Chương trình 'mỗi xã một sản phẩm' phát triển nội lực và gia tăng giá trị
ĐTO - Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng vừa chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đồng Tháp. Tham dự có ông Ngô Tất Thắng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình còn là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế...
Tại hội nghị, ông Ngô Tất Thắng thông tin kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản, Thái Lan. Bên cạnh đó, ông Thắng còn thông tin chung về chương trình OCOP; sự cần thiết việc ban hành triển khai chương trình; nhiệm vụ trọng tâm và một số giải pháp chủ yếu; tổ chức thực hiện chương trình...
Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trình bày về chu trình triển khai OCOP hàng năm gồm các bước: tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại.
Sản phẩm OCOP sẽ được đánh giá, xếp hạng theo bộ tiêu chí gồm 3 phần (thang điểm 100). Phần A (35 điểm) với các tiêu chí đánh giá sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; phần B (25 điểm) có các tiêu chí đánh giá khả năng tiếp thị; phần C (40 điểm) các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm. Sản phẩm OCOP có các mức đánh giá từ 3 -5 sao. Theo đó, sản phẩm từ 1 - 3 sao sẽ phục vụ thị trường trong nước; sản phẩm từ 4 - 5 sao có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu...
Triển khai chương trình OCOP tại địa phương, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn từ quý IV năm 2018 - 2020. Theo đó, tỉnh phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có của tỉnh (tương ứng khoảng 31 sản phẩm), tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh. Trong đó, phấn đấu có 18 sản phẩm (thực phẩm, đồ uống, lưu niệm nội thất trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn) đạt 3 - 5 sao (sản phẩm đạt từ 70 - 100 điểm). Đồng thời phấn đấu phát triển mới khoảng 30 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP...
6 tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh đã kiện toàn và bổ sung nhiệm vụ thực hiện chương trình OCOP vào hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại...
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho rằng, chương trình OCOP tạo ra giá trị gia tăng mới từ tài nguyên bản địa. Theo đó, sản phẩm OCOP còn chứa đựng giá trị văn hóa, niềm tự hào của người dân bản địa.
Dù là địa phương “đi sau” nhưng với những kết quả đạt được từ các chương trình khởi nghiệp, hội quán, đội ngũ cán bộ tâm huyết..., Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng Đồng Tháp sẽ thực hiện hành công chương trình OCOP. Với sự chăm chút tạo giá trị mới sẽ giúp sản phẩm địa phương vượt ra địa giới hành chính của huyện, tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành, các cấp thực hiện chương trình phải tập trung vào chiều sâu ý nghĩa, giá trị của chương trình để xây dựng niềm tin, dẫn dắt người dân thực hiện.
Trong thời gian tới, để triển khai chương trình OCOP đạt kết quả cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt chương trình OCOP trong cả hệ thống chính trị; lồng ghép chương trình OCOP vào các chương trình trọng tâm của tỉnh. Theo đó, đơn vị phối hợp với các ngành hữu quan chuẩn hóa sản phẩm OCOP không chỉ ở số lượng mà còn chất lượng; các địa phương rà soát lại các sản phẩm thế mạnh để thực hiện theo chương trình này...