Chương trình xây dựng nông thôn mới: Thành tựu đáng ghi nhận
Qua gần 12 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Trước khi thực hiện, Ninh Bình có điểm xuất phát tương đối thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, ở mức 2 con số.
Phát huy nội lực
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,8 tiêu chí/xã, chỉ có 1 xã đạt trên 10 tiêu chí và có 32 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở tỉnh Ninh Bình ước đạt 13,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, với 12%.
Cùng với đó, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình, nhận thức của một bộ phận người dân và ngay cả một số cán bộ cơ sở còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào Nhà nước, coi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM như là một dự án đầu tư, do đó việc triển khai thực hiện ở cơ sở có nơi còn lúng túng.
Một khó khăn dễ nhận thấy nữa, là Ninh Bình - tỉnh có địa hình khá phức tạp (có miền núi, đồng bằng và bãi ngang ven biển), cơ sở hạ tầng phân bố rộng, hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, môi trường chưa đồng bộ, cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi việc huy động nguồn lực còn nhiều khó khăn...
Song, với sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia NTM Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với những bước đi, cơ chế chính sách phù hợp, cách làm sáng tạo, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức và đông đảo nhân dân tham gia, sau hơn chục năm thực hiện Chương trình, Ninh Bình đã tạo nên bước chuyển mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo quê hương, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.
Xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) là một điển hình về phát huy nội lực trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Sau khi "cán" đích NTM vào cuối năm 2015, xã đã nỗ lực duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM, phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu của huyện.
Đồng chí Đinh Văn Thỏa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Vân cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục chứ không có điểm dừng. Nên, ngay sau khi được huyện chỉ đạo chọn xây dựng NTM kiểu mẫu, UBND xã đã lên kế hoạch, xây dựng Đề án, đồng thời Ban Chỉ đạo xã kiện toàn lại Ban quản lý xây dựng và các ban phát triển thôn (xóm). Xác định, muốn trở thành xã NTM kiểu mẫu, vấn đề quan trọng là phải tập trung tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia.
Đồng thời phải tích cực mở rộng dân chủ, phát huy sự chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Hơn 4 năm qua, các Ban phát triển thôn ở xã Gia Vân đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề lấy ý kiến đóng góp của người dân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với đặc điểm điều kiện của địa phương trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết quả phê duyệt quy hoạch, xây dựng được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa các khu dân cư để nhân dân nắm bắt và tổ chức thực hiện. Ban phát triển thôn còn mời những người có kinh nghiệm, tâm huyết giới thiệu tham gia Ban để tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện...
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã tích cực tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu. Tổng vốn đầu tư cho xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa thôn, xóm... của xã Gia Vân là 1,58 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 950 triệu đồng và 2.515 ngày công lao động, giá trị khoảng 330 triệu đồng. Không chỉ vậy, người dân còn tích cực hiến đất làm đường giao thông. Đến nay xã có 27 hộ dân hiến 1.100 m2 đất, trị giá hơn 300 triệu đồng.
Điển hình việc vận động nhân dân hiến đất và các công trình phục vụ xây dựng NTM kiểu mẫu ở Gia Vân là thôn Tập Ninh và Thanh Uy. Đây cũng là 2 thôn được Gia Vân lựa chọn xây dựng mô hình Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Nhờ phát huy nội lực, cùng với những cách làm sáng tạo và hiệu quả, đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 117/119 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 98,3%); trong đó đã có 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đã có 4/6 huyện đạt chuẩn NTM, 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Na trái vụ được xếp hạng OCOP 4 sao (năm 2021) của HTX sản xuất Na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long (Nho Quan).
Các địa phương huyện Nho Quan và thành phố Ninh Bình đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thẩm định chờ Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn NTM. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình, lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh huy động được gần 48 nghìn tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư đóng góp và tự đầu tư là 12.169 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,4% nguồn lực.
Các địa phương trong toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 267 nghìn tấn xi măng, làm được gần 17 nghìn tuyến đường với tổng chiều dài 2.120 km.
Bài học kinh nghiệm
Ninh Bình luôn xác định xây dựng NTM là một quá trình, theo hướng đi lên không ngừng nghỉ, tuy nhiên không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và cán bộ chủ chốt là hết sức quan trọng, việc chú trọng kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo các cấp là một giải pháp quan trọng tạo nên thành công. Thực tiễn cho thấy, ở những nơi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết liệt sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét.
Do đó cần chú trọng xây dựng và đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở "cán bộ nào, phong trào đấy". Coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để cả hệ thống chính trị cùng với người dân vào cuộc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Việc xây dựng, triển khai các mô hình điểm có vai trò rất quan trọng, giúp đúc kết, phát hiện cách làm hay, ý tưởng mới, làm cơ sở nhân rộng, tạo sự lan tỏa tới các địa bàn. Nhưng cũng không xem nhẹ việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm và phê phán bệnh chạy theo thành tích, đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời cổ vũ động viên phong trào xây dựng NTM.
Phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM có ý nghĩa quyết định đến tính bền vững của kết quả xây dựng NTM. Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng NTM bền vững.
Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn NTM đã tạo ra hiệu ứng rất tốt trong xã hội. Những chỉ tiêu người dân chưa hài lòng chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để đảm bảo xây dựng NTM bền vững.
Ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, đủ mạnh, có tính linh hoạt và đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách để hỗ trợ chính quyền, nhân dân các địa phương, đồng thời thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của toàn xã hội.
Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương nhằm tạo ra cơ chế, chính sách chung phù hợp, thuận lợi nhất cho các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện.
Bài, ảnh: Minh Đường