Chương trình phổ thông mới: Quyết làm từ 2019, nhất định đổi mới thi cử
Buổi họp báo giới thiệu dự thảo chương trình môn học phổ thông mới diễn ra từ 16h chiều 19/1 thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới khi hội trường A của Bộ GD-ĐT đông kín phóng viên. Hàng loạt vấn đề được đặt ra: Từ tính mới, tính kế thừa của chương trình, tới các điều kiện đảm bảo để chương trình vận hành tốt, tới việc soạn thảo các bộ sách giáo khoa.
"Sĩ số lớp học đông sẽ cản trở đổi mới"
GS. Thuyết, Tổng chủ biên chương trình tổng thể cho biết, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, điều tra đội ngũ giáo viên về số lượng từng cấp học, môn học, rà soát xem các giáo viên còn cần những gì về phương pháp dạy học và các mặt khác. Sau khi đánh giá, Bộ phải tính toán lại quy hoạch đào tạo sư phạm, đồng thời bồi dưỡng dần cho giáo viên những phương pháp dạy học mới.
“Không phải bây giờ Bộ mới đưa phương pháp mới vào chương trình phổ thông. Cách đây 5-7 năm, Bộ đã giới thiệu nhiều phương pháp dạy học mới, giáo viên đã có thời gian làm quen. Với những môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, các giáo viên cũng sẽ được học bồi dưỡng, học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm một môn. Chương trình này Bộ đang xây dựng”.
Ngoài ra, để đổi mới thành công, theo ông, các địa phương cần đảm bảo đúng quy định hiện nay về số lượng học sinh mỗi lớp học: cấp Tiểu học 35 học sinh/ lớp, cấp THCS và THPT 45 học sinh/ lớp. “Sĩ số lớp học đông sẽ gây cản trở đổi mới” – ông khẳng định.
Đổi mới cách đánh giá, thi cử: Không đơn giản
GS.Thuyết thừa nhận “không hề đơn giản” khi đề cập tới vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá.
Trước mắt, từ nay đến năm 2020, hình thức kỳ thi THPT quốc gia vẫn được giữ ổn định. Từ năm 2020 trở đi – khi thay đổi được triển khai ở cấp THPT, sẽ có những thay đổi về cách đánh giá, thi cử.
Hiện nay Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trúng thầu để được giao để nghiên cứu về đổi mới hình thức đánh giá, thi cử, và sẽ có báo cáo đánh giá trong thời gian sớm nhất.
Trước câu hỏi về nội dung môn Ngữ văn được thay đổi khá nhiều, cụ thể là chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình phổ thông, các tác phẩm còn lại được đưa vào chương trình tự chọn, vậy việc thi cử sẽ được thay đổi như thế nào, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống,chủ biên môn học này cho biết:
"Một trong những yêu cầu đặt ra cho cách đánh giá là phải căn cứ vào chuẩn chương trình, không căn cứ vào sách giáo khoa cụ thể nào. Người ra đề cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt được của lớp ấy, cấp ấy. Người dạy có thể thấy tác phẩm này, tác phẩm kia hay thì đưa vào dạy, nhưng khi ra đề, người ra đề có thể chọn một tác phẩm không có trong sách giáo khoa để đo năng lực vận dụng, phân tích một tác phẩm khác. Mục đích là nhằm đánh giá năng lực vận dụng, thực hành từ lý thuyết đã được học của học sinh”.
Giảm tải kiến thức đến đâu?
GS. Thuyết cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến quá tải: do cả chương trình, do cả sách giáo khoa và do cả cách dạy.
“Sắp tới sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa nên việc quá tải hay không cũng sẽ là yếu tố cạnh tranh giữa các bộ sách. Các tác giả sẽ phải cân nhắc điều này. Nếu chương trình chỉ yêu cầu thế thôi, mà anh làm quá lên, làm cho học sinh khổ, ra nhiều bài toán lắt léo thì các em sẽ không chọn bộ sách đó nữa. Đó là yếu tố cạnh tranh".
Có nhiều cách để giảm tải chương trình: Giảm kiến thức khó, lắt léo, đánh đố học sinh, chỉ để phục vụ các cuộc thi. Ví dụ như ở môn Toán sẽ bỏ bớt những kiến thức khó và chưa thiết thực như kỹ thuật phân tích đa thức thành nhân tử, số phức… Thứ hai là tổ chức lại nội dung môn học. Ví dụ như ở môn Lịch sử, ở cấp nào cũng dạy Lịch sử, nhưng cấp tiểu học dạy dưới dạng các câu chuyện lịch sử (ký ức lịch sử), cấp THCS dạy thông sử theo tiến trình thời gian, cấp THPT dạy theo chủ đề. Thứ ba là thay đổi phương pháp giảng dạy. Ví dụ như trước kia thầy cô nói từng chữ theo sách giáo khoa thì nay để cho học sinh tư duy và vận động.
Việc tổ chức học 2 buổi/ ngày, ít nhất đảm bảo học 6 buổi/ tuần cũng là một cách thức để giảm tải chương trình. Bởi vì cùng một khối lượng nội dung, khi tăng thời gian thực hiện, thì khối lượng chia ra sẽ nhẹ bớt.
Vừa làm chương trình vừa viết sách có khách quan?
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, theo tiến độ, đến tháng 4 năm nay có thể ban hành chương trình môn học. Ông cũng cho biết “chưa thể trả lời câu hỏi về tiến độ làm bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.
“Câu hỏi này nằm ngoài phạm vi chức trách của tôi. Hiện chương trình chính thức chưa được ban hành thì chưa thể khởi động biên soạn sách giáo khoa”.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT quyết tâm sẽ bắt đầu triển khai dạy chương trình phổ thông mới vào năm học 2019-2020.
Về việc thiết kế sách giáo khoa, mỗi tổ chức, cá nhân có thể có ý tưởng riêng cho hiệu quả, nhưng quan trọng nhất theo quy định hiện hành, SGK không phải là pháp lệnh như quan niệm trước, mà chỉ là tài liệu chính thức trong nhà trường để giáo viên chủ động sáng tạo.
Trả lời câu hỏi ‘thành viên ban soạn thảo chương trình có được viết sách giáo khoa hay không?’, GS. Thuyết cho rằng, nếu vừa thẩm định chương trình, vừa viết sách giáo khoa thì không được.
“Còn các nhà chuyên môn đã tham gia soạn thảo chương trình là những người hiểu chương trình rất sâu thì có quyền viết sách giáo khoa. Việc họ viết cho bộ sách nào thì phải do tổ chức mời. Cá nhân tôi nghĩ rằng, những người soạn thảo chương trình là những người nắm rất chắc nên nếu họ viết sách giáo khoa thì sẽ có lợi”.
Giáo dục giới tính từ lớp 1
Nói về lý do tại sao lại tích hợp các môn Tự nhiên xã hội, Khoa học tự nhiên ở cấp Tiểu học và THCS, PGS Mai Sĩ Tuấn giải thích, tích hợp để giải quyết vấn đề sẽ thuận lợi hơn, giúp giải quyết vấn đề tốt hơn. Cần phải hiểu đây là một môn học, chứ không phải cộng cơ học của 3 môn.
"Tất nhiên khi giáo viên đã quen với việc dạy các môn riêng rẽ, được đào tạo riêng rẽ, bây giờ phải dạy rộng hơn, tổng hợp hơn thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nhà trường cũng sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu".
Theo GS. Tuấn, "từ trước tới nay, chúng ta đã có bước chạy đà, ví dụ như chương trình VNEN".
Nói về nội dung giáo dục giới tính có được lồng ghép trong môn Tự nhiên xã hội, Khoa học tự nhiên, GS. Tuấn cho biết nội dung này được đưa vào từ lớp 1 nhưng kiến thức cơ bản, nhẹ nhàng, nhằm giúp các em phân biệt được giới, ý nghĩa, tầm quan trọng của giới.
Ngoại ngữ kế thừa, Toán học không lắt léo
Trả lời các câu hỏi về Ngoại ngữ, GS Nguyễn Lộc, chủ biên bộ môn này cho biết: Chương trình mới kế thừa rất nhiều từ chương trình của Đề án 2020 như giữ nguyên số tiết học, chuẩn năng lực vẫn dựa vào 6 chuẩn năng lực Việt Nam.
"Cái mới là chúng tôi được sự đóng góp của các chuyên gia, đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh đến tính mở. Chúng tôi sẽ mời rất nhiều chuyên gia về viết sách với các chủ đề, chủ điểm mang tính chất gợi ý. Về hình thức, chúng tôi có thay đổi để có thể đối sánh".
Với câu hỏi môn tiếng Anh bao nhiêu tiết một tuần, theo ông Lộc là vẫn dựa theo Đề án 2020 - 4 tiết tuần ở tiểu học (lớp 3-5), 3 tiết/ tuần ở cấp THCS và 3 tiết tuần cho cấp THPT (theo chương trình 35 tuần).
PGS Đỗ Tiến Đạt - thành viên ban soạn thảo chương trình môn Toán – cho biết, nội dung mới ở môn Toán sẽ không quá chú trọng đến những kỹ thuật lắt léo, những nội dung không giúp phát triển năng lực của học sinh.
Ai cấp kinh phí cho hoạt động trải nghiệm?
Trả lời câu hỏi: Gia đình có phải đóng thêm tiền cho các hoạt động này như từ trước tới nay không?, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Chủ biên môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho biết, hoạt động trải nghiệm là hoạt động bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, là chương trình chính thức, không nằm ngoài kinh phí đã đầu tư cho các nhà trường. Nhiều hoạt động học sinh có thể tự tạo kinh phí. Ngoài ra, nhà trường cần làm tốt công tác xã hội hóa.
Âm nhạc: Không đặt mục tiêu chơi nhạc cụ thành thạo
Một trong những thay đổi khác trong chương trình phổ thông mới là môn Âm nhạc, Mỹ thuật được dạy xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng điều kiện cơ sở vật chất hiện tại của các trường chưa thể đáp ứng việc dạy học sinh chơi được một nhạc cụ thành thục.
Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ biên môn Âm nhạc cho biết, nhạc cụ là một nội dung phân hóa, không nhất thiết học sinh phải cùng học, cùng chơi một loại nhạc cụ. Với học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, các em học chơi nhạc cụ tiết tấu: bộ gõ cơ thể, bộ gõ Việt Nam, nhạc cụ nước ngoài, nhạc cụ từ làm từ vật liệu sẵn có. Từ lớp 4 có thể học sáo trúc, monica… Chương trình cũng không đặt mục tiêu dạy học sinh chơi thành thạo một loại nhạc cụ ở mức cao, mà giúp học sinh hình thành và phát triển được năng lực âm nhạc, biểu hiện của năng lực thẩm mỹ trong lĩnh vực âm nhạc. Còn nếu học sinh muốn chơi thành thạo một loại nhạc cụ thì cần phải có thời gian để rèn luyện thêm.