Chuông vàng vọng cổ: Chắp cánh những ước mơ

Tối 4-8, Đài Truyền hình TPHCM sẽ phát sóng chương trình thi diễn đầu tiên vòng tuyển chọn cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2024. Một mùa so tài sôi nổi, hấp dẫn, nhiều màu sắc của các thí sinh đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước lại tiếp diễn, mang đến những làn gió mới, trẻ trung, nhiệt huyết cho nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương truyền thống.

Chuông vàng năm 2014 Nguyễn Minh Trường hỗ trợ thí sinh Nguyễn Thị Như Ý trong trích đoạn Liệt phụ kêu oan đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ 2023. Như Ý sau đó đoạt giải Chuông vàng

Chuông vàng năm 2014 Nguyễn Minh Trường hỗ trợ thí sinh Nguyễn Thị Như Ý trong trích đoạn Liệt phụ kêu oan đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ 2023. Như Ý sau đó đoạt giải Chuông vàng

Bệ đỡ cho nghệ sĩ trẻ

Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ là một trong những chương trình nghệ thuật truyền thống do Đài Truyền hình TPHCM (HTV) khởi xướng và tổ chức thực hiện từ năm 2006 đến nay, với mục tiêu tìm kiếm, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu cải lương. Đến nay, sau gần 20 năm bền bỉ, Chuông vàng vọng cổ luôn giữ được vị trí là một chương trình nghệ thuật mang dấu ấn đặc biệt.

Sức hút của các đêm thi không chỉ là tài năng, nỗ lực của các thí sinh trong thể hiện năng khiếu ca diễn, sự tự tin, bản lĩnh sân khấu, mà còn là sự xuất hiện, nâng đỡ của những nghệ sĩ tài danh, ngôi sao sân khấu cải lương, các nhạc sĩ, nhạc công... Tất cả góp phần đem đến những bữa tiệc sân khấu cho khán giả yêu thích cải lương, đờn ca tài tử. Sau những lần “đãi cát tìm vàng”, cuộc thi đã góp phần tìm ra nhiều gương mặt mới cho sân khấu cải lương, góp phần trẻ hóa đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu.

Những cái tên bước ra từ Chuông vàng nay đã thành danh, được khán giả yêu thích như các NSƯT: Võ Minh Lâm, Thu Vân, Ngọc Đợi, Võ Thành Phê; các nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Thanh Toàn, Bùi Trung Đẳng, Lê Văn Gàn, Nguyễn Văn Hợp, Kim Luận, Phương Cẩm Ngọc… NSƯT Ngọc Đợi chia sẻ: “15 tuổi tôi theo Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu để học nghề. Năm 2007, khi mới 19 tuổi, tôi khăn gói lên thành phố tham gia cuộc thi Chuông vàng vọng cổ với tâm thế đi thi cho biết, cho thỏa đam mê. Bất ngờ, cuộc thi năm đó tôi đoạt Chuông vàng và con đường nghệ thuật của tôi chuyển sang hướng khác. Tôi được khán giả biết đến nhiều hơn, được góp mặt trong nhiều chương trình lớn, các sự kiện nghệ thuật... năng lực làm nghề nâng dần lên, tôi cũng tự tin để dấn thân vào những cuộc thi lớn hơn như giải thưởng Trần Hữu Trang, cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc”...

Thay đổi theo xu hướng thời đại

Chuông vàng vọng cổ 2024 ghi nhận nhiều sự thay đổi lớn theo hướng mở rộng nền tảng biểu diễn, nhất là trên các nền tảng trực tuyến. Vòng Thử giọng nhận bài thi qua internet, ban giám khảo góp ý mỗi tuần để thí sinh có thể chỉnh sửa, hoàn thiện. Điểm số không chỉ giới hạn trong ban giám khảo mà còn dựa trên sự bình chọn của khán giả. Cách làm này giúp các thí sinh không chỉ học cách biểu diễn sân khấu mà còn tự bồi dưỡng thêm khả năng nắm bắt thị hiếu khán giả qua các phương tiện truyền thông - một kỹ năng cần thiết trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Thành phần ban giám khảo cũng được trẻ hóa mạnh khi có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ, những Chuông vàng mùa trước. Sau vòng Thử giọng, đã có 68 thí sinh được chọn tham gia vòng Sơ tuyển, để sau đó, 28 thí sinh tiến vào vòng Tuyển chọn, nơi họ sẽ trực tiếp thi diễn trước ban giám khảo gồm NSND Phượng Loan, NSƯT Vũ Luân, NS Thanh Hằng và NS khách mời Chí Tâm. Sau vòng Tuyển chọn, dự kiến sẽ có 9 thí sinh tiến vào vòng Chung kết diễn ra vào tháng 9-2024. Ở vòng này, ban giám khảo và Hội đồng chuyên môn có sự tham gia của NSND Trọng Phúc, NSND Thanh Nam và NSƯT Thoại Mỹ.

Các thí sinh cũng sẽ được Ban huấn luyện hỗ trợ chuyên môn như cách phát âm, nhả chữ, sắp nhịp, phân câu; các kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo, hình thể... để phát huy tốt nhất khả năng, thế mạnh thí sinh trong các buổi thi theo chủ đề. Riêng đêm Chung kết xếp hạng và trao giải, 3 thí sinh điểm cao nhất sẽ biểu diễn một bài vọng cổ và một trích đoạn cải lương hoàn chỉnh, có sự hỗ trợ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp.

“Đoạt Chuông vàng năm 2014, đến nay, hành trang 10 năm làm nghệ thuật của tôi có rất nhiều vai diễn được yêu thích, nhiều giải thưởng... nhưng mỗi khi nhắc đến tên, khán giả vẫn yêu thích gọi tôi là Chuông vàng vọng cổ. Điều đó cho thấy sức lan tỏa, dấu ấn rất mạnh mẽ và đặc biệt của cuộc thi đối với khán giả yêu sân khấu và giới mộ điệu cải lương. Tuy nhiên, con đường nghệ thuật luôn rất gian nan, Chuông vàng là bước đệm quan trọng, nhưng người nghệ sĩ nếu không tiếp tục trau dồi nghề nghiệp, phát huy năng lực bản thân sẽ rất khó trưởng thành và phát triển lâu dài”, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường chia sẻ.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuong-vang-vong-co-chap-canh-nhung-uoc-mo-post752157.html