Chuyên án truy tìm những kẻ 'nấp sau bàn phím' (P cuối): 'Trùm cuối' mới học hết lớp 8

Việc xác định được Nguyễn Phát Tài là một thành công bước đầu của Công an tỉnh Quảng Bình. Với mắt xích này, các anh hy vọng sẽ lần ra hết những kẻ chủ mưu đứng sau đường dây lừa đảo công nghệ cao vô cùng tinh vi.

Khi tiếp cận, xác minh trình báo của các bị hại, Công an tỉnh Quảng Bình nhận thấy tất cả tiền bị lừa đều đổ về hai tài khoản có tên Nguyễn Phát Tài và Triệu Thị Kim Oanh. Hai tài khoản này đóng vai trò "số 1", từ đây các dòng tiền "bẩn" được phân tán đến 9 tài khoản "con" đều mang tên Nguyễn Kim Ngân. Hầu hết số tài khoản trên được xác minh là "ảo", không chính chủ.

Thời điểm này, khi đi sâu tìm hiểu dòng tiền, các trinh sát phát hiện từ những tài khoản trên xuất hiện giao dịch chuyển đi để thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại. Số hóa đơn này có nguồn gốc ở Huế, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác.

Số hóa đơn này được mua gom từ những người làm nghề thu tiền cho các đơn vị dịch vụ. Việc này cho thấy, nhóm tội phạm sau khi lừa đảo đã tìm cách "rửa" để hợp thức hóa số tiền "bẩn" mình có được.

Công tác trinh sát cho thấy, tất cả hóa đơn đều được mua bán, chuyển về cho đối tượng có tên Nguyễn Phát Tài. Tài làm nghề bán thẻ điện thoại tại Tiền Giang, tuy nhiên anh ta thường xuyên nhận và chuyển đi số tiền rất lớn thông qua tài khoản của mình và một vài tài khoản khác.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Công an tỉnh Quảng Bình đã làm rõ Tài chính là một mắt xích trong đường dây lừa đảo công nghệ cao mà nhiều người dân đã "sập bẫy" trước đó. Việc bắt Tài được thực hiện ngay lập tức.

Tại cơ quan công an, Tài nhanh chóng khai nhận toàn bộ hành vi liên quan. Theo đó, Tài được một người không quen biết thông quan mạng xã hội hỏi mượn tài khoản ngân hàng không chính chủ. Tài đã cung cấp cho người này nhiều tài khoản. Từ đây, Tài sẽ nhận được các khoản tiền lớn sau khi nhóm tội phạm lừa được của nạn nhân.

Để rửa tiền, nhóm tội phạm chỉ đạo Tài thu mua các hóa đơn điện, nước và thanh toán với mức giá "triết khấu" cao. Khi tiền đã "sạch", Tài sẽ chuyển lại cho "trùm cuối" sau khi trừ phí "hoa hồng" của mình.

Mặc dù Tài và những kẻ điều hành không quen biết, chỉ liên hệ với nhau qua mạng xã hội bằng tên giả, tuy nhiên sau thời gian áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Quảng Bình cũng tìm ra một cái tên, đó là Mạch Thị Nga (SN 1993, quê quán tại Thanh Hóa).

Nga là đối tượng không nghề nghiệp, mới chỉ học hết lớp 8 rồi "lăn lộn với đời". Vào thời điểm công an điều tra, Nga tá túc tại một căn nhà nhỏ ở TP Hồ Chí Minh. Mọi di biến động của Nga lập tức được "theo sát".

Đối tượng Nga bị bắt giữ (ảnh tư liệu).

Đối tượng Nga bị bắt giữ (ảnh tư liệu).

Quá trình thu thập thông tin, Công an tỉnh Quảng Bình làm rõ, Nga cùng một số đối tượng khác, gồm: Phan Thị Bạc (trú tại An Giang); Mạch Thị Mỵ (SN 1996, trú tại Thanh Hóa) và Phạm Lý Hùng (SN 1994, ở TP Hồ Chí Minh) hình thành, điều hành một đường dây lừa đảo vô cùng tinh vi.

Nhóm đối tượng trên đã thông qua mạng xã hội, tìm hiểu cách thức chiếm quyền điều khiển điện thoại, từ đây xâm nhập vào các tài khoản ngân hàng, đánh cắp mật khẩu rồi "ung dung" rút tiền từ khổ chủ.

Để thực hiện được công việc này, nhóm đối tượng có sự phân công cụ thể, trong đó, Nga lợi dung nghề nghiệp của bạn trai để thực hiện hành vi mua bán hàng triệu dữ liệu cá nhân từ các tổ chức tín dụng.

Sau đó, nhóm đối tượng dùng các thông tin này để thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách gọi điện thoại cho khách hàng đề nghị nâng cấp sim điện thoại. Khi khách hàng cung cấp số seri sim đang sử dụng, mã OTP, các đối tượng sẽ nhập mã seri vào sim trắng… Sau khi chiếm được quyền truy cập sim điện thoại, các đối tượng khôi phục lại mật khẩu đăng nhập tài khoản internet banking liên kết với sim để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Từ đây, chúng có thể thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt trái phép hàng tỷ đồng của nạn nhân.

Với những tài liệu chắc chắn, Công an tỉnh Quảng Bình đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Mạc Thị Nga cùng đồng bọn. Tại cơ quan điều tra "trùm cuối" và những trợ thủ của mình đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại số tiền hàng chục tỉ đồng.

Khám xét nơi ở của nhóm đối tượng này, Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện từ tháng 8/2021 đến khi bị bắt, ngoài việc lừa đảo tài sản, ổ nhóm này đã thu thập trái phép hơn 17 triệu thông tin dữ liệu cá nhân trên phạm vi cả nước, theo các nhóm vùng, miền, chức danh, nghề nghiệp… để bán cho người khác nhằm thu lợi bất chính.

Bước đầu, các đối tượng trong vụ án đã khai nhận, giá bán mỗi thông tin cá nhân chỉ 500 đồng/người. Dữ liệu khách hàng được chúng thống kê trên Excel, mỗi file trung bình chứa khoảng 5.000-6.000 thông tin khách hàng, giá trung bình 3 triệu đồng/file.

Những kẻ phạm tội "ngồi sau bàn phím" những tưởng hành vi của chúng sẽ mãi được "không gian mạng" che giấu hộ. Thế nhưng tất cả những chiêu trò tinh vi ấy đã không thể qua mặt được lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình, chúng đã được đưa ra "ánh sáng" và sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng từ pháp luật.

Hàng nghìn tỷ đồng đất đấu giá bị bỏ hoang

T.Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chuyen-an-truy-tim-nhung-ke-nap-sau-ban-phim-p-cuoi-trum-cuoi-moi-hoc-het-lop-8-17224092010371625.htm