Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023: 'Tính dự báo chưa cao, tính dài hạn tổng thể chưa đảm bảo'

Nhất trí với Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 , tuy nhiên một số đại biểu cho rằng, nhìn vào tổng thể chương trình xây dựng pháp luật của cả năm 2023 đặc biệt là kỳ họp thứ 6, Chính phủ cần có định hướng sớm, không nên đưa các dự án luật vào sát kỳ họp.

Các đại biểu đánh giá cao công tác lập và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt, lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội cùng với các cơ quan, tổ chức xây dựng trình Bộ Chính trị Đề án định hướng xây dựng chương trình pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Về chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, các ý kiến bày tỏ băn khoăn trước việc tại kỳ họp thứ 6, chỉ có hai dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến. Với đề nghị như vậy, chương trình năm 2023 lại tiếp tục thiếu tính dự báo, tiếp nối cho năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bà TRẦN THỊ HỒNG THANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: 'Tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, triển khai các yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, các điều ước quốc tế mà Việt Nam làm thành viên, đặc biệt là những vấn đề yêu cầu thực tiễn đặt ra và trên cơ sở các nhiệm vụ xây dựng pháp luật được xác định tại Đề án định hướng và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khẩn trương nghiên cứu, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó, quan tâm xem xét vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay, đó là cần thiết phải nghiên cứu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao."

Tán thành với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quang Huân đoàn Bình Dương đề nghị không nên đưa các dự án luật sát vào kỳ họp, làm mất tính chủ động và thời gian để các đại biểu nghiên cứu.

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương : “Trong kỳ 6 (kỳ họp thứ 6-PV), chúng ta thông qua các dự án luật nhiều nhưng chúng ta lại xem xét có hai dự án luật mới cho năm sau. Số lượng hơi ít, và chúng ta sẽ không giữ được nhịp hoạt động tích cực của Quốc hội khóa XV. Như hiện nay, mỗi một kỳ chúng ta đều thông qua 5-6 luật và xem xét thêm 5-6 luật nữa. Tôi đề nghị nên nghiên cứu và bổ sung thêm các dự án luật, ngay từ bây giờ chúng ta có định hướng, như đại biểu An (Nguyễn Xuân An -PV) trước tôi cũng nói là chúng ta làm có quy trình, không thể nào cứ đưa các dự án luật, kể cả có quan trọng nhưng chưa đủ quy trình để cho các cơ quan soạn thảo xem xét thì chất lượng luật sẽ kém và không đủ.”

Theo một số đại biểu, khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì tại kỳ họp thứ 4 chỉ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến 1 dự án luật, biểu quyết thông qua 3 dự án luật. Tuy nhiên đến nay, tại kỳ họp này, Chính phủ đã bổ sung đến 8 dự án luật, chưa kể 1 dự án luật trình và cho ý kiến thông qua theo trình tự tại một kỳ họp. Đại biểu Lê Minh Sơn đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng điều này đã gây sức ép lớn cho các cơ quan thẩm tra.

Ông NGUYỄN MINH SƠN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: “Sự thay đổi số lượng các dự án luật trong chương trình là rất lớn, cho thấy tính dự báo chưa cao, tính dài hạn tổng thể chưa được bảo đảm. Thời hạn trình dự án luật, nghị quyết cũng rất gấp gáp, khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì rất sát ngày tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đến khi trình Quốc hội thì rất sát ngày tổ chức kỳ họp. Nhiều cơ quan thẩm tra có tinh thần hợp tác rất chủ động, vừa chạy, vừa xếp hàng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất sẵn sàng họp ngoài giờ và cho ý kiến ngay nhưng nhiều nội dung đều có tình trạng như vậy thì các cơ quan thẩm tra rất khó khăn. Đề nghị các cơ quan soạn thảo cần có giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế này, nhất là những yếu tố chủ quan".

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng cho rằng không ít các chính sách pháp luật được đề xuất trong các dự án luật, nghị quyết còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa rõ về nội dung quy định được thiết kế để cụ thể hóa chính sách dẫn đến đánh giá tác động chính sách cũng còn sơ sài, hình thức không rõ định lượng, do vậy cũng đề nghị chính phủ khắc phục tình trạng này.

Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-nam-2023-tinh-du-bao-chua-cao-tinh-dai-han-tong-the-chua-dam-bao