Chương trình khuyến công đồng hành cùng doanh nghiệp

Việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, thời gian qua, các đề án thuộc Chương trình khuyến công tỉnh đã và đang giúp cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Thực hiện theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg, ngày 1-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 và Quyết định số 2380/QĐ-UBND, ngày 6-10-2016 của UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công Thương Sóc Trăng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tăng cường các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác khuyến công, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến có sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh.

Chương trình khuyến công thời gian qua đã làm tốt vai trò đồng hành cùng phát triển với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.BÌNH

Chương trình khuyến công thời gian qua đã làm tốt vai trò đồng hành cùng phát triển với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.BÌNH

Qua quá trình thực hiện đã hỗ trợ nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Minh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Ong Xanh (Long Phú) phấn khởi cho biết, với sự hỗ trợ của đề án khuyến công đã giúp cho công ty chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang bán tự động, qua đó nâng sản lượng từ 300 lít mật ong/tháng lên 600 lít mật ong/tháng, góp phần tăng lợi nhuận cho công ty, còn giúp cho sản phẩm của công ty đạt 3 sao lên 4 sao theo chuẩn OCOP, đồng thời giúp công ty phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Cũng là đơn vị được đề án khuyến công hỗ trợ máy móc thiết bị vào các khâu sản xuất, Công ty TNHH Cẩm Thiều (TX. Ngã Năm) chuyên sản xuất trà mãng cầu đã mạnh dạn đầu tư máy sấy trà, tủ sấy tuần hoàn khí nóng 1 cửa, máy đóng gói tự động, thiết bị thái đa năng và máy in phun, với tổng vốn đầu tư trên 382 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 113 triệu đồng. Theo ông Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều, trước kia công ty chỉ sản xuất bằng thủ công, sau khi được hỗ trợ đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất khá tốt, năng suất được tăng lên, sản phẩm đạt chất lượng tốt, đồng thời hạ giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Còn đối với cơ sở bún khô Thanh Đại (Châu Thành), để tăng công suất, cải tiến chất lượng mẫu mã, cơ sở đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị, dây chuyền sản xuất bằng hệ thống cân đóng bao tự động và hệ thống băng tải cung cấp sản phẩm vào lò sấy, với tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỉ đồng, trong đó, đề án Khuyến công địa phương hỗ trợ 464 triệu đồng. Qua đó, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đại diện cơ sở bún khô Thanh Đại, ông Trang Minh Trí cho biết, vừa qua, được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ đảm bảo cho việc sản xuất được tốt hơn. Hiện tại, sản phẩm của cơ sở được chứng nhận 3 sao, khi lắp đặt xong máy móc, hy vọng trong thời gian tới sản phẩm của cơ sở sẽ được nâng lên thành 4 sao.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, trên cơ sở đăng ký nhu cầu năm 2021 của các địa phương và nguồn vốn từ Chương trình khuyến công được phân bổ hàng năm, trung tâm đã phối hợp các sở, ban ngành và các địa phương tổ chức xét chọn và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện các đề án khuyến công. Thông qua các nội dung hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đồng chí Phạm Xuân Nhiệm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, thời gian tới, hoạt động khuyến công tiếp tục tập trung vào việc tăng cường khảo sát, nắm nhu cầu đầu tư của các cơ sở sản xuất, tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; tập trung hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm công nghiệp đặc trưng, tiêu biểu, phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tập trung hỗ trợ các ngành nghề, như: chế biến nông sản, chế biến thủy sản, chế biến lương thực, thực phẩm và ngành cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nhất là chế biến các sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, ưu tiên các đề án hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tỉnh Sóc Trăng. Qua đó thực hiện tổ chức bình chọn, cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh cho khoảng 20 sản phẩm; hỗ trợ 17 cơ sở sản xuất đầu tư ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất và tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Nam.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/chuong-trinh-khuyen-cong-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-49067.html