Chụp đìa bắt cá - nét văn hóa đặc thù của nông dân Cà Mau
Chụp đìa bắt cá là một hoạt động rất thú vị, là phương thức đánh bắt sáng tạo của người dân Cà Mau. Đặc biệt trong đó là huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh, Thới Bình… nổi tiếng xưa nay vì nhiều cá đồng, nhất là mùa khô, ruộng đồng khô cạn nên các loài cá đồng tìm về những cái đìa (ao) để trú ngụ… mà không phải nơi đâu cũng có.
Về Cà Mau chụp đìa bắt cá
Theo đó, chụp đìa (đìa còn gọi cái ao, độ sâu của đìa từ 02 mét – 03 mét, ngang từ 05 mét – 07 mét, dài tùy thuộc vào đất lớn hay nhỏ,…), trước tiên “thợ đìa” dọn sạch cỏ rác trên mặt nước, rồi dùng một tấm lưới rộng hơn miệng đìa bao phủ toàn bộ mặt nước, sau đó từ từ hạ giàn lưới chỉ (ni lông) xuống cách đáy ao khoảng 0,5 mét, rồi dùng những cây tre nhỏ hay cây sậy, bẻ gập đôi lại và ghim viền lưới vào thành đìa.
Sau khi ghim viền lưới vào thành đìa xong, toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới. Đặc biệt, đây là một trong những phương pháp thu hoạch cá đồng truyền thống và rất phổ biến của nông dân Cà Mau.
Sau thời gian ghim viền lưới vào thành đìa xong “thợ đìa”, trò chuyện hút thuốc,… khoảng hơn 120 phút, cá chui hết lên trên, nằm gọn trên mặt lưới, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai dày và sâu hơn để không cho cá chui ngược trở xuống. Tiếp đến là kéo hai viền lưới lên ghim lại trên bờ đìa, rồi kéo lưới gom cá về một đầu đìa dùng vợt để xúc cá lên.
Ông Trần Văn Lịch (60 tuổi, ngụ tại ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cho biết: Vào khoảng tháng 12 âm lịch hàng năm hoặc trễ hơn là tháng Giêng, trước khi chụp đìa khoảng 01 ngày, đìa phải được rào kín các họng đìa để khi động cá không nhảy ra ngoài. Đồng thời, dọn sạch cỏ, rác, cây chà sạch sẽ để chuẩn bị xuống lưới, cũng chuẩn bị vài chiếc vợt để xúc cá khi kéo lưới lên, những chiếc thùng, thau to để phân loại cá, gọi thương lái đến để bán cá, sau đó gia đình thường chọn những con cá lóc, cá trê to nướng để gia đình đãi bà con hàng xóm buổi cơm. Cùng với đó, sau một ngày thu hoạch cá, rôm rả tiếng cười tiếng chặt lạch cạch mần cá trong không khí đầy vui tươi hứa hẹn một mùa vụ bội thu cho năm mới”.
Đặc biệt, vùng đất Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình… được xem là nơi trù phú, thiên nhiên ban tặng nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thời khai hoang mở đất, cư dân tứ xứ đến đây sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác cá đồng. Đặc biệt, người dân thu hoạch cá bằng nhiều cách như tát đìa, mò cá,... nhưng chụp đìa được xem là cách sáng tạo và độc đáo nhất.
Ông Phan Văn Thuận (58 tuổi, ngụ xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: “Nghề chụp đìa đối với tôi không phải là nghề thu nhập chính mà do gia đình có lưới chụp đìa, có chút kinh nghiệm, chủ yếu là chụp đìa cho bà con gần gũi theo lối người dân Nam Bộ hay gọi (mần dần công) cho nhau, cứ đến vụ mùa thu hoạch cá đồng thì đem lưới đi chụp đìa, đến ngày nhà tôi chụp đìa thì bà con đến tiếp công lại, có chỗ người dân thu hoạch trúng mùa đìa thì được “bo” 200 đến 300 ngàn đồng.
Hiện nay, giá cá đồng đang ổn định, cụ thể cá lóc loại 1 (loại từ 300g/con trở lên), cân tại nhà dân giá tới 90.000 – 100.000 đồng/kg, cá trê 70.000 – 80.000 đồng/kg, cá rô trung bình vào khoảng 40 – 50.000 đồng/kg. Nhờ được người tiêu dùng ưa chuộng và giá cả đầu ra ổn định nên người dân có thêm một khoản thu nhập khá lớn từ nguồn lợi cá đồng.
Đặc biệt, thông qua chụp đìa bắt cá nhằm giúp du khách phương xa đến vùng đất Cà Mau tham quan trải nghiệm và khám phá những sản vật phong phú đa dạng về tiềm năng và lợi thế của huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình… trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương./.