Chương trình phẫu thuật miễn phí: 'Phép màu' cho trẻ khuyết tật

Năm 2024 là năm thứ 8 triển khai chương trình khám sàng lọc, phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật sinh sống trong các gia đình nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn… Qua 8 năm thực hiện, chương trình đã mang 'phép màu' đến với nhiều trẻ em.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, trên địa bàn tỉnh vẫn còn trên 29.000 trẻ em sống trong các hộ nghèo, cận nghèo; trong đó có trên 13.000 trẻ em sống trong hộ nghèo; trên 1.900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong số các em này phần lớn có nguy cơ bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, do khuyết tật không có điều kiện phẫu thuật phục hồi chức năng…

Từ năm 2017 đến nay, Sở LĐTB&XH phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khuyết tật (TEKT), Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức chương trình khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí cho trẻ mắc dị tật, khuyết tật bẩm sinh trên địa bàn tỉnh với sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Phẫu thuật trẻ em Việt Nam và các tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Các bác sĩ tuyến trung ương và tuyến tỉnh phẫu thuật dị tật ở tay cho trẻ khuyết tật

Các bác sĩ tuyến trung ương và tuyến tỉnh phẫu thuật dị tật ở tay cho trẻ khuyết tật

Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Chương trình phẫu thuật cho trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh, khuyết tật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2019 - 2025 với mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2025 trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật.

Để triển khai Chương trình Phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật tỉnh Lạng Sơn suốt 8 năm qua, không thể không kể đến sự hỗ trợ, đồng hành của Trung tâm II, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; các đơn vị phối hợp; đội ngũ bác sỹ, chuyên gia đến từ các Bệnh viện như: Bạch Mai, Xanh Pôn, Mắt Trung ương, Đại Học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa tỉnh...

Bác sĩ Hoàng Tuấn Anh, Phó trưởng bộ môn và Phụ trách Khoa Vi phẫu, Tạo hình thẩm mỹ hàm mặt và Laser, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giảng viên bộ môn Phẫu thuật tạo hình Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Tôi đã tham gia chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn từ nhiều năm nay. Tôi thấy rằng, số lượng trẻ bị dị tật bẩm sinh, di chứng, chấn thương, bỏng hay sau khi cắt khối u cần được phẫu thuật rất lớn. Vì thế, chương trình này có ý nghĩa lớn, hỗ trợ cho các cháu được phẫu thuật với chất lượng cao.

Chị Triệu Thị Hoài, xã Tân Văn, huyện Bình Gia, phụ huynh cháu Văn Thắng bị sẹo dính kéo dài cả bắp chân sau khi gặp tai nạn giao thông chia sẻ: Con tôi bị chấn thương do tai nạn giao thông. Nhờ được tham gia chương trình, cháu đã được phẫu thuật miễn phí và được hỗ trợ thêm các chi phí khác nên gia đình tôi rất biết ơn. Gia đình xin cảm ơn các nhà hảo tâm, các bác sĩ đã quan tâm, phẫu thuật và điều trị cho cháu. Đây là một chương trình ý nghĩa, đã giúp đỡ và tiếp thêm hy vọng cho nhiều cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, sự hỗ trợ đến từ các nhà tại trợ trong và ngoài nước, qua 8 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 5.200 trẻ bị mắc các dạng dị tật bẩm sinh, khuyết tật được khám sàng lọc và trên 850 trẻ em được can thiệp phẫu thuật.

Ông Đồng Văn An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ TEKT, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam chia sẻ: Những năm qua, trung tâm thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện trung ương phối hợp với các bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn để tiến hành khám bệnh, phẫu thuật và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn. Mục tiêu của chương trình là trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

Có thể thấy rằng, thời gian qua, Lạng Sơn đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách để hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, phục hồi chức năng, giáo dục nghề nghiệp, tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em và hòa nhập cộng đồng... Trong đó, chương trình khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho trẻ khuyết tật được xem là “phép màu”, là cánh cửa hy vọng cho trẻ khuyết tật có cơ hội được lành lặn và hòa nhập cộng đồng.

THANH HUYỀN - KHÁNH CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chuong-trinh-phau-thuat-mien-phi-phep-mau-cho-tre-khuyet-tat-5015432.html