ lý của Tổng thống Nga, cựu Bộ trưởng khoa học và Giáo dục Nga và là một trong những người khởi xướng cải cách chính, cho biết: “Bằng cách tập trung vào hai năm đào tạo, chúng tôi có thể giúp một người thay đổi quỹ đạo trong cuộc sống, quá trình học tập. Hệ thống có thể hiệu quả và linh hoạt hơn. Hiện đã có một số cơ sở giáo dục ở Nga sẵn sàng thử nghiệm sáng kiến này”.
Người phát ngôn của Đại học Bách khoa Peter Đại đế St Petersburg cho biết bất kỳ hệ thống nào cũng phải dựa trên đặc điểm văn hóa và lịch sử của đất nước, nhưng hệ thống Bologna được thiết kế theo các giá trị phương Tây lâu đời và không phù hợp với Nga.
Các quan chức của Bộ Giáo dục Đại học cho biết hệ thống mới sẽ làm tăng mức độ phổ biến của giáo dục đại học ở Nga, điều này rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.
Tăng cường tiềm năng giáo dục?
Hệ thống Bologna, hay tiến trình Bologna, xuất hiện cách đây hơn 2 thập kỷ. Ngày 19/6/1999, các bộ trưởng giáo dục của 29 quốc gia châu Âu đã ký tuyên bố “Khu vực giáo dục đại học châu Âu” tại Đại học Bologna ở Ý. Tuyên bố Bologna đã thúc đẩy một loạt các cải cách cần thiết để làm cho giáo dục đại học trên toàn châu Âu trở nên tương thích và dễ so sánh hơn, tăng tính cạnh tranh và thu hút hơn đối với sinh viên châu Âu, cũng như sinh viên và học giả từ các châu lục khác. Nó là sự tiếp nối hợp lý sáng kiến của Hội đồng châu Âu về công nhận trình độ chuyên môn của các trường đại học.
Chính phủ Nga tin tưởng rằng chương trình mới sẽ khả thi đối với hầu hết các trường đại học trong nước cũng như các chương trình và khóa học của họ.
Theo các quan chức của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học, quá trình chuyển đổi của các trường đại học trong nước sang hệ thống Bologna, bắt đầu từ năm 2009 và hoàn thành vào năm 2013, đã dẫn đến sự biến mất của các chuyên ngành và trình độ cụ thể của sinh viên tốt nghiệp.
Ngoài ra, điều này đã tạo ra những khó khăn nhất định trên thị trường lao động đối với họ, vì bằng cấp cử nhân hoặc thạc sĩ không giúp họ chuẩn bị cho các ngành nghề cụ thể ở Nga.
Nhiều nhà tuyển dụng cho biết họ không hài lòng với trình độ kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học và rằng họ không thể cung cấp những công việc tốt trước khi được đào tạo thêm.
Các quan chức của Bộ cho biết hệ thống mới sẽ rút ra cả kinh nghiệm tích cực của phương Tây, chẳng hạn như việc cung cấp trao đổi sinh viên và thực tập, cũng như lợi ích quốc gia của đất nước.
Nhưng sẽ không có sự quay trở lại hệ thống học tập cứng nhắc của Liên Xô cũ trong 5 năm theo một khóa học cố định mà không có tùy chọn thay đổi khóa học.
Đại diện của các trường đại học hàng đầu của Nga tin rằng việc chuyển đổi sang hệ thống mới sẽ góp phần tăng cường tiềm năng giáo dục và nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học trong nước.
Irina Abankina, giáo sư của Trường Kinh tế Đại học Nghiên cứu Quốc gia, một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Nga trong lĩnh vực kinh tế, cho biết sáng kiến mới của nhà nước là rất quan trọng.
GS Irina Abankina cho biết: “Kể từ năm 2012, một số vấn đề nghiêm trọng đã tích tụ trong hệ thống giáo dục đại học của Nga. Điều quan trọng là phải mở rộng chuyên môn trong một số lĩnh vực nhất định, chủ yếu là kỹ thuật, chuyên ngành công nghệ.
Hiện nay, nhà nước có nhu cầu cao đối với các kỹ sư cũng như nhà công nghệ, những người có thể giúp giải quyết các vấn đề thay thế nhập khẩu và thiết lập các chuỗi tương tác cung ứng bị phá vỡ trong doanh nghiệp. Hệ thống trở nên linh hoạt hơn, vì có thể có bằng cử nhân, thạc sĩ và chuyên gia, tức là tất cả các cấp độ này”.
Tuy nhiên, Egor Yablokov, Giám đốc Công ty Tư vấn và Truyền thông E-kvadrat và là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học, cho biết việc từ chối hệ thống Bologna sẽ chỉ làm tăng sự cô lập của các trường đại học Nga.
Theo ông, điều đó sẽ dẫn đến việc thu hẹp con đường đến với các hoạt động nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học Nga và sẽ không cho phép họ làm việc trong nền kinh tế hậu công nghiệp ngày nay. Ông nói thêm rằng nhiều người trẻ sẽ thích đi du học và không trở về Nga sau khi tốt nghiệp.
Theo Universityworldnews
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-dai-hoc-moi-o-nga-co-gi-dac-biet-post634222.html