Chương trình OCOP đã tạo động lực để các chủ thể sản xuất phấn đấu hoàn thiện sản phẩm

'Các chủ thể sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhận thấy được những lợi ích khi tham gia thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm nên tích cực phối hợp thực hiện chương trình từ năm 2018 đến nay. Việc được đánh giá và trao Giấy Chứng nhận OCOP cấp tỉnh, được hỗ trợ để phát triển sản phẩm và kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ làm cho các tổ chức kinh tế có nhiều động lực phấn đấu để hoàn thiện sản phẩm tham gia chương trình', đây là đánh giá của Ban điều hành Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) cấp tỉnh tại buổi tổng kết chương trình Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 diễn ra vào chiều nay, 18/12/2020.

 Các đại biểu tìm hiểu các sản phẩm OCOP trưng bày bên lề hội nghị - Ảnh: T.T

Các đại biểu tìm hiểu các sản phẩm OCOP trưng bày bên lề hội nghị - Ảnh: T.T

Tại tỉnh Quảng Trị, Chương trình OCOP bắt đầu triển khai thực hiện từ cuối năm 2018 và UBND tỉnh đã ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện trong 2 năm 2019 - 2020 là hơn 6,7 tỉ đồng, vốn huy động từ chủ thể, người dân hơn 2,9 tỉ đồng. Ngoài ra, năm 2020 còn lồng ghép 1 tỉ đồng để thực hiện dự án phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó ưu tiên hỗ trợ để phát triển ngành nghề gắn với các sản phẩm OCOP.

Năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 19 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 2 sản phẩm 4 sao và 17 sản phẩm 3 sao. Đến cuối năm 2020, có 38 sản phẩm được đề nghị công nhận 3 - 4 sao. Có 78 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa với sự tham gia của 53 đơn vị tổ chức kinh tế trên toàn tỉnh, vượt mục tiêu kế hoạch của tỉnh. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm của chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã tìm được nhà phân phối tại các tỉnh thành trong nước, tại các nhà phân phối, cửa hàng, đại lý trong tỉnh. Mặt khác, các chủ thể có cơ hội để tìm hiểu về sản phẩm, điều kiện của nhà phân phối, của thị trường để hoàn thiện và nâng cấp, phát triển sản phẩm.

Giai đoạn 2021 - 2025, Ban điều hành OCOP cấp tỉnh xác định hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa khoảng 145 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương. Phát triển từ 1 - 2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP. Có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao và 82 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp. Có tối thiểu 75 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh và tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho 400 cán bộ quản lý nhà nước và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=154114