Chút năng lượng cho mùa tôm mới

Mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm, độ mặn tại các vùng nuôi lên nhanh, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm thấp, giá tôm vẫn giữ ở mức khá… đã tạo thêm chút năng lượng thắp sáng tia hy vọng cho người nuôi bước vào vụ tôm nước lợ năm 2024.

Sau tết Nguyên đán, tình hình thời tiết có phần ổn định hơn, biên độ nhiệt ngày và đêm thấp, nắng nóng không quá gay gắt và độ mặn trên hệ thống kênh rạch vùng nuôi tôm lên nhanh nên rất thuận lợi cho người dân tiến hành thả giống vụ nuôi mới năm 2024. Thực tế cho thấy, từ sau tết Nguyên đán đến nay, diện tích thả giống vụ tôm nước lợ năm 2024 tại hầu hết các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều tăng đáng kể. Tại Sóc Trăng, các trang trại lớn như: Sao Ta, Vinacleanfood, Khánh Sủng, hay những hộ nuôi quy mô nhỏ hơn là khách hàng nuôi ao lót bạt của các doanh nghiệp cung ứng đầu vào có thương hiệu, như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P.Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long… đều tiến hành thả nuôi ngay từ khi kết thúc tháng 12 dương lịch 2023.

Như trường hợp của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, thông thường sau tết Nguyên đán mới tiến hành thả giống nhưng năm nay, toàn bộ diện tích 2 khu nuôi được thả giống gần như hoàn tất trước tết Nguyên đán. Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ: “Do dự báo thời tiết không lạnh nhiều dịp giáp Tết, cùng với đó là nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện thả nuôi từ vụ cuối năm ngoái nên Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta quyết định thả nuôi sớm để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến trong 3 tháng đầu năm”.

Năm 2024, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta thả nuôi sớm nhằm tranh thủ thời tiết thuận lợi và chủ động nguyên liệu phục vụ chế biến lúc thấp điểm. Ảnh: TÍCH CHU

Tại tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích tôm nước lợ lớn nhất cả nước, đến nửa đầu tháng 2/2024, hầu hết diện tích nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến đã thả nuôi gần như hoàn tất, số diện tích nuôi thâm canh và siêu thâm canh đã thả giống cũng tăng hơn so với cùng kỳ. Tại Kiên Giang, không khí thả giống vụ mới cũng bắt đầu nhộn nhịp ngay từ sau ngày mùng 4 Tết trên 4 huyện tôm - lúa vùng U Minh Thượng. Điểm đáng ghi nhận là phần lớn hộ nuôi tôm sú theo mô hình tôm - lúa đều chọn con giống có thương hiệu như Moana, dù giá lên đến 180 đồng/con. Năm nay, Kiên Giang đặt mục tiêu thả nuôi 136.000ha; trong đó, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến 9.000ha, nuôi thâm canh công nghiệp 518ha, còn lại chủ yếu là tôm - lúa. Theo dự kiến, những diện tích nuôi tôm - lúa, quảng canh và quảng canh cải tiến sẽ thả giống dứt điểm vào cuối tháng 2.

Bên cạnh điều kiện nuôi phù hợp, giá tôm ổn định từ quý IV/2023 đến nay và tuy có thấp hơn so cùng kỳ nhưng cũng đủ để kích thích người nuôi tích cực thả giống sớm. Bởi theo họ, với giá tôm hiện tại, cùng với các điều kiện thuận lợi về thời tiết, môi trường… khả năng thành công là khá cao. Theo báo cáo của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiến độ thả giống năm nay tương đối sớm và đặc biệt tăng nhanh kể từ sau tết Nguyên đán đến nay. Tại Sóc Trăng, đến ngày 19/2 tuy diện tích thả nuôi chỉ mới gần 1.000ha, chủ yếu là tôm thẻ nuôi ao lót bạt nhưng với việc độ mặn lên nhanh tại những vùng nuôi, cùng với giá tôm vẫn còn ở mức khá thuận lợi nên nhiều khả năng diện tích thả giống sẽ tăng nhanh từ nay đến hết tháng 3. Vì vậy, nếu không có biến động lớn về giá cả thị trường hay dịch bệnh, kế hoạch thả nuôi vụ tôm nước lợ năm 2024 nhiều khả năng sẽ đạt cao ngay trong quý I này.

Theo ghi nhận của người viết, do mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm và một số diện tích trước đây nuôi ao đất đã chuyển sang ao đáy lưới bạt bờ nên điều kiện thả nuôi sớm cũng thuận lợi hơn. Đây được xem là sự thay đổi khá ấn tượng của những người nuôi tôm quy mô nhỏ, không đủ điều kiện để nâng cấp lên ao lót bạt. Với chi phí đầu tư chỉ bằng 20 - 30% so với mô hình ao bạt đáy, mô hình đáy lưới, bạt bờ không chỉ mang đến tín hiệu tích cực cho nghề nuôi tôm nước lợ mà còn mang đến những cải tiến mới theo hướng hiệu quả và giảm giá thành hơn.

Anh Ngô Thanh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Hòa Nghĩa, thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Mô hình đáy lưới bạt bờ này đầu tư rất ít chi phí so với ao lót bạt. Hơn nữa, ao nuôi theo mô hình này có thể làm sâu từ 1,8m đến hơn 2m nên mật độ nuôi tính theo diện tích ao cũng không thấp mà tôm còn có thể tránh nắng nóng rất tốt, tốc độ tăng trọng vì thế cũng rất nhanh, nuôi tôm về size lớn không thua gì ao bạt. Đây cũng chính là một trong những giải pháp thích ứng với tình hình thực tiễn và khả năng tài chính của từng thành viên hợp tác xã nhằm hướng đến mục tiêu giảm giá thành, tăng lợi nhuận thông qua việc giảm chi phí đầu vào và nuôi tôm về cỡ lớn có giá cao và ổn định”.

Trước những dự báo thị trường xuất khẩu tôm sẽ gặp khó khăn và cùng với đó là dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, cả doanh nghiệp lẫn ngành nông nghiệp các địa phương đều khuyến cáo người nuôi không nên thả nuôi ồ ạt mà nên thả nuôi thăm dò, khi thấy thuận lợi thì mới thả nuôi hết diện tích. Sự thận trọng là cần thiết bởi hầu như các yếu tố đầu vào, đầu ra của ngành tôm hiện vẫn còn là những biến số rất khó lường mà theo dự báo sẽ nghiêng về khó khăn nhiều hơn từ nay cho đến hết quý II/2024. Tuy nhiên, với kinh nghiệm vượt khó nhiều năm, người nuôi đã có sự thay đổi đáng kể cả về mô hình, quy trình hay cách phòng ngừa dịch bệnh để hướng tới những vụ nuôi thành công. Hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra thuận lợi như kỳ vọng của người nuôi để sự khởi đầu vụ nuôi mới được suôn sẻ, tạo tiền đề tốt để ngành tôm vượt khó, về đích đúng như kế hoạch trong năm 2024 này.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/chut-nang-luong-cho-mua-tom-moi-70667.html