Chụp được ảnh nơi hình thành hành tinh
Dựa trên các quan sát từ kính viễn vọng VLT và ALMA, các nhà khoa học có được bức ảnh cấu trúc trong đĩa vật chất xung quanh ngôi sao trẻ AB Aurigae, thể hiện nơi hình thành hành tinh.
Bức ảnh do Tổ chức Nghiên cứu thiên văn châu Âu tại Nam Bán cầu ESO công bố.
Các nhà thiên văn học đã biết đến khá nhiều hành tinh – hơn 4.000 hành tinh. Những vật thể này hình thành trong các đĩa khí và bụi, bao quanh các ngôi sao trẻ. Tuy nhiên, các giai đoạn sớm trong quá trình hình thành hành tinh vẫn chứa đựng nhiều bí mật. Để biết rõ hơn về những giai đoạn này, cần phải quan sát những hệ thống sao rất non trẻ.
Một trong những hệ thống sao đó là AB Aurigae, ở cách chúng ta 520 năm ánh sáng. Cho đến nay, những bức ảnh chụp đĩa vật chất xung quanh các ngôi sao không đủ rõ nét và chính xác để có thể dựa vào đó xác định vị trí hình thành các hành tinh. Những hình ảnh mới nhất về hệ thống AB Aurigae cho thấy các xoắn ốc khí và bụi xung quanh ngôi sao.
Các xoắn ốc này hình thành khi hành tinh “đẩy” khí ra, gây nên các rối nhiễu tương tự như dấu vết con thuyền để lại khi bơi trên mặt hồ. Bởi vì hành tinh quay xung quanh ngôi sao, nên những rối nhiễu này có hình dạng xoắn ốc. Tuy nhiên, trên các bức ảnh mới nhất, các nhà khoa học còn phát hiện thêm nhiều điều khác nữa.
Đầu tiên, các nhà khoa học nhận được hình ảnh từ mạng lưới kính viễn vọng điện từ ALMA trên cao nguyên Chajnantor (Chile). Trên bức ảnh có thể thấy rõ hai “cánh tay” khí xoắn ốc, ở phần bên trong đĩa vật chất xung quanh ngôi sao. Các quan sát tiếp sau đó (từ năm 2019 đến đầu năm 2020) được thực hiện thông qua thiết bị SPHERE trên Kính viễn vọng VLT của Tổ chức Nghiên cứu thiên văn châu Âu tại Nam Bán cầu ESO.
Nhóm nghiên cứu ở Đài Thiên văn Paris (Pháp) cùng các cộng sự từ Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và Bỉ còn nhận được bức ảnh rõ nét hơn ảnh từ ALMA. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu đã khẳng định sự tồn tại các xoắn ốc khí và bụi, đồng thời phát hiện ra “cái nút” – nơi các xoắn ốc kết nối với nhau. “Nút” đó thể hiện vị trí hình thành hành tinh. “Nơi hình thành hành tinh chính là “nút” liên kết hai xoắn ốc – một xoắn ốc đi vào bên trong mặt phẳng quỹ đạo hành tinh, còn xoắn ốc thứ hai phát triển ra bên ngoài”- Nhà khoa học nữ Anne Dustrey ở Đài Thiên văn Paris, giải thích.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/chup-duoc-anh-noi-hinh-thanh-hanh-tinh-20200527104327359.html