Chương trình 'Ngày xửa, ngày xưa': Hành trình cổ tích nhiều ý nghĩa
Vở diễn thứ 36 mang tên 'Hậu duệ Thần Mặt trời' của chương trình 'Ngày xửa, ngày xưa' sẽ ra mắt khán giả tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM) trong mùa hè 2025
Từ năm 2000, chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" do Sân khấu IDECAF (nay là Nhà hát Kịch IDECAF) thực hiện đã gắn bó mật thiết với nhiều thế hệ khán giả nhỏ tuổi.
Thương hiệu lan tỏa
Chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" đã trải qua một hành trình suốt 25 năm, trình làng 36 vở diễn, phục vụ hàng triệu lượt khán giả nhỏ tuổi. Không chỉ là món ăn tinh thần đặc sắc mỗi dịp hè về, "Ngày xửa, ngày xưa" còn góp phần hình thành một hệ sinh thái văn hóa bền vững dành cho thiếu nhi.

Một cảnh trong vở “Hậu duệ Thần Mặt trời”
Kho tàng cổ tích Việt Nam đã được các nghệ sĩ khai thác triệt để trong "Ngày xửa, ngày xưa", như "Cậu bé rừng xanh", "Tấm Cám", "Aladdin và đủ thứ thần"… Các vở kịch được kể theo cách rất riêng, qua góc nhìn dí dỏm và luôn mang hơi thở thời đại, phản ánh nhiều vấn đề về giáo dục, về tình yêu thương, lòng dũng cảm, sự trung thực, kỹ năng tự bảo vệ, tinh thần vượt khó…
Thương hiệu "Ngày xửa, ngày xưa" đã lan tỏa ra cả nước ngoài - nơi có đông đảo người Việt sinh sống. Nhiều kiều bào về thăm quê nhà đã tìm xem các vở kịch "Ngày xửa, ngày xưa" mà họ yêu thích.
PGS-TS Trần Yến Chi, nguyên Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, nhận xét: "Chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" là một trong những mô hình tiên phong của loại hình kịch thiếu nhi chuyên nghiệp tại TP HCM. Mỗi vở diễn là một câu chuyện được dàn dựng công phu, với bài học nhân văn sâu sắc, lồng ghép khéo léo trong lớp vỏ hài hước, dí dỏm, giàu trí tưởng tượng".
Gieo mầm nhân ái
Theo đạo diễn Đình Toàn, những kịch bản của "Ngày xửa, ngày xưa" được đầu tư kỹ lưỡng, ngôn ngữ giàu chất thơ, giàu chất đời; phần âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật luôn bắt mắt, cuốn hút.
"Không gian sân khấu luôn ngập tràn màu sắc tưởng tượng nhưng không hề "trẻ con hóa" một cách đơn điệu. Ngược lại, chương trình luôn mở lối cho trẻ được đặt câu hỏi, tự rút ra bài học sau những tiếng cười và giọt nước mắt. "Ngày xửa, ngày xưa" luôn tạo sự tương tác, để trẻ cùng hòa mình vào câu chuyện kịch" - đạo diễn Đình Toàn nhận xét.

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi sẽ góp mặt trong "Hậu duệ Thần Mặt trời"
Chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" được những người trong cuộc đánh giá rất cao. Dù sân khấu ngày nay đối mặt nhiều thách thức từ sự phát triển của công nghệ và giải trí trực tuyến, song những người thực hiện chương trình vẫn giữ mục tiêu "gieo hạt mầm nghệ thuật vào trái tim non nớt, vào tâm hồn trong trẻo, giúp trẻ lớn lên với trí tưởng tượng phong phú và tâm hồn nhân ái".
Mùa hè 2025 này, "Hậu duệ Thần Mặt trời" - vở diễn thứ 36 thuộc chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" - sẽ công diễn tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM). Vẫn là "công thức" quen thuộc với thần thánh, yêu tinh, phép thuật... nhưng "Hậu duệ Thần Mặt trời" mở ra biên độ tưởng tượng rộng lớn hơn. Vở kịch đặt câu chuyện trong bối cảnh huyền ảo và xung đột quyền lực giữa các vị thần, nơi cái thiện không chỉ là sự chiến thắng của ánh sáng mà còn là sự chọn lựa đứng về phía con người.
Tác giả Quang Thảo đã xây dựng một cốt truyện giàu kịch tính, chuyển tải được những bài học sâu sắc: sự trung thực, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cá nhân, sự lựa chọn lẽ phải... Nhiều nghệ sĩ tên tuổi: Thanh Thủy, Bạch Long, Đình Toàn, Hồng Ánh, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Đại Nghĩa, Tuyền Mập, Trịnh Minh Dũng, Quang Thảo, Đông Hải… sẽ góp mặt trong "Hậu duệ Thần Mặt trời".
"Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch IDECAF tâm huyết: "Ngày xửa, ngày xưa" là chương trình nghệ thuật giải trí kết hợp giáo dục, truyền cảm hứng và gìn giữ những ký ức tuổi thơ hồn nhiên, tươi đẹp trong mỗi con người".