Chuyển 45.000 tỷ từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp về ngân sách

Để hoàn thành được mục tiêu này đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung nỗ lực ngay từ bây giờ...

 Lũy kế giai đoạn 2016 đến hết tháng 9/2019 đã thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 177.557 tỷ đồng.

Lũy kế giai đoạn 2016 đến hết tháng 9/2019 đã thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 177.557 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 26 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, Chính phủ sẽ phải chuyển từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp về ngân sách 65.000 tỷ đồng, trong đó quý 4/2019 còn phải chuyển 20.000 tỷ đồng và năm 2020 còn phải chuyển 45.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước ngày 16/10, Bộ Tài chính đã có báo cáo liên quan đến tình hình sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 9/2019.

Theo đó, lũy kế giai đoạn này đã thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 177.557 tỷ đồng, trong đó 9 tháng đầu năm 2019, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ là 4.799 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ vào ngân sách Nhà nước, số còn phải chuyển về ngân sách trong quý 4/2019 là 20.000 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2016 đến quý 3/2019, đã chuyển từ Quỹ về ngân sách là 185.000 tỷ đồng (đạt 74% kế hoạch).

Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, số còn phải chuyển từ Quỹ về ngân sách là 65.000 tỷ đồng (trong đó quý 4/2019 còn phải chuyển 20.000 tỷ đồng, năm 2020 còn phải chuyển 45.000 tỷ đồng).

"Còn 45.000 tỷ đồng là các cấp, các ngành phải tập trung nỗ lực ngay từ bây giờ mới có thể hoàn thành mục tiêu này trong năm 2020", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành kế hoạch nộp 250.000 tỷ đồng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn về ngân sách theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội đã giao.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, có 2 doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 30 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến hết tháng 9/2019 đã chuyển giao 32/62 số doanh nghiệp về SCIC (đạt 51%) với tổng giá trị chuyển giao là 10.437,7 tỷ đồng (đạt 95%), còn 30 doanh nghiệp chưa chuyển giao về SCIC với giá trị chuyển giao là 630 tỷ đồng (chiếm 5%).

Tính đến ngày 30/9/2019, theo rà soát, tổng hợp của Bộ Tài chính thì đã có 840 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán.

Trong đó, số lượng doanh nghiệp niêm yết là 314 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch là 526 doanh nghiệp, còn 755 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong đó, Bộ Xây dựng có 53 doanh nghiệp, Bộ Công Thương 46 doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải 35 doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp 27 doanh nghiệp, Tp Hà Nội 85 doanh nghiệp, Tp Hồ Chí Minh 97 doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 144 doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc 33 doanh nghiệp…

"Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ liên quan thực hiện kiểm tra công tác cổ phần hóa, thoái vốn, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng...). Kết thúc đợt kiểm tra, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, giám sát theo quy định", Bộ Tài chính cho biết.

Duyên Duyên

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chuyen-45000-ty-tu-quy-ho-tro-sap-xep-va-phat-trien-doanh-nghiep-ve-ngan-sach-20191016195805291.htm