Chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 có gì thú vị?

Những trang sách 'Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời' như đưa độc giả ngược dòng thời gian về những năm đầu thế kỷ 20 để khám phá người Hà Nội đã ăn uống, chế biến, sáng tạo ẩm thực như thế nào.

Ngày 25/12, tác giả Vũ Thế Long đã có buổi giao lưu ra mắt cuốn sách Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời tại Hà Nội. Dẫn dắt chương trình là nhà phê bình văn học Hoài Nam.

Bước vào những trang sách của Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời, độc giả như ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao. Và họ đã "đối xử" thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí "đồng hóa") với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng "di cư", giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc...

Cuốn sách "Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời"

Cuốn sách "Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời"

Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu "sống" - là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất "đời". Để từ đó, chúng ta cảm nhận được "chiều sâu" của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.

Tác giả Vũ Thế Long chia sẻ: "Đã là quy luật muôn đời của mọi đô thị, mọi thủ đô trên thế giới, thủ đô luôn là nơi hội tụ, ngưng đọng, kết tinh và phát tán của các luồng văn hóa, các trào lưu văn hóa, trong đó có văn hóa ăn uống.

Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới.

Để tìm cách tiếp cận được với văn hóa ăn uống của Hà Nội, Việt Nam, tôi xin viết ra những gì mà một người ở lứa tuổi như tôi được sống ở Hà Nội biết được mình đã uống gì, ăn gì; gia đình những người quanh mình ở các lứa tuổi, các thế hệ đã ăn uống ra sao; may ra có chút lợi ích gì chăng cho công cuộc tìm hiểu và bảo tồn văn hóa ăn uống của người Hà Nội chúng ta".

Tác giả Vũ Thế Long và nhà phê bình văn học Hoài Nam trong buổi giao lưu ra mắt sách "Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời"

Tác giả Vũ Thế Long và nhà phê bình văn học Hoài Nam trong buổi giao lưu ra mắt sách "Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời"

Để hiểu được phần nào về đồ ăn thức uống và lối ăn uống của người Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, tác giả Vũ Thế Long đã tìm gặp các cụ cao niên ở Hà Nội để xin nghe kể về cái sự ăn, sự uống đơn giản cũng như cầu kỳ, chuyện đời thường mà các cụ đã từng trải trong cuộc đời mình. Thêm vào đó là tự nghiệm của chính ông, một người sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 20 đầy biến động.

"Chuyện ăn, chuyện uống nghe được từ các cụ không nhiều. Do các cụ tuổi đã cao, mà ít cụ tự cho rằng trí óc của người cao niên vẫn còn minh mẫn. Chuyện nọ xọ sang chuyện kia. Từ chuyện ăn uống lại sang chuyện đời. Thế mới thấy cái ăn, cái uống của người Hà Nội xưa nay nó cũng thăng trầm làm sao, thi vị biết bao!", tác giả Vũ Thế Long cho biết.

Nhận xét về cuốn sách Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời, nhà phê bình văn học Hoài Nam cho rằng: Cuốn sách đề cập tới những chuyện bình thường, phổ biến, từ cách ăn, cách nấu nướng, cách chế biến… Nhưng chính những sự bình thường ấy lại phản ánh sự kết tinh của văn hóa ứng xử, văn hóa trong đời sống của người Hà Nội. Những câu chuyện về ẩm thực đã chứa đựng cả lịch sử của Hà Nội, lịch sử của đất nước…

Tác giả Vũ Thế Long sinh năm 1947 tại Hà Nội. Ông là tiến sĩ, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lich sử văn hóa; nguyên Trưởng ban nghiên cứu con người và môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hiện ông là Thư ký CLB Văn hóa Nghệ thuật Ăn uống (thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam); Ủy viên chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Ông nghiên cứu và giảng dạy nhiều năm về Khảo cổ - Sinh học, lịch sử Môi trường, lịch sử Văn hóa, Xã hội học… Có một số công trình khoa học trong các lĩnh vực trên đã được trình bày và xuất bản ở trong và ngoài nước.

Vũ Thế Long đã giành một số giải thưởng báo chí trong nước như: Viết về những chuyến đi, Người Việt dùng hàng Việt, Hướng tới nghìn năm Thăng Long… Ông cũng là đồng khởi xướng và tham gia xây dựng chương trình Bếp Việt trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chuyen-an-chuyen-uong-cua-nguoi-ha-noi-dau-the-ky-20-co-gi-thu-vi-20211225234237465.htm