Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương': Phát huy hiệu quả trên thực tế
Gia đình chị Lù Thị Pao, dân tộc Nùng, trú tại thôn Nậm Chảy, xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương) từng là hộ nghèo nhiều năm qua. Dù chăm chỉ nhưng do thiếu vốn, kiến thức, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Khi triển khai chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương', Hội Phụ nữ xã Nậm Chảy đã phối hợp với Đồn Biên phòng Nậm Chảy rà soát, xây dựng kế hoạch giúp đỡ các hội viên, phụ nữ nghèo phát triển kinh tế. Gia đình chị Pao được hỗ trợ tiền mua giống cây chuối mô.
Tổ chức tư vấn pháp luật cho hội viên phụ nữ và người dân biên giới. Ảnh: tư liệu
Cán bộ phụ nữ xã, bộ đội biên phòng đã mời hộ sản xuất giỏi, có kinh nghiệm trong phát triển cây chuối mô tới tận nơi chia sẻ kiến thức, cách làm và huy động ngày công giúp gia đình chị Pao. Sau gần 2 năm, gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định từ trồng chuối mô, thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Pao cũng có điều kiện mở rộng diện tích nhiều cây trồng khác.
Tại xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương), trong khuôn khổ phối hợp thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội Phụ nữ tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ 27 hội viên, phụ nữ thôn Vả Thàng trồng, chăm sóc cây mận, trị giá hơn 50 triệu đồng. Hội viên, phụ nữ tham gia mô hình được tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở các vườn mận, tập huấn về phương pháp, kỹ thuật trồng cây và tặng cây giống, phân bón phục vụ sản xuất. Mô hình triển khai từ cuối năm 2019, đến nay, cây mận sinh trưởng, phát triển tốt, đánh giá sơ bộ cho thấy cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương.
Huyện Mường Khương hiện có 7 xã được hưởng lợi từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, gồm: Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Tả Ngài Chồ, Pha Long, Lùng Vai, Nậm Chảy và Tung Chung Phố. Để chương trình đạt hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực, bền vững cho phụ nữ vùng biên, Hội Phụ nữ huyện đã khảo sát, nắm thực trạng, nhu cầu của phụ nữ địa phương làm cơ sở xây dựng các đề xuất, kế hoạch. Trong đó, ưu tiên tập trung mục tiêu nâng cao nhận thức, cải thiện sinh kế, việc làm và điều kiện sinh hoạt của phụ nữ, trẻ em. Qua gần 4 năm triển khai, chương trình đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, như xây dựng nhà văn hóa, nhà vệ sinh gia đình, tặng máy xay ngô... Đến nay, đã có 113 phụ nữ nghèo làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo. Gia đình hội viên được giúp đỡ đã tăng tính chủ động trong lao động, sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tích cực tham gia mô hình bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được Hội Phụ nữ tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp triển khai trên địa bàn một số xã biên giới thuộc các huyện Mường Khương, Bát Xát và Si Ma Cai từ năm 2018. Bà Thào Thị Tùng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội Phụ nữ tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị đồng hành và cơ sở tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu của địa phương để triển khai tốt nội dung chương trình. Trong đó, các đồn biên phòng phối hợp với hội phụ nữ các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn biên giới làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế, hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Ngoài tuyên truyền chính sách, pháp luật, các cấp hội phụ nữ và đồn biên phòng còn hướng dẫn phụ nữ tổ chức cuộc sống, phát triển kinh tế và giải quyết một số vấn đề xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia với hình thức phong phú như qua buổi họp thôn, tại các phiên chợ. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về phòng, chống mua bán người, phòng, chống xâm hại trẻ em, không vi phạm pháp luật và các quy định của Nhà nước...
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cũng đã hỗ trợ các địa phương xây dựng nhiều mô hình sinh kế, như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát), xã Nàn Sán (huyện Si Ma Cai), giúp đỡ 20 hội viên với tổng giá trị 200 triệu đồng; tặng 23 máy khâu và nhận bao tiêu sản phẩm cho tổ phụ nữ may thêu thổ cẩm của xã Y Tý (Bát Xát). Từ năm 2018 đến nay, chương trình đã tặng kinh phí để xây dựng 16 nhà “Mái ấm tình thương”, giúp gia đình hội viên “an cư, lạc nghiệp. Hội phụ nữ các cấp và các đơn vị bộ đội biên phòng còn kết nối, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, hỗ trợ 73 học sinh nghèo; thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” trực tiếp nuôi 22 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tặng hàng nghìn suất quà, học bổng cho học sinh, phụ nữ nghèo vùng biên...
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã đạt được nhiều kết quả, bước đầu tạo sức lan tỏa, khơi dậy tình cảm, tinh thần tương thân, tương ái, chung tay chăm lo những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Chương trình cũng đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.