Chương trình Hành động số 88 -Ctr/TU: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại gắn với xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, bền vững

Huy động tối đa các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… Là một trong những quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XIV) trong Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 72-KL/TW, ngày 23/02/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cánh đồng điện gió.

Cánh đồng điện gió.

Cùng với quan điểm trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải thực hiện tốt phương châm "Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư". Bố trí vốn đầu tư công tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả cao; không đầu tư dàn trải. Tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình kết cấu hạ tầng tạo sự đột phá, có tác động lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, thủy lợi và hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Cơ bản hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tương đối đồng bộ; đầu tư hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, bảo đảm kết nối với các vùng trong cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Phấn đấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh chiếm khoảng 36 - 38% GRDP giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 10 - 12% và nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước chiếm khoảng 88 - 90% tổng vốn đầu tư toàn xã hội…

Cảng Vĩnh Tân.

Cảng Vĩnh Tân.

Để đạt được những mục tiêu trên, chương trình hành động đề ra những giải pháp cụ thể là: Đối với công tác xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch, phải triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quy hoạch; định kỳ tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch tỉnh, rà soát điều chỉnh Quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật… Đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, theo đó tiếp tục rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của tỉnh về thu hút đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, đầu tư công, về chính sách đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Phối cảnh Sân bay Phan Thiết

Phối cảnh Sân bay Phan Thiết

Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI, SIPAS, PAR INDEX, PAPI của tỉnh… Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, chống thất thu; khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ quỹ đất. Bố trí chi ngân sách nhà nước theo hướng tập trung, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công cho các công trình, dự án trọng điểm, công trình có tính chất tạo động lực mới, không gian mới để phát triển kinh tế; các dự án tạo quỹ đất để đấu giá, các dự án tái định cư, các dự án kết nối liên vùng khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn khác. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP)… Thường xuyên rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho chủ đầu tư các dự án ngoài ngân sách đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai theo quy định của pháp luật.

Đối với việc huy động nguồn lực đất đai, phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất đảm bảo phù hợp, đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Sớm ban hành quy định về điều chỉnh giá đất hàng năm theo quy định. Trong liên kết phát triển, phải tăng cường hợp tác, liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên trong phát triển hạ tầng giao thông; khai thác tốt hệ thống hạ tầng cảng biển và hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn, trong đó tập trung vào các khu vực Cảng Sơn Mỹ và Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong phát triển du lịch; tiêu thụ hàng hóa, nông sản; thu hút đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, định chế tài chính, cơ quan phát triển quốc tế trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục - đào tạo; giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đường cao tốc qua tỉnh Bình Thuận.

Đường cao tốc qua tỉnh Bình Thuận.

Chương trình Hành động số 88, ngày 08/7/2024 do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh ký ban hành định hướng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực chủ yếu như giao thông, năng lượng điện; các khu, cụm công nghiệp; nông nghiệp, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu; thương mại, dịch vụ; cấp thoát nước, xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy; thông tin, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, y tế và giáo dục. Đồng thời định hướng đến năm 2045: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại gắn với xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, bền vững.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuong-trinh-hanh-dong-so-88-ctr-tu-phat-trien-he-thong-ket-cau-ha-tang-kinh-te-xa-hoi-hien-dai-gan-voi-xay-dung-nen-kinh-te-phat-trien-nang-dong-ben-vung-120310.html