Chương trình mục tiêu quốc gia tại Đắk Nông: Khó giải ngân vì vướng cơ chế

Việc giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia ở tỉnh Đắk Nông đạt thấp. Tại buổi làm việc ngày 11/10 với Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, nhiều dự án thuộc các chương trình này đang gặp vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, dẫn đến khó đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ chế, chính sách quản lý, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương chậm được ban hành hoặc được ban hành nhưng sửa đổi, bổ sung, chưa cụ thể dẫn đến địa phương khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Việc triển khai dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nằm trong quy hoạch bô xít và quy hoạch 3 loại rừng. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang gặp vướng mắc do Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể xác định đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”, địa phương chưa thể áp dụng hỗ trợ.

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông nêu thực tế khi thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đang gặp vướng mắc, tiền nhiều nhưng rất khó giải ngân.

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông nêu thực tế khi thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đang gặp vướng mắc, tiền nhiều nhưng rất khó giải ngân.

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông nêu thực tế khi thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở: “Yêu cầu điều kiện để được hỗ trợ nhà ở là phải có đất ở hợp pháp. Những người đến giờ này chưa có nhà “3 cứng” đàng hoàng thì thuộc nhóm cực kỳ khó khăn, không thể nào họ đi mua mảnh đất ở để làm nhà được. Thứ hai, đặc điểm sinh sống và sản xuất của bà con trong Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng là gắn liền với nương rẫy. Chúng tôi rất quan ngại, nguồn tiền rất nhiều, nhưng không giải quyết được”.

Tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 dự kiến tại tỉnh Đắk Nông là gần 4.200 tỷ đồng, dự toán ngân sách Nhà nước đã giao cho các cơ quan, đơn vị của tỉnh hơn 3.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2024, tỉnh đã giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng, đạt gần 50%. Trong đó, nguồn vốn của năm 2022 đến nay mới giải ngân được hơn 79%, nguồn vốn năm 2023 mới giải ngân được khoảng 57%, còn nguồn vốn năm 2024 chỉ đạt gần 22%.

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Đắk Nông. Đại diện các bộ, ngành cũng lưu ý một số nhiệm vụ cần triển khai để để tăng cường giải ngân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Đại diện các Bộ giám sát việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại Đắk Nông.

Đại diện các Bộ giám sát việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại Đắk Nông.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Vụ phó Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng đoàn giám sát cho biết, chỉ còn hơn 1 năm để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tỉnh Đắk Nông cần rà soát lại việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ để điều chỉnh, điều chuyển cho phù hợp, tránh việc chi sai hoặc có tiền mà không chi để lãng phí, trong khi điều kiện kinh tế xã hội của địa phương còn rất khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Hải yêu cầu: “Đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh rà soát lại việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các nội dung dự án thành phần để rà soát việc phân bổ vốn vừa rồi, nội dung nào thực hiện, nội dung nào không thực hiện và lý do vì sao không thực hiện được. Nguyên nhân chậm có phải do năng lực triển khai hay do đặc thù dự án. Chỗ nào giao mà không làm được nữa thì phải có điều chuyển cho phù hợp”.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-tai-dak-nong-kho-giai-ngan-vi-vuong-co-che-post1127828.vov