Chương trình Khuyến mại tập trung tại các địa phương năm nay có gì mới?
Chương trình Khuyến mại tập trung tại các địa phương năm nay có nhiều điểm mới nhằm kích cầu tiêu dùng đến cả những người dân có thu nhập thấp.
Đa dạng giải pháp kích cầu tiêu dùng
Tiêu dùng nội địa - một trong 3 trụ cột tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, vẫn đang gặp nhiều khó khăn và là một ẩn số. Thậm chí, không ít doanh nghiệp cho rằng, cầu hàng hóa những tháng tới vẫn chưa thật sự khởi sắc.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt gần 3,099 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng chỉ còn 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%).
Sức mua trong nước 6 tháng qua tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019. Nhiều doanh nghiệp không trụ nổi đã phải rời thị trường.
Trong bối cảnh đó, kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp rất quan trọng. Các địa phương đã đẩy mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng với nhiều phương thức mới, kỳ vọng mang lại hiệu quả cao. Trong đó, điểm mới là chương trình sẽ không chỉ tập trung vào cuối năm mà rải rác thành nhiều đợt trong năm. Đồng thời, chương trình hướng tới nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Đơn cử, Chương trình khuyến mại tập trung của TP. Hồ Chí Minh (đợt 1 diễn ra từ ngày 15/6 – 15/9) được xem là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm và là giải pháp kích cầu tiêu dùng đang được các doanh nghiệp hưởng ứng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình với mức khuyến mại lên đến 100%.
Tuy nhiên, nếu chỉ có doanh nghiệp hưởng ứng một chương trình khuyến mại bán hàng thôi thì chưa đủ mà cần làm thế nào để người có thu nhập thấp vẫn có thể hưởng lợi từ chương trình khuyến mại tập trung quy mô này mới là điều quan trọng. Do đó, điểm mới của Chương trình khuyến mại tập trung tại TP. Hồ Chí Minh năm nay là tập trung kích cầu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo đó, từ đầu tháng 8 tới, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người lao động thu nhập thấp ở các quận, huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Trước mắt, Sở sẽ làm việc với các quận, huyện để đăng ký các điểm bán tại địa phương, chú trọng những khu vực có đông công nhân, khu vực người lao động ở trọ tập trung đông…. Đây là nhóm khách hàng khó có cơ hội tiếp cận thường xuyên việc mua sắm hàng hóa trong các siêu thị, nơi diễn ra các chương trình khuyến mại lớn.
Đáng chú ý năm nay, bán lưu động không chỉ hàng Việt mà còn có sự góp mặt của các thương hiệu lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia qua sự vận động của Sở. Thế nên, người thu nhập thấp, công nhân vẫn có cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng tốt, giá tốt tại các xe bán hàng lưu động.
Tại Đà Nẵng, theo Sở Công Thương Đà Nẵng, Chương trình khuyến mại tập trung đã diễn ra từ ngày 6/6-8/8 nhằm kích cầu mua sắm trên địa bàn thành phố đợt 1 năm 2024. Hoạt động nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh bán hàng, tạo điều kiện để người tiêu dùng có cơ hội mua sắm hàng hóa dịch vụ với chất lượng, giá cả phù hợp và được hưởng các quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong tháng khuyến mại kích cầu mua sắm đợt 1 năm 2024, các doanh nghiệp đã triển khai đồng loạt các chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tại đơn vị với các hình thức như: bốc thăm, quay số trúng thưởng; tặng quà, giảm giá, voucher... với mức giảm giá tối đa 100% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
Còn tại Hà Nội, Chương trình Khuyến mại tập trung Thành phố Hà Nội năm 2024 gồm nhiều sự kiện tiếp nối nhau. Cụ thể, Hội chợ Ngày hội khuyến mại sẽ được tổ chức ba lần, từ ngày 22 đến 26/5 tại quảng trường Khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân); từ ngày 26 đến 28-7 tại Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) và từ ngày 22 đến 24/11 tại không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) với quy mô 100 gian hàng mỗi hội chợ. Các điểm bán hàng tại hội chợ có mức giảm giá từ 30% tới 100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại.
Tháng 11, sự kiện Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2024 được triển khai trên toàn thành phố với khoảng 800-1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại. Trong tháng này cũng sẽ diễn ra nhiều sự kiện như “Lễ hội mua sắm Hà Nội - HaNoi shopping Festival”, “Hà Nội siêu hội mua sắm - HaNoi Mega Sale”, “Ngày Vàng Giá shock”… Sự kiện Hà Nội đêm không ngủ - Ha Noi Midnight Sale, diễn ra từ ngày 29 đến 30-11, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh; các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử… Hoạt động giảm giá sẽ áp theo từng khung giờ với mức ưu đãi “Càng khuya - Càng giảm”.
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, kích cầu tiêu dùng. Việc Chính phủ vừa ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% kéo dài đến hết năm nay kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, đây là chương trình kích cầu lớn trong tổng thể một chương trình khuyến mại bán hàng lớn. Qua đó, giúp người dân thuộc mọi tầng lớp từ thành thị đến nông thôn, từ giới trung lưu đến lao động phổ thông, công nhân… có cơ hội mua được nhiều hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá hợp lý, thậm chí giá tốt hơn khi mua ngoài chợ vào ngày thường. Nếu tổ chức đều đặn, chương trình này giúp kích cầu đáng kể, có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chương trình không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn cả doanh nghiệp do doanh nghiệp được quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để tiêu thụ một lượng hàng hóa lớn.
Tuy nhiên, ông Phú lưu ý, để sự kiện này mang lại ý nghĩa lớn, cần đẩy mạnh các giải pháp phòng tránh hàng gian, hàng giả, gian lận trốn thuế trà trộn vào chương trình. Đây cũng là cách doanh nghiệp giữ chân được người tiêu dùng sau khi chương trình kết thúc.