Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các địa phương khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Trung ương sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Chiều nay (11/10), tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Bình… về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các địa phương khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Trung ương sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho 5 địa phương từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định hơn 55.718 tỷ đồng.

Đến hết ngày 30/9, 5 địa phương này có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình đạt 46,21%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%) và thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (gần 53%). Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Định có tỷ lệ giải cao hơn mức trung bình của cả nước. Riêng 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Tình trạng nguyên vật liệu khan hiếm diễn ra ở hầu hết các địa phương.

Tình trạng nguyên vật liệu khan hiếm diễn ra ở hầu hết các địa phương.

Thời gian qua, nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tiến độ giải ngân của 5 địa phương từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn; người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, đơn giá bồi thường về đất.

Nhiều dự án chậm tiến độ do chưa xác định được giá đất, không thể thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nhiều dự án chậm tiến độ do chưa xác định được giá đất, không thể thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo lãnh đạo của 5 địa phương này, một trong những điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng tiến độ giải ngân là việc xác định giá đất khó khăn. Mỗi tỉnh, thành phố có hàng chục dự án bị ảnh hưởng tiến độ do chưa xác định được giá đất. Hiện nhiều địa phương trên cả nước vẫn áp dụng bảng giá đất cũ, có địa phương đã ban hành giá đất mới nhưng chưa đúng trình tự thủ tục. Có địa phương đã xây dựng bảng giá đất nhưng thận trọng chưa ban hành.

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khi chưa ban hành bảng giá đất thì địa phương không thể thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Luật cho phép sử dụng bảng giá đất cũ mà bảng giá đất cũ thì có thêm hệ số K. Trong khi đó Luật Đất đai 2024 thì không có hệ số K nữa, nếu địa phương bỏ hệ số K khi áp dụng bảng giá đất sẽ gây thất thoát, rất dễ dẫn đến làm sai. Nên chăng Thường vụ Quốc hội có một văn bản giải thích cụ thể một số nội dung tại Luật Đất đai 2024. Trong đó cho phép các địa phương sử dụng bảng giá đất nhân với hệ số đã ban hành để áp dụng từ nay đến thời điểm tháng 31/12/2025”, ông Phan Quý Phương kiến nghị.

Hiện nay, tỷ lệ giải ngân của 5 địa phương nêu trên chưa đạt yêu cầu bởi tình trạng nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng đột biến, dẫn đến các nhà thầu càng làm càng lỗ nên giãn tiến độ thi công. Ngoài ra, năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu còn hạn chế. Hồ sơ thủ tục triển khai dự án của chủ đầu tư chậm trễ.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại buổi làm việc.

Nhiều ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, địa phương nào có cán bộ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật thì tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp. Tại tỉnh Quảng Nam, thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có 34 cán bộ chủ chốt bị xử lý kỷ luật, điều chuyển công tác. Tương tự, tại tỉnh Quảng Ngãi, trong một thời gian dài tỉnh này khuyết nhân sự Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều nhân sự chủ chốt khác. Trong những tháng đầu năm 2024, giải ngân đầu tư công tại tỉnh Quảng Ngãi gần như “đóng băng”. Đến nay, tỉnh này tỷ lệ giải ngân mới đạt 33,4%, thấp nhất trong số 5 địa phương từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu thực trạng: “Tỉnh Quảng Ngãi vừa thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và vừa thực hiện kết luận của Thanh Tra Chính phủ vào cùng một thời điểm. Điều này dẫn đến tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức rất e dè, ngại ngùng, thiếu trách nhiệm, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm”.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2025 đối dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế cấp huyện và 76 trạm y tế tuyến xã. Đây là dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Xây dựng sớm công bố hướng dẫn thu thập thông tin đối với giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình.

“Bộ Xây dựng đã có dự thảo nhưng quá trình ban hành lâu quá. Đề nghị sớm công bố hướng dẫn thu thập thông tin đối với giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình để tỉnh có căn cứ công bố giá, sớm khắc phục sự chênh lệch giữa đơn giá dự toán và thực tế hiện nay”- Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu ý kiến.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị 5 địa phương từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu các địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Các địa phương cần nỗ lực tăng nguồn thu để đảm bảo chi.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương không để xảy ra tình trạng "tiền thì có mà dân thì chờ"; tăng cường cán bộ có năng lực ở cấp tỉnh hỗ trợ cấp huyện thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ chốt, khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, tập trung hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công.

“Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới, với những dự án luật mà Chính phủ sắp trình Quốc hội nếu được thông qua sẽ tháo gỡ hầu hết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công mà các địa phương kiến nghị. Sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Các địa phương sẽ không phải báo cáo lên Chính phủ và các bộ, ngành nữa mà sẽ phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh. Chính phủ tiếp tục lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Rất mong các địa phương đồng hành cùng Chính phủ để quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn”- Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm.

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/day-manh-phan-cap-phan-quyen-thao-go-diem-nghen-trong-giai-ngan-dau-tu-cong-post1127823.vov