Chương trình OCOP: Sức bật phát triển sản xuất
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp rất quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí 'kinh tế và tổ chức sản xuất' trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của Đồng Nai.
Chính vì vậy, ngay từ hội nghị quán triệt sâu chương trình OCOP tỉnh Đồng Nai diễn ra vào cuối tháng 3-2019, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh, chương trình OCOP là bước tiếp theo để tăng thu nhập cho người dân trong xây dựng NTM nên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
* “Nâng tầm” đặc sản
Nhờ được quan tâm ngay từ khi bắt đầu triển khai vào thực tế, chương trình OCOP đã thực sự khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như HTX tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn với mục tiêu xây dựng những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương. Kết quả, Đồng Nai đã có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP với 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, vượt xa mục tiêu đề ra trong năm 2019. Trong đó, có một số sản phẩm OCOP đã được thị trường thế giới nhận biết.
Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều sản phẩm chế biến sâu như: chocolate, bột ca cao... đang xuất khẩu mạnh vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trọng Đức đã hợp tác với Ca Cao Ken Co.,Ltd là công ty gia đình truyền thống lâu đời trong ngành chế biến thực phẩm ở Nhật Bản có chuỗi hàng trăm cửa hàng tại Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Điều quan trọng nhất là Trọng Đức hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản cùng phát triển thương hiệu chứ không làm gia công thuần túy. Ở đây logo, địa chỉ của công ty sẽ được ghi rõ trên bao bì sản phẩm với thông tin chỉ dẫn địa lý chi tiết đây là sản phẩm có nguồn gốc từ vùng đất đá Ba Chồng Định Quán (tỉnh Đồng Nai). “Người tiêu dùng thế giới có thể ngồi tại chỗ để truy xuất nguồn gốc thanh chocolate này xuất xứ từ đất Đồng Nai, thậm chí cụ thể đến nông dân nào là người đã trồng ra trái ca cao” - ông Khanh tự hào “khoe”.
* Hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất
Theo Cục trưởng, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM trung ương Nguyễn Minh Tiến, tập trung vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời đưa NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Qua 1 năm thực hiện, nhiều xã, huyện trên địa bàn Đồng Nai đều rất chú trọng triển khai Chương trình OCOP với mong muốn ngày càng nhiều các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương vươn ra khỏi “lũy tre làng”, được cả thị trường nội địa và xuất khẩu biết tiếng.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất, ngay từ khi mới triển khai, địa phương đã xem chương trình OCOP là sức bật để phát triển sản xuất nên đã đăng ký 7 sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình như: nấm mèo, chuối sấy, bưởi da xanh, các loại trái cây tươi… Năm 2019, huyện có 2 sản phẩm được công nhận OCOP. Hiện địa phương đang hỗ trợ 3 đơn vị hoàn thiện quy trình sản xuất, hồ sơ đánh giá để có ít nhất 2/3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên; đồng thời tiếp tục rà soát, đăng ký, hỗ trợ cho các sản phẩm mới có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và mang tính đặc trưng của địa phương.
Yếu trong khâu phát triển, mở rộng kênh tiêu thụ là một trong những hạn chế đang được các doanh nghiệp, HTX làm sản phẩm OCOP của Đồng Nai nỗ lực khắc phục. Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở Chế biến hạt sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch) chia sẻ, trước nay, sản phẩm của cơ sở chủ yếu cung cấp ra các chợ hay vào đại lý mà chưa tiếp cận được hệ thống các siêu thị và cửa hàng bán lẻ hiện đại. “Chương trình OCOP đã hỗ trợ rất nhiều cho cơ sở trong quảng bá về sản phẩm, nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị để chuẩn hóa hơn từ khâu chế biến đến đóng gói. Cơ sở cũng đã đầu tư thay đổi mẫu logo, xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm để chào hàng vào siêu thị và các kênh bán lẻ hiện đại” - bà Lệ chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh, để công nhận thêm các sản phẩm OCOP mới đạt chuẩn cũng như “nâng sao” cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận, chương trình đánh giá, thẩm định sản phẩm OCOP của Đồng Nai sẽ được tổ chức thường xuyên theo quý chứ không chỉ thực hiện 1 năm/lần như quy định. Tỉnh cũng rất quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia chương trình trong khâu quảng bá, phát triển thị trường.