Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế sẽ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp
Chiều 11/11, trong phần trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vấn đề được một số đại biểu Quốc hội quan tâm đó là gói kích thích mới có làm tăng bội chi và nợ công? Bộ trưởng cho biết, nếu không có gói kích thích đủ lớn, kinh tế chậm phục hồi sẽ lỡ cơ hội phát triển.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Gói kích thích kinh tế về lâu dài sẽ góp phần giảm bội chi ngân sách
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng bội chi, tạo nguồn thực hiện mục tiêu kép
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hai chiến lược lớn, sớm có chính sách kích thích kinh tế
Khi quy mô nền kinh tế lớn lên, tự khắc nợ công sẽ giảm
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết, theo ý kiến nhiều chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP. Nếu làm như vậy sẽ tăng nợ công, tăng bội chi, nợ Chính phủ. Còn nếu không có các giải pháp đủ lớn, nền kinh tế sẽ chậm phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước, kèm theo nhiều hệ lụy tiêu cực. Đại biểu hỏi quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.
“Chúng ta chấp nhận vượt trần ngân sách, tăng nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển chất vấn. Ông cũng đồng thời gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển băn khoăn gói hỗ trợ lớn sẽ tăng bội chi, nợ công. Ảnh: QH.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu chúng ta hỗ trợ bằng tiền mặt, tung tiền ra thị trường, cấp tiền cho người dân, nguy cơ và rủi ro rất lớn là tăng lạm phát. Bộ trưởng cho biết, quan điểm của cá nhân ông, ông ủng hộ nới bội chi và nợ công “trong một khoảng mà chúng ta có thể kiểm soát được”.
Bởi vì, nếu chúng ta không nới bội chi và nới nợ công thì rất khó có điều kiện tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm rồi khát vọng của chúng ta đến năm 2045 là nước phát triển. “Nếu không nới bội chi và trần nợ công, chúng ta bỏ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ dân số vàng, cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới”, vì vậy, cá nhân ông ủng hộ nghiên cứu nới bội chi và nợ công.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Như vậy vừa phát triển, giải quyết việc làm, làm cho quy mô nền kinh tế lớn hơn, khi đó thì tự khắc nợ công sẽ giảm xuống dù không thể xuống như cũ. Còn nếu không nới, không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao trong khi chúng ta bỏ hết cơ hội phát triển”.
Đã tính toán tác động của gói kích thích mới lên bội chi
Trước đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đặt câu hỏi: Trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này, chỉ tiêu tốc độ tăng GDP đạt 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng những chỉ tiêu này đã dự báo hết nguy cơ gia tăng tỷ lệ nhập khẩu lạm phát chưa, nhất là những hậu quả nặng nề do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư gây ra; đồng thời trong tỷ lệ bội chi nêu trên đã bao gồm những gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới hay chưa?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ sở xác định các chỉ tiêu này đã căn cứ vào tình hình thực tiễn. Theo đó, mục tiêu lạm phát đã được tính trên khả năng khống chế được dịch bệnh vào quý IV/2021, khả năng phục hồi của nền kinh tế khi mở cửa trở lại và lạm phát được kiểm soát.
Đầu tư công trong chương trình phục hồi, theo Bộ trưởng là chưa tính vào bội chi và nợ công. “Nếu được Quốc hội thông qua, bội chi có thể tăng khoảng 1% và vẫn trong tầm kiểm soát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm. Hiệu quả của chương trình hỗ trợ giúp kinh tế tăng trưởng sẽ giúp giải quyết nhiều mục tiêu. GDP tăng lên không chỉ làm tăng quy mô nền kinh tế mà các chỉ số về nợ công và bội chi cũng sẽ giảm đi.
Về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đang được giao để nghiên cứu, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là chương trình hỗ trợ phục hồi phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phải phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các hỗ trợ cho cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế, thực hiện linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, 5 năm; kế hoạch đầu tư công, tài chính công 5 năm; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế...
Chương trình này cũng tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời hỗ trợ và phối hợp đồng thời, tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu tiêu dùng nội địa; giữa các chính sách, giải pháp, gắn với cơ chế thực hiện để đảm bảo khả thi; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo khả thi, hiệu quả, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ dự tính báo cáo và nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Nếu Quốc hội thông qua kỳ họp cuối năm nay thì thực hiện đầu năm 2022 để đảm bảo các mục tiêu đề ra./.