Chương trình Học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ 22 Những nghị lực phi thường
Mỗi học sinh nhận học bổng Vượt khó vì tương lai (VKVTL) là một tấm gương sáng về nghị lực phi thường. Các em đã vượt qua khó khăn về điều kiện sống, tinh thần, thậm chí là cả nỗi đau thể xác vì những căn bệnh quái ác để tiếp tục đến trường.
Chưa đầy 10 tuổi nhưng trải qua đến 16 lần hóa trị, 2 tháng nằm viện để xạ trị, 2 lần phẫu thuật để cắt đi 4 xương sườn, 1 bên phổi, 1 khối u…, ít ai có thể tưởng tượng được những đau đớn, sợ hãi mà cô học trò nhỏ Phạm Đoàn Trang My, lớp 4A2, Trường tiểu học Huỳnh Tấn Phát (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) đã trải qua. Vậy nhưng, ngay cả những ngày nằm triền miên trong bệnh viện, chịu nhiều đau đớn, Trang My vẫn cố gắng học bài để có thể theo kịp các bạn ở lớp.
“Con ước mơ có tóc…”
Đó là câu trả lời của Trang My khi được hỏi “ước mơ của con là gì”? Cô bé lớp 4 dáng người nhỏ xíu, gầy gò và đôi môi tái nhợt đưa bàn tay lên vuốt mái tóc giả đang đội trên đầu. Mái tóc được Trang My chải chuốt gọn gàng, cài một chiếc kẹp màu hồng hình ngôi sao, phần đuôi tóc cột gọn gàng…
Trang My kể: “Đây là tóc giả mẹ mua cho con”.
Theo chị Đoàn Thị Kim Trúc (ngụ ấp Thọ Lâm 1, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú), mẹ của Trang My, từ năm Trang My học lớp 2, chị thấy người của con xanh xao. Thời gian đó, ngày nào đi học về bé cũng than đau lưng, mệt mỏi. Cho đến một ngày bé khó thở, chị đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thì được bác sĩ cho chuyển viện lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây, bác sĩ cho biết Trang My bị bệnh ung thư xương. Không những vậy, con còn có một khối u trong lồng ngực (u nguyên bào thần kinh trung thất). Khối u to đến mức ép tim của bé dồn về bên ngực phải… Từ đó đến nay đã hơn một năm, Trang My được các bác sĩ hết lòng cứu chữa bằng nhiều biện pháp.
Chị Kim Trúc không cầm được nước mắt khi chia sẻ về tình trạng của con: “Các bác sĩ cũng rất ngạc nhiên về sức chịu đựng của con bé. Mỗi lần thấy mẹ khóc, Trang My lại nói thương mẹ, con bảo con không muốn chết trước mẹ, cũng không muốn mẹ già đi…”.
Em Nguyễn Hoàng Thành Đức học cùng lớp với Trang My cũng là học sinh được nhận học bổng VKVTL lần này. Nhà Đức có 2 anh em đang tuổi ăn học, cha bị tai biến đã 4 năm nay. Một mình mẹ đi làm để nuôi cả nhà, vì vậy đời sống gia đình rất khó khăn. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Đức rất chăm ngoan, nỗ lực học tập. Hàng ngày, ngoài giờ học, Đức ở nhà phụ chăm sóc cha. Em có thể đút cho cha ăn, phụ anh tắm cho cha.
Chị Nguyễn Hợp Bích, mẹ của Đức, tâm sự: “Khi cha của Đức bị tai biến, gia đình dốc lòng chạy chữa, đi khắp các bệnh viện nhưng bác sĩ khuyên nên cho về nhà. Thời điểm đó, để có tiền chữa bệnh cho cha Đức, tôi phải vay mượn rất nhiều. Bây giờ tôi chỉ mong muốn bản thân có sức khỏe để đi làm kiếm tiền lo cho các con ăn học”.
Cô Đào Thị Huy Thiện, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, cho biết: “Đức có lực học tốt, tích cực phát biểu. Còn Trang My do bệnh nặng nên thường phải nghỉ học, mỗi tháng nghỉ khoảng 4 ngày. Tuy vậy, em rất thích học, thích viết bài, thích làm việc của lớp, có năng khiếu mỹ thuật”.
Cùng là học sinh Trường tiểu học Huỳnh Tấn Phát được nhận học bổng VKVTL còn có em Nguyễn Hoàng Gia Duy, học sinh lớp 3A1. Hoàn cảnh gia đình Duy cũng rất khó khăn: gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, cha bị bệnh thận, bác gái lớn tuổi mất sức lao động, 4 anh em Duy đều đang đi học, chỉ mình mẹ đi làm giúp việc nhà với thu nhập 200 ngàn đồng/ngày để nuôi 7 người trong gia đình và lo thuốc thang chạy chữa cho chồng.
Bà Nguyễn Thị Lâm, bác của Gia Duy, vừa khóc vừa nói: “Tháng này, cha của Duy đã đi bệnh viện 3 lần, hiện nằm ở bệnh viện. Tôi già yếu, chỉ có thể ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, mọi việc đều trông cậy vào em dâu. Em đã một mình làm lụng để lo cho cả nhà như vậy suốt gần 5 năm nay”.
Cậu học trò nhỏ là đôi mắt sáng cho anh trai
Có lẽ suốt cuộc đời mình, cậu học trò nhỏ Dịp Kim Hùng, lớp 5B, Trường TH-THCS Hùng Vương (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) không thể nào quên được ngày khai giảng năm học 2024-2025. Vì ngày khai giảng này cũng là ngày mà cha của Hùng trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư.
Cậu học trò nhỏ lớp 5 cũng là người đầu tiên phát hiện cha đã mất. Khi đó, dù hoảng sợ nhưng em vẫn biết gọi điện cho người chị gái (đã lấy chồng) để báo tin. Trước khi cha mất, trong căn nhà nhỏ của Hùng chỉ có 3 cha con và Hùng là người mạnh khỏe, lành lặn duy nhất. Người anh trai đã 16 tuổi của Hùng bị mù và liệt bẩm sinh. Vì vậy, Hùng chính là người hàng ngày đút cho anh ăn, vệ sinh cho anh.
Cha mẹ Hùng ly hôn từ khi em còn nhỏ. 2 người chị gái, 1 người đã lấy chồng, 1 người đang học đại học. Trước khi cha bệnh, Hùng được gửi về sống với ngoại, còn anh trai bị liệt sống với mẹ. Tuy vậy, không muốn cha phải cô độc những ngày cuối đời nên các chị đã quyết định cho cả 2 người em trai về sống cùng cha và nhờ họ hàng, làng xóm xung quanh để mắt đến các em. Cha mất, mẹ của Hùng tạm xa gia đình riêng để quay về sống với các em một thời gian. Tuy vậy, việc đưa đón Hùng đi học vẫn phải nhờ cậy vào người anh họ.
Chị Dịp Kim Yến, chị gái thứ 2 của Hùng, hiện là sinh viên năm cuối Trường đại học Ngoại ngữ - tin học Thành phố Hồ Chí Minh, dù không ở cùng các em nhưng là người lo toan, sắp đặt mọi việc trong gia đình. Bản thân chị Yến học đại học hoàn toàn nhờ vào tự thân vận động và sự hỗ trợ của nhà hảo tâm. Chị Yến dự định thời gian tới sẽ gửi Hùng về sống ở nhà bà ngoại, cho anh trai của Hùng về sống với mẹ. Khi chị Yến ra trường có việc làm ổn định sẽ nuôi Hùng để em được ăn học đến nơi đến chốn.
“Khi vào thuốc, nếu đau quá thì con khóc. Con đã mổ 2 lần, đó là cảm giác con sợ nhất. Con ước mơ có tóc và cha mẹ trả hết nợ” - em PHẠM ĐOÀN TRANG MY bày tỏ mong muốn của mình.
Với Hùng, chị Yến chính là người mà em yêu thương nhất vì “chị là người chăm sóc con, chỉ cho con học bài. Con cũng muốn học giỏi như chị. Ước mơ của con là trở thành bác sĩ thú y, vì con yêu thích động vật”.
Cô Ngô Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm của Dịp Kim Hùng, chia sẻ: “Ở lớp, Hùng tích cực học tập, tiếp thu bài tốt, tích cực phát biểu và hoàn thành bài cô giáo giao. Tuy vậy, có nhiều lúc em hay buồn. Do đó, tôi phải thường xuyên nói chuyện, động viên, khuyến khích em bằng cách tuyên dương trước lớp. Vì hoàn cảnh của Hùng đặc biệt khó khăn nên nhiều phụ huynh trong lớp cũng quan tâm và có hỗ trợ em thông qua người chị gái”.