Chương trình 'Đổi rác nhựa lấy gạo' mang lại tác dụng kép như thế nào?

Chương trình 'Đổi rác nhựa lấy gạo' đang giúp người dân nghèo khó tại một thị trấn của Philippines giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt. Chương trình cũng góp phần làm sạch môi trường biển.

Tham gia chương trình “Đổi rác nhựa lấy gạo”, người dân tại thị trấn Mabini, thủ đô Manila trao đổi các bao rác nhựa thu được từ bãi biển lấy một kilogram gạo.

Thu gom rác thải nhựa bên bờ biển Philippines. Ảnh: Reuters.

Thu gom rác thải nhựa bên bờ biển Philippines. Ảnh: Reuters.

Theo ông Giulio Endaya, trưởng nhóm tình nguyện thuộc chương trình “Đổi rác nhựa lấy gạo”, các nhà hảo tâm và các công ty nhỏ đã quyên góp, ủng hộ sáng kiến bảo vệ môi trường biển này. Ông Giulio Endaya cho biết: “Khu vực này là một phần của Tam giác San hô, được gọi là Hành lang Đảo Verde và có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Có rất nhiều khu bảo tồn biển ở đây, các địa điểm lặn đẳng cấp thế giới và gần đây là khu vực sinh sống quan trọng của cá mập và cá đuối. Vì vậy, có rất nhiều loài động vật hoang dã biển cực kỳ nguy cấp và dễ bị tổn thương ở khu vực này. Nhựa ảnh hưởng rất nhiều đến chúng”.

Kể từ khi các nỗ lực dọn dẹp bắt đầu vào tháng 10/2022, hơn 4.300 kg rác thải nhựa đã được thu gom và đổi lấy tổng cộng 2.600kg gạo. Chương trình “Đổi rác nhựa lấy gạo” cũng giúp ích rất nhiều cho một số cư dân địa phương, những người đang phải đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Một số người dân tham gia vào chương trình “Đổi rác nhựa lấy gạo” cho biết: “Sáng nay chúng tôi thu gom lưới đánh cá và lọ nhựa đựng dầu gội đã qua sử dụng. Rất nhiều ống hút, giấy gói kẹo, thuốc lá và hộp đựng chai lọ. Chương trình giúp ích rất nhiều cho những người nghèo đói và đặc biệt trong thời điểm giá cả hàng hóa quá cao như hiện nay. Bây giờ, khi rảnh rỗi, họ có thể thu gom rác thải nhựa trên bãi biển.”

“Việc đổi rác nhựa lấy gạo giúp ích rất nhiều cho chúng tôi. Vì trong một tháng, tôi cần 4 bao rưỡi gạo. Nhưng giờ, chúng tôi chỉ phải mua 2 bao. Chương trình vừa giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều, cũng giúp ích cho môi trường sạch sẽ.”

Theo báo cáo của dự án Our World in Data tại Đại học Oxford (Anh), Philippines là quốc gia gây ô nhiễm nặng nhất hành tinh. Rác thải nhựa từ Philippines chiếm 36% tổng lượng rác thải nhựa trên toàn cầu.

Thiều Dương/VOV1 biên dịch Nguồn: Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/chuong-trinh-doi-rac-nhua-lay-gao-mang-lai-tac-dung-kep-nhu-the-nao-post1105570.vov