Chuyên án kinh điển CM12 - niềm tự hào của lực lượng An ninh CAND Việt Nam

Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 – 12/7/2024) và hướng tới Kỷ niệm 40 năm thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 (9/9/1984-9/9/2024), sáng 3-7, CATP Hà Nội tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề 'Tự hào 40 năm thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 và ý nghĩa thực tiễn đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô'.

Đại tá Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP; các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị cấp Phòng, Công an cấp huyện; Trưởng các Ban đoàn thể CATP; đại diện chỉ huy Đội Tham mưu, chính trị, đội An ninh, cán bộ làm công tác tuyên truyền của các đơn vị và hơn 300 đoàn viên thanh niên tiêu biểu đại diện cho thế hệ trẻ Công an Thủ đô tham dự buổi nói chuyện.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND là báo cáo viên tại hội nghị.

Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc CATP phát biểu khai mạc Hội nghị

Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc CATP phát biểu khai mạc Hội nghị

Mốc son chói lọi của lực lượng Công an nhân dân

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc CATP khẳng định, Kế hoạch chuyên án CM12 là một trong những chuyên án kinh điển của lực lượng An ninh nhân dân nói riêng, lực lượng CAND nói chung. Chiến thắng của chuyên án có ý nghĩa to lớn mang tầm chiến lược, có giá trị lịch sử quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và có giá trị thực tiễn về nghiệp vụ cho đến ngày hôm nay.

Đó là đòn tấn công quyết định làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch đối với Việt Nam; bài học lớn và cũng là mốc son chói lọi để thế hệ trẻ ghi nhớ về truyền thống vệ quốc vĩ đại của các thế hệ cha anh đi trước.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban truyền đạt nội dung chính của Kế hoạch chuyên án CM12

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban truyền đạt nội dung chính của Kế hoạch chuyên án CM12

“Việc tổ chức nói chuyện chuyên đề về chuyên án CM12 là đợt sinh hoạt chính trị trong toàn thể CBCS CATP, nhất là thế hệ trẻ để học tập rèn luyện bản lĩnh cách mạng, sự sáng tạo của Công an Việt Nam, qua đó vận dụng vào thực tiễn công tác và chiến đấu…” – Đại tá Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.

Tại buổi nói chuyện, những thước phim tư liệu về chuyên án đấu tranh phản gián với tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy (SN 1929) và Mai Văn Hạnh (SN 1928) cầm đầu, giai đoạn đầu kéo dài trong thời gian 3 năm từ tháng 9/1981 đến ngày 9/9/1984 đã được trình chiếu.

Hào hứng với phần trao đổi cùng báo cáo viên

Hào hứng với phần trao đổi cùng báo cáo viên

Tổng kết đấu tranh chuyên án, Bộ Công an đánh giá đây là một trong những trận đánh hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng CAND Việt Nam kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo tuyệt vời của lực lượng CAND mà chủ công là lực lượng An ninh nhân dân.

Những bài học lớn cho sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia

Đánh giá cao việc CATP Hà Nội tổ chức nói chuyện chuyên đề, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban cho biết, CATP Hà Nội là đơn vị đầu tiên của trong lực lượng công an toàn quốc tổ chức nói chuyện chuyên đề về Kế hoạch chuyên án CM12 trong dịp hướng tới kỷ niệm 40 năm thắng lợi chuyên án.

Trao đổi sinh động liên quan đến Kế hoạch chuyên án CM12

Trao đổi sinh động liên quan đến Kế hoạch chuyên án CM12

Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban đã trực tiếp trao đổi, làm rõ nhiều nội dung về quá trình hình thành tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”; bối cảnh lịch sử, điều kiện, tình hình… đấu tranh chuyên án; ý nghĩa, vị trí, vai trò của thắng lợi trong đấu tranh chuyên án đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban, quá trình đấu tranh chuyên án đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải nhạy bén, kịp thời nắm bắt tình hình, vận dụng sáng tạo các biện pháp để đưa ra các biện pháp đấu tranh hiệu quả; việc sử dụng cán bộ bảo đảm chặt chẽ, lựa chọn được cán bộ có bản lĩnh, chuyên môn, năng lực đáp ứng yêu cầu công tác.

Nhận phần thưởng cho câu trả lời xuất sắc

Nhận phần thưởng cho câu trả lời xuất sắc

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CAND đã phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, sự đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng chức năng. Quá trình triển khai chuyên án, cùng với lực lượng công an, nhiều người dân, lực lượng bộ đội, dân quân du kích, cán bộ chính quyền các cấp đã tích cực phối hợp, giúp đỡ, hiệp đồng chiến đấu để làm nên thắng lợi của chuyên án.

Tăng cường tương tác, đổi mới hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng

Xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng hóa và đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBCS và việc tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề ngày hôm nay là một ví dụ.

Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban giải đáp, trao đổi những thông tin giá trị

Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban giải đáp, trao đổi những thông tin giá trị

Tại buổi nói chuyện chuyên đề, Ban Tổ chức đã tăng cường sự giao lưu, tương tác với CBCS bằng hình thức tổ chức trả lời câu hỏi có tặng quà. 11 câu hỏi xung quanh chuyên án CM12 được đưa ra đã nhận được sự trao đổi sôi nổi từ CBCS. Nhiều cánh tay được giơ lên thể hiện sự tích cực, chủ động của đoàn viên thanh niên trong việc lắng nghe, ghi nhớ các nội dung được Báo cáo viên truyền đạt tại Hội nghị.

Ban Tổ chức đã phối hợp với CLB Bóng đã Công an Hà Nội mang đến phần quà là 1 áo thi đấu của cầu thủ Quang Hải. Qua đó góp phần làm tăng sức “nóng” cho phần thi tìm hiểu kiến thức lịch về chuyên án CM12.

Việc kết hợp giữa nghe báo cáo viên truyền đạt nội dung và tương tác tìm hiểu kiến thức liên quan đến chuyên đề là hình thức tổ chức mới, góp phần tạo sự hấp dẫn, khắc phục tình trạng giáo điều, khô cứng, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; giúp mỗi CBCS hiểu sâu, hiểu rõ hơn về chuyên án CM12 cũng như bài học thực tiễn cho việc thực hiện nhiệm vụ hiện nay.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Đây là hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các thế hệ CBCS trong CATP cùng nhau ôn lại chiến công vang dội của lực lượng an ninh nhân dân nói riêng và lực lượng CAND nói chung; qua đó khơi dậy tinh thần cố gắng, khát vọng cống hiến, lập công trong công tác.

Tóm tắt Kế hoạch chuyên án CM12

Trong “kế hoạch hậu chiến” sau năm 1975, các thế lực thù địch đã tăng cường hậu thuẫn, hỗ trợ các tổ chức phản động người Việt thâm nhập vào nội địa nhằm mục đích chống phá đất nước. Trong đó, nổi cộm nhất là tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Đây là hai đối tượng từng làm gián điệp cho Pháp, Mỹ và sau đó sống lưu vong ở Pháp.

Đầu năm 1981, 2 đối tượng Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tổ chức cho một toán 23 tên biệt kích gián điệp lấy tên là “Minh Vương 1” xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ từ Campuchia qua tỉnh An Giang. Ngay khi xâm nhập vào nội địa, các đối tượng biệt kích đã bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết, một số tên bị tiêu diệt. Cơ quan chức năng của ta thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động của chúng. Từ thời điểm này, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo lập kế hoạch đấu tranh với bí số CM12 (CM là Cà Mau, 12 là ngày 12/5/1981 - địch khởi động chiến dịch “Minh Vương 1”).

Thông qua “trò chơi nghiệp vụ”, chúng ta đã phát về trung tâm địch (đặt ở nước ngoài) những bức điện có nội dung tích cực, làm chúng không hề biết sự thất bại của “Minh Vương 1” mà hí hửng tiếp tục lập các kế hoạch xâm nhập nội địa tiếp theo. Một số trinh sát của ta đã thâm nhập thành công vào các tổ chức của địch, với những vai diễn là “đặc phái viên” và “cơ sở” của chúng. Triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch phản gián liên hoàn, từ tháng 9/1981 đến 9/9/1984, lực lượng an ninh của ta đã câu nhử và đóng lõng nhiều chuyến xâm nhập nội địa của các đối tượng phản động, thu giữ nhiều vũ khí. Sau khi câu nhử hầu hết số gián điệp biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện đưa về nước, lực lượng An ninh Việt Nam quyết định kết thúc Kế hoạch CM12 bằng trận đánh cuối cùng đúng vào đêm 9/9/1984 tại Hòn Đá Bạc (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Từ năm 1981 đến 1984, lực lượng CAND đã chủ động tổ chức đón bắt 18 chuyến xâm nhập, bắt và tiêu diệt 183 tên địch, thu 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, phá vỡ 10 tổ chức phản động và xử lý hơn 1.000 đối tượng

C.Anh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-an-kinh-dien-cm12-niem-tu-hao-cua-luc-luong-an-ninh-cand-viet-nam-post581741.antd