Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa năm 2023 Thúc đẩy thu hút đầu tư 2 huyện miền núi

Nhiều năm nay, 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư. Nếu không có những giải pháp để thu hút các dự án đầu tư lớn vào khu vực này trong thời gian tới thì sẽ rất khó có sự phát triển đột phá.

Gặp nhiều khó khăn

Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 2 địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, với thế mạnh rừng - thác - suối - hồ, các huyện có nhiều cơ hội phát triển tiềm năng du lịch sinh thái. Tuy nhiên, thời gian qua, những tiềm năng, lợi thế này chưa được khai thác triệt để nhằm tạo ra bước phát triển đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Cả 2 địa phương vẫn chưa có các dự án mang tính động lực, đủ lớn để tạo ra cú hích cho phát triển kinh tế toàn vùng.

Một góc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. Ảnh: V.T

Một góc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. Ảnh: V.T

Danh mục kêu gọi đầu tư hiện nay, huyện Khánh Sơn có 17 dự án, huyện Khánh Vĩnh có 11 dự án. Trong đó, các dự án tập trung vào phát triển du lịch sinh thái, đô thị, công nghiệp chế biến thực phẩm… Đã có một số nhà đầu tư có ý định đầu tư song vẫn chưa thể tiến hành bởi còn nhiều vướng mắc, trở ngại. Đặc biệt, vấn đề về quy hoạch, đất đai còn có sự chồng lấn, chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư gặp khó khăn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các dự án giai đoạn 2018 - 2020 ở 2 địa phương không tìm được nhà đầu tư.

Ông Phan Nam Sách - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp (DN) vào Khánh Vĩnh và Khánh Sơn khá nhiều nhưng vì khó khăn về đất đai, ranh giới... nên dẫn tới khó thu hút đầu tư. 2 địa phương có điều kiện để kêu gọi các dự án về nông nghiệp, công nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, du lịch… nhưng vì thiếu quỹ đất sạch, các vị trí đề xuất dự án thường bị chồng lấn với đất rừng, đất sản xuất của người dân. Điều này tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư, đặc biệt là với những DN cần quỹ đất lớn.

Hệ thống giao thông chưa đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân khó thu hút đầu tư. Như huyện Khánh Sơn tuy được ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng nhưng vì giao thông hiện chỉ độc đạo qua Tỉnh lộ 9 nhỏ hẹp nên các DN vẫn chưa mạnh dạn để đầu tư các dự án lớn. Ông Nakajima - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các DN Nhật đang quan tâm đến sản xuất xanh, mở rộng phạm vi đầu tư vào các khu vực vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, DN Nhật Bản mong muốn Khánh Hòa cần quan tâm nhiều hơn nữa đến nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông các khu vực này.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Với những tiềm năng sẵn có, hiện nay, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và chế biến thực phẩm. Song, để có thể kêu gọi được các nhà đầu tư lớn, điều đầu tiên cần phải làm đó là tạo ra các quỹ đất sạch, có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và liên kết các điểm du lịch; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, hợp tác, liên kết, mở rộng và phát triển du lịch sinh thái, tham quan vườn cây ăn trái, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, hạ tầng giao thông cũng cần tiếp tục có sự đầu tư lớn hơn nhằm tạo nên liên kết vùng, phá vỡ thế biệt lập cho Khánh Sơn, tạo thêm không gian phát triển cho Khánh Vĩnh.

Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn nhận định, lâu nay, huyện Khánh Sơn chỉ thông thương với bên ngoài qua Tỉnh lộ 9 độc đạo, quanh co, hiểm trở. Hiện nay, các dự án giao thông mang tính chất liên vùng đã được thông qua. Khi dự án hoàn thành, vấn đề giao thông được giải quyết sẽ mở ra niềm hy vọng lớn đối với người dân miền núi. Ngoài ra, nếu Khánh Sơn sớm xây dựng thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng, kết nối giao thông liên vùng Khánh Sơn với Khánh Vĩnh, Khánh Sơn với tỉnh Ninh Thuận thì sẽ có những điều kiện bứt phá.

Bên cạnh đó, để có thể thu hút đầu tư hiệu quả, UBND tỉnh cần xây dựng, bổ sung các chính sách phù hợp, bố trí đủ vốn tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các DN đầu tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, chú trọng giảm dần các chính sách mang tính hỗ trợ gây tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa khuyến khích người dân tự vươn lên thoát nghèo; chuyển sang đầu tư phát triển, tăng cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. “Các địa phương cần rà soát lại tất cả quỹ đất, sớm hoàn thiện các quy hoạch chi tiết, đặc biệt là các khu vực có dự án kêu gọi đầu tư. Khi sẵn sàng các vấn đề này, việc kêu gọi các nhà đầu tư lớn sẽ không phải là vấn đề lớn” - ông Phan Nam Sách nhấn mạnh.

Theo ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ, giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn với thương mại du lịch; hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu; truyền thông quảng bá các sản phẩm của vùng cao; tổ chức các lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202312/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tinh-khanh-hoa-nam-2023-thuc-day-thu-hut-dau-tu2-huyen-mien-nui-c842ee0/