Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thực sự giảm tải hay 'bình mới rượu cũ'?

Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Chương trình được áp dụng vào năm 2020 với nhiều sự thay đổi nhằm giảm tải, hướng đến phát triển năng lực của học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, lo lắng về chuyện giảm tải có thực sự hiệu quả hay chỉ là chuyện hô hào khẩu hiệu.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng vào năm học 2020 – 2021 đối với lớp 1. Ảnh: Q.Anh

Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng vào năm học 2020 – 2021 đối với lớp 1. Ảnh: Q.Anh

Nhiều giải pháp giảm tải toàn diện

Theo Chương trình GDPT mới, nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, Ban Soạn thảo đã chỉ ra những nguyên nhân gây quá tải cho người học hiện nay, đồng thời đưa ra 6 giải pháp nhằm giảm tải trong chương trình mới. Đó là, sẽ giảm kiến thức kinh viện. “Chương trình Giáo dục phổ thông mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với sở trường, học sinh sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Trong vòng 5 năm trở lại đây, Bộ tổ chức nhiều cuộc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo hướng tiếp cận với những nội dung đổi mới Chương trình GDPT theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng năng lực thông qua nhiều hình thức, trong đó có tập quấn qua mạng Internet đảm bảo liên tục, thường xuyên. Để chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021, các giáo viên dạy lớp 1 được lựa chọn phù hợp, tốt nhất và tiếp tục lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên cho các lớp tiếp theo”.

Trước mối lo về cơ sở vật chất, ông Phạm Hùng Anh, Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình Giáo dục mầm non và Chương trình GDPT… Đến nay, nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi cũng đã có những chính sách đầu tư hệ thống trường lớp, đạt tỷ lệ cao về trường lớp học kiên cố. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình mới theo lộ trình, ưu tiên đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Chương trình GDPT mới, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, Nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục (ĐH Newcastle, Australia), thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA bày tỏ nhiều băn khoăn. Ông chia sẻ, trong khi chúng ta còn chưa có một nghiên cứu đánh giá tổng thể thì liệu áp dụng vào năm 2020 có khả thi. Cá nhân tôi cho rằng, Chương trình chỉ là “bình mới rượu cũ”. Chúng ta giảm tải môn học chỉ theo cơ số chứ hoàn toàn không về thực chất. Ví dụ, thay vì dạy 2 môn Lịch sử và Địa lí thì gộp chung hay cái gọi là tích hợp thành môn Sử - Địa, số tiết học tăng lên và số buổi cũng tăng theo.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Chương trình GDPT mới, nhiều giáo viên cũng đặt ra câu hỏi, chuyện giảm tải cho học sinh có thực sự được thực hiện triệt để, hay chỉ là chuyện khẩu hiệu? Lấy dẫn chứng từ cấp Tiểu học, một số ý kiến cho rằng có tới 11 môn (so với hiện nay 7 môn) là tăng lên, chứ chưa giảm môn học. Ngoài ra, dẫn chứng từ chương trình phổ thông hiện nay so với trước đây đã tăng kiến thức rất nhiều, buộc học sinh phải ôn tập và làm bài nhiều hơn mới theo kịp chương trình…

Chia sẻ thêm về chuyện giảm tải trong Chương trình GDPT mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Chương trình mới về cơ bản không có sự thay đổi nhiều so với hiện tại, nên giáo viên, học sinh không phải lo lắng về vấn đề dễ hay khó. Cái mới là dạy theo hướng phát triển năng lực, tư duy của học sinh. Nội dung kiến thức cơ bản là như vậy, nhưng sẽ được dạy và học theo hướng tiếp cận mới. Công tác dạy thực nghiệm các môn theo Chương trình mới cũng đã được triển khai tại một số nơi, theo hướng dạy trực tiếp để rút kinh nghiệm hoàn thiện môn học”.

Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở kết quả xây dựng chương trình, tình hình chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện đổi mới, Bộ GD&ĐT thực hiện lộ trình áp dụng Chương trình mới như sau: Năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-thuc-su-giam-tai-hay-binh-moi-ruou-cu-20181228181952108.htm