Chương trình OCOP nâng tầm giá trị nông sản Hà Tĩnh

Trên hành trình xây dựng 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), mỗi địa phương của Hà Tĩnh đều có những sản vật không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang nét đặc trưng, truyền thống văn hóa vùng miền với những giá trị tinh thần được lưu giữ trong đó.

Xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn - Phó Ban chỉ đạo OCOP tỉnh kiểm tra cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn - Phó Ban chỉ đạo OCOP tỉnh kiểm tra cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP.

Hà Tĩnh là vùng đất “chảo lửa, túi mưa” nhưng cũng được thiên nhiên “ban tặng” nhiều sản vật quý, có giá trị kinh tế, văn hóa cao, như: Bưởi Phúc Trạch; cam Khe Mây (Hương Khê); cam bù, nhung hươu Hương Sơn; nước mắm ở Kỳ Anh, Nghi Xuân…

Điều đặc biệt, người dân Hà Tĩnh không “nằm chờ” để hưởng lợi những sản vật đó, mà thông qua các chương trình khuyến nông, chính sách kích cầu của Nhà nước, đặc biệt là qua chương trình OCOP, các sản vật của Hà Tĩnh ngày càng được chắp cánh bay xa, nâng tầm giá trị.

Nhung hươu Hương Sơn từ lâu đời đã được biết đến là loại thuốc quý, đứng vào hàng “Tứ đại danh dược” (sâm - nhung - quế - phụ). Tuy nhiên, để phát triển, đưa sản phẩm nhung hươu đa dạng về quy cách, mẫu mã và đến với người tiêu dùng ngày càng nhiều là điều trăn trở của chính quyền cũng như người chăn nuôi hươu suốt nhiều thập kỷ qua.

Sản phẩm nhung hươu Chiến Sơn thuộc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn là 1 trong 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.

Sản phẩm nhung hươu Chiến Sơn thuộc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn là 1 trong 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.

Ông Trần Đình Chiến - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Kinh doanh hươu Hương Sơn cho biết, cùng với việc tạo lập và quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu, hơn 1 năm qua, các hộ kinh doanh, nuôi hươu Hương Sơn đã tích cực tham gia chương trình OCOP. Vừa qua, sản phẩm “Nhung hươu Chiến Sơn” của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn là 1 trong 3 sản phẩm đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt 4 sao.

Cùng với sản phẩm nhung hươu Hương Sơn, nhiều sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được khách hàng đánh giá cao, lựa chọn tin dùng, đạt tăng trưởng, doanh thu cao hơn từ 10-25% so với trước, như: Cam Vũ Quang; cam giòn Thượng Lộc; nem chua Ý Bình; giò me Tiến Giáp; cu đơ Phong Nga, cu đơ Hiền Võ; nước mắm Luận Nghiệp, nước mắm Phú Khương, nước mắm Nhất Ninh...

Nhiều sản phẩm chất lượng cao của Hà Tĩnh đã được tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Nhiều sản phẩm chất lượng cao của Hà Tĩnh đã được tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

“Trước đây, chúng tôi đã sản xuất ra sản phẩm rất chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Sau khi tham gia OCOP, nước mắm Luận Nghiệp được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác; đặc biệt là được tham dự nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm đã được tiếp thị đến người tiêu dùng nhiều hơn, sản lượng tiêu thụ tăng cao”, chị Đặng Thị Luận - Giám đốc HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Tiến Thắng (thị xã Kỳ Anh) chia sẻ.

OCOP Hà Tĩnh phải là chất lượng, thương hiệu, bền vững

Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh Trần Huy Oánh cho biết, Chương trình OCOP mới được chính thức triển khai hơn 1 năm, song đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn…

Năm 2019, có 140 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình thì đã có 72 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 69 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Việc tham gia OCOP không chỉ để tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn, mà còn hơn thế, đó là phải luôn đảm bảo về mẫu mã, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Việc tham gia OCOP không chỉ để tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn, mà còn hơn thế, đó là phải luôn đảm bảo về mẫu mã, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đều được quản lý chặt chẽ theo quy chế quản lý sản phẩm và truy xuất các thông tin thông qua hệ thống tem mã QR do Văn phòng NTM quản trị, đảm bảo công khai thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho người tiêu dùng.

Trong các chuyến kiểm tra, thị sát các cơ sở tham gia OCOP, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên nhắc nhở, lưu ý các chủ cơ sở: Việc tham gia OCOP không chỉ để tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn, mà còn hơn thế, đó là phải luôn đảm bảo về mẫu mã, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, để giữ vững thương hiệu cho chính mình và cộng đồng, làng nghề. Đó mới là cái bền vững, lâu dài của sản phẩm Hà Tĩnh đạt chuẩn OCOP.

Thanh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/chuong-trinh-ocop-nang-tam-gia-tri-nong-san-ha-tinh/186180.htm