Chương trình giáo dục phổ thông mới: kiểm tra, thi cử không tập trung vào kiến thức thuộc lòng
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu được triển khai từ lớp 1 trong năm học 2020 – 2021 với sự thay đổi khá toàn diện, từ số môn học, số tiết học, phương pháp giáo dục, đến nội dung chương trình,… Để mang đến bạn đọc thông tin đầy đủ hơn về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới.
+ Thưa giáo sư! Với tư cách là Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, xin ông cho biết nội dung chủ yếu của chương trình?
- Nếu chương trình giáo dục hiện nay và trước đây trả lời cho câu hỏi “sau khi học xong, học sinh biết được những gì”? thì chương trình GDPT mới sẽ trả lời cho câu hỏi “học sinh sẽ làm được những gì”? Với chương trình GDPT mới, học sinh sẽ có một quá trình chuyển đổi nhận thức từ “biết” sang “làm”. Đây là chuyển biến hết sức căn bản.
Chương trình GDPT mới sẽ chú trọng đổi mới các phương pháp dạy học. Phương pháp chủ yếu trong chương trình GDPT mới là tổ chức hoạt động.
Thứ nhất, trong chương trình GDPT mới, các thầy, cô giáo sẽ đóng vai trò người hướng dẫn cho học sinh học tập một cách chủ động, tiếp nhận kiến thức, luyện tập và tập vận dụng kiến thức vào đời sống thực tế.
Thứ hai, chương trình GDPT mới là một chương trình phát triển năng lực nên có tính “mở” - tức là có sự phân hóa cao. Điều này sẽ khơi dậy tiềm năng cũng như sở trường của mỗi học sinh.
Thứ ba, chương trình GDPT mới chú trọng phát triển năng lực cho học sinh và việc học tích hợp.
Thứ tư, chương trình GDPT mới phát huy tính chủ động của học sinh.
+ Mục đích của chương trình GDPT mới là giảm tải, tuy nhiên theo những gì đã công bố thì thấy, dù đều giảm về số môn nhưng lại tăng số tiết họ. Như vậy, chương trình có vẫn nặng với học sinh hay không, thưa ông?
- Vấn đề quá tải trong nền giáo dục ở nước ta rất khó khắc phục. Bởi, số giờ học của học sinh Việt Nam thấp hơn so với các nước trên thế giới, chủ yếu học 1 buổi/ngày (trừ học sinh tiểu học, khoảng 80% học 2 buổi/ngày). Với chương trình GDPT mới, học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày, còn học sinh ở các cấp học khác vẫn học 1 buổi/ngày.
Biện pháp giảm tải trong chương trình GDPT mới được đưa ra khá toàn diện: Số môn ít hơn so với chương trình giáo dục hiện hành và tương đương chương trình giáo dục của một số nước; bậc học THCS giảm được 54 tiết học; bậc học THPT giảm 350 tiết học. Học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày. Chia bình quân cho các buổi học, trong chương trình giáo dục hiện hành, học sinh phải học 2,8 giờ/ buổi học (60 phút/buổi học), với chương trình GDPT mới, học sinh chỉ học 1,7 giờ/ buổi học.
GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình GDPT mới chọn lọc những nội dung thiết thực, không thiên về kiến thức hàn lâm và đổi mới phương pháp dạy học. Học sinh không phải ngồi nghe giảng ở trên lớp mà được chủ động; cách đánh giá trong quá trình kiểm tra, thi cử không tập trung vào kiến thức thuộc lòng, gây căng thẳng cho học sinh.
+ Tại sao trong chương trình GDPT mới, số môn học ít đi mà số tiết học lại tăng lên, thưa giáo sư?
- Học sinh ở nước ta học ít hơn số giờ trung bình của thế giới (ở giai đoạn giáo dục cơ bản) 2.500 giờ. Do đó, trong chương trình GDPT mới, học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày. Tăng số tiết học, giảm số môn học là biện pháp giảm tải cho học sinh. Khi học 2 buổi/ngày, ngoài những giờ học bắt buộc, học sinh sẽ có nhiều thời gian hơn để tham gia vào các chương trình thể thao, văn nghệ, tự học,… Ngoài ra, với thời lượng 2 buổi học/ngày, nhà trường có thể bồi dưỡng các em sinh giỏi và phụ đạo những em có học lực kém.
+ Thưa giáo sư! Trong chương trình GDPT mới, đối với lớp 1, 2 có 7 môn học và yêu cầu 1 hoạt động bắt buộc. Vậy hoạt động bắt buộc đó là gì ạ?
- Trải nghiệm là hoạt động bắt buộc trong chương trình GDPT mới. Đây là các hoạt động sinh hoạt tập thể như: chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đội và trải nghiệm thực tế.
Trước đây, hoạt động trải nghiệm là hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh. Nhưng với chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm sẽ được đưa vào chương trình chính khóa với khoảng 35 tiết học/năm. Các trường không nhất thiết phải bố trí các tiết học trải nghiệm trong các buổi học, mà có thể dồn lại, để học sinh được đi thực tế, thăm quan, dã ngoại,… vào ngày thứ 7 hàng tuần.
+ Giáo sư có thể cho biết làm thế nào để triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới, trong bối cảnh nhiều địa phương còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên?
GDPT mới giúp học sinh chủ động hơn trong tiếp nhận kiến thức (ảnh: Quý Trung)
- Đây là vấn đề mà nhiều địa phương gặp phải, ở cả vùng sâu, vùng xa lẫn thành phố. Tuy nhiên, chương trình GDPT mới đã đặt ra yêu cầu mỗi năm học, địa phương tập trung triển khai chương trình GDPT mới cho một lớp. Như hiện nay một số địa phương thiếu lớp học, thiếu giáo viên, thì năm đầu tiên có thể triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1, năm tiếp theo là lớp 2,… Sau 5 năm thì chương trình sẽ được triển khai một cách toàn diện.
Như vậy các địa phương sẽ có đủ thời gian để thực hiện, miễn là cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và thực hiện đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, đáp ứng cơ sở vật chất để triển khai chương trình GDPT mới.
+ Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai chương trình GDPT mới trong đó có 2 môn bắt buộc là ngoại ngữ và tin học sẽ tạo nên thách thức không nhỏ đối với các địa phương trong việc tuyển dụng nhân sự. Giáo sư nghĩ sao về điều này?
- Thực tế cho thấy, thiếu giáo viên giảng dạy môn ngoại ngữ và tin học là một điều khó khăn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Bởi mức đãi ngộ đối với các giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học vẫn còn khá thấp. Giải pháp để khắc phục là có chính sách đãi ngộ hợp lý.
+ Thưa giáo sư! Việc bổ sung thêm nội dung giáo dục của địa phương trong chương trình GDPT mới có làm mất đi tính thống nhất, hay sẽ mang lại lợi thế gì ạ?
- Ở các nước trên thế giới, chương trình GDPT thường có 3 cấp: Chương trình quốc gia, chương trình của tỉnh, bang và chương trình của nhà trường. Thực tế, họ căn cứ vào chương trình của quốc gia và chương trình của địa phương để sắp xếp kế hoạch dạy học, tổ chức các môn học bắt buộc hoặc tự chọn, phù hợp với học sinh. Còn ở nước ta, Luật giáo dục chỉ quy định 1 chương trình quốc gia. Nghị quyết 88 giải quyết vấn đề chương trình địa phương thông qua quy định giáo dục của địa phương, do UBND cấp tỉnh quyết định xây dựng và biên soạn tài liệu, Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Chương trình giáo dục của địa phương làm cho giáo dục gắn với thực tế của địa phương và nhu cầu đào tạo nhân lực, do các địa phương tổ chức. Trong chương trình GDPT mới, nhà trường không có chương trình riêng nhưng được quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó bố trí số tiết trong mỗi tuần, mỗi môn, tổ chức các hoạt động trải nghiệm,…
+ Được biết, việc thực hiện nội dung trong chương trình GDPT mới sẽ mang tính “mở”. Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về tính “mở”?
- Tính “mở” ở đây là “mở” cho địa phương. Địa phương sẽ bổ sung thêm nội dung dạy học từ lớp 6 đến lớp 12 là 245 tiết. Cơ sở giáo dục được quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Tính “mở” của chương trình GDPT mới sẽ giúp giáo viên chủ động, sáng tạo trong quá trình giảng dạy.. Học sinh sẽ được quyền lựa chọn những nội dung phù hợp với sở trường và nguyện vọng của mình.
+ Cám ơn giáo sư về cuộc trò chuyện!
Minh Thúy (thực hiện)