Chương trình lớp 10 mới sẽ được triển khai ra sao?
Từ năm học 2022-2023, chương trình lớp 10 mới sẽ bắt đầu được đưa vào giảng dạy ở bậc THPT. Điểm mới nhất của chương trình là học sinh được tự chọn môn học theo sở thích và năng lực cá nhân. Thiết kế chương trình này là phù hợp với định hướng dạy học phát triển năng lực của học sinh, đồng thời gần với định hướng nghề nghiệp của các em.
Tuy nhiên, trên thực tế, các trường THPT sẽ chủ động xây dựng tổ hợp môn học và học sinh chỉ được lựa chọn trong khuôn khổ những gì mà trường THPT có. Hiện nay, các trường THPT đang tính toán phương án xây dựng tổ hợp môn học. Trong khi đó, học sinh lớp 9 còn khá “lơ mơ” về chương trình lớp 10 mới mà các em sẽ học trong năm học tới đây.
* Gắn liền với định hướng nghề nghiệp
Theo thiết kế, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Bắt đầu từ lớp 10, thay vì phải học 17 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc như chương trình hiện hành, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình. Cụ thể, học sinh sẽ học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, 5 môn học tự chọn và 3 chuyên đề học tập.
Chưa kể sự “vắng bóng” của môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trường THPT khi thực hiện chương trình lớp 10 mới, trên thực tế, việc xây dựng các tổ hợp môn học khó có thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của học sinh. Vì vậy, trước mắt các trường đều xây dựng tổ hợp môn học dựa trên đội ngũ giáo viên hiện có. Đại diện Ban giám hiệu một số trường THPT cho biết, trong trường hợp học sinh đăng ký tổ hợp môn học “lệch pha” so với dự kiến của nhà trường thì trường sẽ tổ chức đánh giá năng lực đầu vào để xếp lớp. Một giải pháp khác cũng được đặt ra là có sự luân chuyển giáo viên giữa các cụm trường. Tuy nhiên, điều này là rất khó khả thi trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Các môn học tự chọn gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật (nhóm môn khoa học xã hội - KHXH), Vật lý, Hóa học, Sinh học (nhóm môn khoa học tự nhiên - KHTN), Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật (nhóm môn công nghệ và nghệ thuật). Đối với nhóm môn tự chọn, học sinh sẽ chọn 5 môn trong 3 nhóm môn này, mỗi nhóm môn phải có ít nhất 1 môn.
Ngoài việc lựa chọn môn học, đối với nhóm môn công nghệ và nghệ thuật, học sinh còn được chọn nội dung học trong mỗi môn. Chẳng hạn, trong môn Mỹ thuật có 10 nội dung để học sinh lựa chọn (mỗi nội dung là 1 sách giáo khoa riêng biệt) gồm: Thiết kế mỹ thuật sân khấu điện ảnh, Hội họa, Thiết kế công nghiệp, Đồ họa, Kiến trúc, Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Điêu khắc, Thiết kế thời trang, Lý luận và lịch sử mỹ thuật.
Trừ ngoại ngữ, tất cả môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề học tập.
Theo cô Bùi Thị Ngọc Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu), chương trình GDPT mới được xây dựng như vậy là rất phù hợp với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Đồng thời, việc phân hóa môn học như vậy cũng gắn liền với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Là người có nhiều năm bồi dưỡng kiến thức mỹ thuật cho học sinh thi đại học cần đến môn Vẽ, thầy Mai Hữu Thành, giáo viên Trường THPT Đoàn Kết (H.Tân Phú) nhìn nhận, việc đưa các môn nghệ thuật vào chương trình GDPT là hướng đi đúng. Hiện nay, có rất nhiều ngành nghề đòi hỏi học sinh phải được dạy các kiến thức mỹ thuật cơ bản như: đồ họa, kiến trúc, thiết kế thời trang, truyền thông đa phương tiện… Tuy nhiên, do ở bậc phổ thông hiện nay học sinh chưa được học nên nhiều học sinh đã bỏ lỡ cơ hội thi vào những ngành này.
“Nếu môn Mỹ thuật được dạy ở trường phổ thông sẽ đáp ứng được cho một bộ phận học sinh có nhu cầu thực sự, có định hướng nghề nghiệp liên quan đến môn học. Đồng thời, cho thấy sự thừa nhận của xã hội về một môn học mà lâu nay bị bỏ quên” - thầy Thành chia sẻ.
Về mặt thiết kế chung, rõ ràng chương trình GDPT mới có rất nhiều ưu điểm, giúp học sinh thực sự phát triển được năng lực, phẩm chất và có định hướng nghề nghiệp sớm, đúng với sở trường của bản thân và nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuy nhiên, do thiếu sự đồng bộ giữa thiết kế chương trình với công tác đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên nên trong năm học tới đây, các môn nghệ thuật sẽ vắng bóng trong hầu hết các trường THPT.
* Nhà trường chủ động xây dựng tổ hợp môn học
Cho học sinh tự chọn môn học theo tinh thần chương trình GDPT mới ngay từ năm học 2022-2023 là không khả thi vì các trường hiện không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để “chạy” theo nhu cầu của học sinh. Bên cạnh đó, việc cho học sinh tự chọn môn học cũng sẽ dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên ngay trong chính các trường.
Do đó, các trường THPT sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị mình để xây dựng nên các tổ hợp môn học. Hiện nay, việc này đang được các trường THPT trên toàn tỉnh thực hiện song song với công tác chọn sách giáo khoa. Về cơ bản, các trường xây dựng tổ hợp môn học theo phân ban KHTN, KHXH hoặc theo các tổ hợp thi đại học.
Những ngày qua, dư luận xã hội có rất nhiều băn khoăn, tranh luận vì có ý kiến cho rằng chương trình GDPT lớp 10 quá rối rắm khi có tới 108 cách lựa chọn tổ hợp môn học và chuyên đề. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa) LƯƠNG TOÀN THUẬN, thực tế việc xây dựng tổ hợp môn học ở các trường THPT không quá phức tạp như vậy.
Chẳng hạn, với số lượng tuyển sinh 12 lớp 10, Trường THPT Vĩnh Cửu đã xây dựng 6 nhóm tổ hợp, mỗi nhóm tổ hợp có 2 lớp. Theo đó, ngoài 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các tổ hợp môn gồm những môn tự chọn và chuyên đề như sau: KHTN 1 (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tin học; chuyên đề: Toán, Vật lý, Hóa học); KHTN 2 (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin học; chuyên đề: Toán, Hóa học, Sinh học); KHTN 3 (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ; chuyên đề: Toán, Vật lý, Tiếng Anh); KHXH 1 (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Tin học; chuyên đề: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý); KHXH 2 (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa học, Tin học; chuyên đề: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); KHXH 3 (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Sinh học, Công nghệ; chuyên đề: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Trong khi đó, Trường THPT Thanh Bình (H.Tân Phú) cũng có 12 lớp 10 nhưng lại dự kiến xây dựng các tổ hợp môn học gắn liền với các tổ hợp thi đại học gồm: A1, A2, A3 (mỗi tổ hợp sẽ gồm 2 lớp), B1, B2, C1, C2, C3, D (mỗi tổ hợp có 1 lớp).
Còn tại Trường THPT Định Quán, hiện Ban giám hiệu đã họp sơ bộ để định hướng chọn tổ hợp môn. Sau khi tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa học kỳ 2 xong, trường sẽ họp các tổ bộ môn để thống nhất về việc xây dựng tổ hợp môn học. Dự kiến trường sẽ xây dựng 2 nhóm tổ hợp môn gồm tổ hợp các môn KHTN (đáp ứng cho 4 lớp) và nhóm tổ hợp môn KHXH (đáp ứng cho 6 lớp).
Theo ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT), nhà trường sẽ dựa vào điều kiện thực tế của đơn vị, xu hướng của học sinh trong vùng để xây dựng các tổ hợp môn học sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học của nhà trường, vừa đáp ứng một phần nhu cầu của học sinh. Các trường cũng phải công khai tổ hợp môn học trước khi học sinh đăng ký thi tuyển, xét tuyển lớp 10 để các em lựa chọn.
Như vậy, khi vào lớp 10, học sinh sẽ đăng ký học theo những tổ hợp mà nhà trường đã xây dựng. Học sinh phải dựa vào tổ hợp mà các trường THPT đã thông báo để xem có phù hợp với bản thân hay không rồi mới đăng ký thi. Tránh trường hợp học sinh chưa biết tổ hợp mà đã chọn trường, đến khi thi đậu thì không được học những tổ hợp môn mong muốn.
Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (H.Long Thành) Hoàng Thị Thủy băn khoăn, xét về học lực chung, học sinh của trường này sẽ có xu hướng chọn khối các môn KHXH nhiều hơn khối các môn KHTN. Nếu đáp ứng theo học sinh thì nhà trường sẽ thiếu giáo viên môn KHXH và thừa giáo viên môn KHTN. Ngược lại, ở những trường học sinh có xu hướng chọn khối các môn KHTN nhiều hơn thì nhà trường sẽ thừa giáo viên môn KHXH.
Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các trường. Vì vậy, để xây dựng được các tổ hợp môn học, nhà trường phải tính toán rất kỹ về đội ngũ giáo viên, tỉ mỉ cân đối số tiết dạy để tránh tình trạng thừa - thiếu giáo viên trong chính nhà trường.