Chương trình MTQG về văn hóa: Khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ phát triển bền vững đất nước
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc thực hiện chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.
Tiếp tục chương trình phiên họp 33, sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (MTQG).
Chương trình MTQG về văn hóa phải dành một sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa
Tại Phiên họp, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình; cho rằng, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ thống nhất về sự cần thiết, cấp bách và quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đồng thời, thống nhất về tên gọi của Chương trình như Chính phủ đề nghị.
Ông Nguyễn Khắc Định cũng nhất trí việc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được chia thành 3 giai đoạn, trong đó có năm 2025 là năm để chuẩn bị, bố trí kinh phí để hoàn thiện thể chế, tập huấn cán bộ.
"Kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa rồi, chúng ta mới giám sát chương trình mục tiêu quốc gia xong thì thấy, để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia cần rất nhiều các văn bản cụ thể, cả trung ương, cả địa phương, cho nên cần phải có 1 năm để chuẩn bị. Nếu năm 2025 làm tốt khâu chuẩn bị để năm 2026 bắt đầu bước vào triển khai cụ thể thì rất tốt" - ông Nguyễn Khắc Định cho biết.
"Chúng ta gọi văn hóa là động lực tinh thần của xã hội, kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu" - nhấn mạnh vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, Chương trình MTQG về văn hóa là vấn đề rất quan trọng.
Phát biểu thêm về vấn đề công nghiệp văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng lĩnh vực công nghiệp văn hóa là lĩnh vực đặc biệt quan trọng và là một xu thế của thời đại. Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa phải dành một sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Trên thế giới trong nhiều năm qua công nghiệp văn hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và là xu thế của thời đại, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Không chỉ là phát triển kinh tế mà thúc đẩy giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, văn hóa nhưng nó là kinh tế.
Nêu dẫn chứng từ việc một ban nhạc nữ của Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn bằng một doanh nghiệp của chúng ta làm trong nhiều tháng, một ca sĩ Hàn Quốc trước đây mang điệu nhảy Gangnam style để quảng bá khắp thế giới về văn hóa hay HLV Park Hang -seo được Hàn Quốc vinh danh để kết nối văn hóa, "đấy chính là công nghiệp văn hóa, là một ngành đem lại lợi nhuận rất lớn", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định và nhấn mạnh: "Văn hóa là ngành làm ra rất nhiều tiền và một ngành có giá trị gia tăng rất cao".
Bám sát đúng theo quy định của pháp luật về đầu tư công
Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá rất cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị trong khoảng thời gian không dài nhưng tương đối công phu đối với đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
"Chúng tôi ủng hộ rất cao việc ban hành chương trình này để góp phần xây dựng và phát triển con người Việt Nam, phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tương xứng với kinh tế như nội dung mà các nghị quyết của Đảng đã đề cập" - ông Bùi Văn Cường nêu rõ.
Về một số mục tiêu cụ thể, ông Bùi Văn Cường cũng cho ý kiến đối với nhóm chỉ tiêu số 8 là 80% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
"Đối với nhóm mục tiêu này, tôi cho rằng hoàn toàn có thể làm được 100% bởi hàng năm chúng ta có rất nhiều các lớp bồi dưỡng, lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, đối với mỗi lớp lại có các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn, khóa thường xuyên, có khi 3 ngày hoặc 1 tuần hoặc một tháng hoặc vài tháng. Do đó tôi nghĩ cần điều chỉnh chỉ tiêu đối với nhóm này, có thể là 90-95% hoặc thậm chí 100%" - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ý kiến.
Nêu ý kiến tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Chương trình MTQG phát triển văn hóa để trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai hoàn thành nhiệm vụ thẩm định của Chương trình.
"Trong quá trình thẩm định, rất nhiều ý kiến của Hội đồng đã được Bộ VHTTDL tiếp thu và giải trình chi tiết, cụ thể và cũng đã được Chính phủ thông qua. Quy trình triển khai xây dựng hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa đã bám sát đúng theo quy định của pháp luật về đầu tư công" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Nêu ý kiến tại Phiên họp, ông Lê Tấn Cận - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, tại khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công có quy định chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình đầu tư công, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của từng giai đoạn cụ thể trong phạm vi của cả nước. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất thời gian thực hiện chương trình là 10 năm, giai đoạn 2026 - 2035, với thời gian 5 năm của giai đoạn 1 là 2026 - 2030 để đảm bảo phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.
Hồ sơ Chương trình đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7
Tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu tiếp thu các ý kiến đồng thời khẳng định, Chính phủ, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục hoàn thiện Chương trình trên tinh thần cầu thị nhất trước khi trình ra Quốc hội xem xét.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là chương trình rất quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
"Việc thực hiện chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Chương trình đã được Chính phủ chuẩn bị khẩn trương, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở góp ý của các ban, bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia và ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Văn hóa Giáo dục đã chủ động triển khai nhiều hoạt động, chuẩn bị kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.
Ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất một số vấn đề như sau: Về hồ sơ chương trình là đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Về quy trình xin ý kiến Quốc hội, trước mắt cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tích cực, quyết tâm chuẩn bị, tùy thuộc vào quá trình thảo luận của đại biểu Quốc hội sẽ quyết định thông qua tại 1 kỳ họp hay 2 kỳ họp.
Về tên gọi của chương trình, nhất trí tên gọi là Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 như Chính phủ trình.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý một số nội dung đó là: Thể hiện phải rõ hơn về công nghiệp văn hóa, sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực văn hóa. Cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, đột phá, điểm nhấn của chương trình.
"Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, chương trình, lưu ý đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có quy định của Luật Đầu tư công. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 theo quy định" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu./.