Chương trình phát triển tài sản trí tuệ: Ưu tiên các sản phẩm gắn với OCOP

Đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là mục tiêu chính trong Quyết định số 645 được UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Theo đó đến năm 2025, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch, Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND cấp huyện bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện công tác quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng tạo điều kiện phát huy sở hữu trí tuệ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. 100% trường đại học, cao đẳng, tổ chức nghiên cứu tỉnh ta được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo… Tối thiểu 50% sản phẩm được công nhận sản phẩm quốc gia, sản phẩm lợi thế, chủ lực của tỉnh gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ (đến năm 2030 tỷ lệ này tăng lên 70%). Cũng ở mốc thời gian cuối này, tỉnh đề ra mục tiêu số lượng các loại đơn đăng ký: sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ giống cây trồng, quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả tăng trung bình 5%/năm; đăng ký nhãn hiệu tăng 7%/năm… Kế hoạch thực hiện chương trình từ nguồn kinh phí sự nghiệp (khoa học công nghệ, các ngành, địa phương); đóng góp của doanh nghiệp, các nguồn hợp pháp khác. Được biết, Sở Khoa học & Công nghệ (KH & CN) sẽ quản lý, làm đầu mối triển khai chương trình.

Chương trình phát triển tài sản

Ưu tiên cho sản phẩm gắn Chương trình OCOP.

Ưu tiên cho sản phẩm gắn Chương trình OCOP.

Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở KH & CN cho hay, nguồn ngân sách tỉnh chưa dồi dào nên vốn sự nghiệp dành cho KH & CN trước nay vẫn còn “khiêm tốn”. Trong lúc sở chủ quản dành đầu tư cho trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KH & CN hỗ trợ nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện các đề tài, dự án KH & CN trong sản xuất, chế biến sản phẩm lợi thế. Hiện sở đang xúc tiến hỗ trợ quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Trong đó sở sẽ triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Ngành chủ quản giới thiệu, quảng bá tại các hoạt động xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị các tài sản trí tuệ…

“Bên cạnh Sở KH & CN làm chủ lực, các sở ngành liên quan như sở (Công Thương, Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & Môi trường, Giao thông Vận tải, UBND cấp huyện…) cần dành một phần kinh phí sự nghiệp thỏa đáng hàng năm, đồng thời tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các dự án lớn về KH & CN, vận động xã hội hóa, nguồn vốn doanh nghiệp đối ứng nghiên cứu, thực hiện các đề tài KH & CN cho chính cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn, tạo sản phẩm lợi thế; đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ giống cây trồng”, ông Văn Công Thới cho biết thêm…

Thái Khoa

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/chuong-trinh-phat-trien-tai-san-tri-tue-uu-tien-cac-san-pham-gan-voi-ocop-136326.html