Chuyên án truy tìm những kẻ 'nấp sau bàn phím' (P1): Sau cú điện thoại, tiền bỗng dưng biến mất

Khoảng giữa năm 2022, Công an tỉnh Quảng Bình nhận được đơn trình báo của nhiều người trên địa bàn về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn trong tài khoản. Những nạn nhân này đều bị chiếm đoạt tiền với một thủ đoạn giống nhau là chiếm quyền sử dụng điện thoại, email từ đó lấy cắp mật khẩu ngân hàng.

Một nạn nhân tìm đến Công an tỉnh Quảng Bình với vẻ mặt chưa hết hoang mang. Người này cho biết, khi đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, tự xưng là nhân viên "nhà mạng", đề nghị giúp nạn nhân nâng cấp gói dịch vụ. Khi được đồng ý, người "nhà mạng" đã gửi vào điện thoại nạn nhân một tin nhắn rồi chỉ dẫn nạn nhân nhắn tin lại theo cú pháp định sẵn.

Chỉ sau tin nhắn theo yêu cầu của người lạ, nạn nhân lập tức bị mất quyền kiểm soát điện thoại. Mặc dù sim vẫn ở trong máy nhưng không thể nào gọi điện, liên lạc được. Một lát sau, nạn nhân phát hiện số tiền lớn trong tài khoản của mình đã "biến mất".

Liên tiếp thời gian sau đó, Công an tỉnh Quảng Bình nhận được trình báo từ nhiều nạn nhân khác nhau về thủ đoạn chiếm đoạt tiền với thủ đoạn tương tự. Đánh giá đây là hình thức lừa đảo công nghệ cao, có tính chất nguy hiểm, Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành xác minh đồng thời huy động đơn vị nghiệp vụ vào cuộc điều tra, làm rõ.

Quá trình tìm hiểu, công an phát hiện nhóm tội phạm này thường sử dụng số điện thoại ảo để liên hệ với các nạn nhân. Rất trùng hợp là chúng nắm rất rõ các thông tin cá nhân của nạn nhân, chính vì thế khi mạo danh, nhóm tội phạm đã tạo ra được sự tin tưởng từ phía bị hại. Tất cả những thông tin thu thập được ở giai đoạn đầu của vụ án gần như không thể truy vết.

Các trinh sát của Phòng An ninh phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Bình đã mất rất nhiều công sức nhằm tìm ra một mắt xích trong đường dây lừa đảo trên. Các anh phát hiện, sau khi chiếm được quyền điều khiển điện thoại của bị hại, nhóm tội phạm sẽ đăng nhập vào Gmail và xin cấp lại mật khẩu tài khoản ngân hàng. Từ đây, chúng "ung dung" chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân đến các tài khoản khác.

Trong số những tài khoản thụ hưởng, Công an Quảng Bình đặc biệt chú ý tới 2 tài khoản "cấp 1", tức là luôn nhận tiền đầu tiên và từ các tài khoản này, tiền lừa đảo được chuyển sang tài khoản nhỏ hơn, tiến hành "rửa" thông qua nhiều hình thức khác nhau.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Hai tài khoản mang tên Nguyễn Phát Tài và Triệu Thị Kim Oanh được đưa vào tầm ngắm. Từ hai tài khoản này, tiền được "đổ về" 9 tài khoản khác đều mang tên Nguyễn Kim Ngân. Hầu hết số tài khoản này sau khi được xác minh đều là giả mạo. Lúc này, nhóm tội phạm vẫn gần như chưa "lộ diện".

Tiếp tục xác minh, Công an Quảng Bình tìm thấy có nhiều hóa đơn tiền điện, nước ở các địa bàn Huế, TP Hồ Chí Minh… được thanh toán bằng tài khoản thụ hưởng số tiền lừa đảo. Chỉ trong vòng 2 tháng đã có tới 40 giao dịch thanh toán như vậy.

Một tổ công tác được cử đi xác minh, tại những địa phương này các anh phát hiện có nhiều hội nhóm trên mạng xã hội tìm mua hóa đơn điện, nước để thanh toán. Như vậy có thể hiểu rằng, nhóm tội phạm sau khi lừa được tiền từ bị hại đã thông qua việc thanh toán những hóa đơn mua hàng để rửa tiền.

Đi sâu xác minh, Công an tỉnh Quảng Bình "lần ra" hầu hết số hóa đơn này sau khi được thu mua bởi các cộng tác viên đi thu tiền điện, nước, điện thoại đã chuyển về cho đối tượng có tên Nguyễn Phát Tài. Tài cũng chính là người đã dùng tài khoản nằm trong danh sách "đen" để thanh toán các hóa đơn nói trên.

Truy xét, các trinh sát nắm được Tài có một cửa hàng kinh doanh thẻ cào tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang), không liên quan đến dịch vụ thanh toán hóa đơn. Như vậy, việc Tài mua lượng lớn hóa đơn để đi thanh toán "hộ" là điều rất đáng nghi ngờ.

Quá trình xác minh, cuối cùng Công an Quảng Bình cũng có đủ tài liệu cho thấy Nguyễn Phát Tài là một mắt xích trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao.

(Còn nữa)

Clip 2 đối tượng lao vào cướp tiệm vàng và dùng hung khí chống trả

T.Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chuyen-an-truy-tim-nhung-ke-nap-sau-ban-phim-p1-sau-cu-dien-thoai-tien-bong-dung-bien-mat-172240919141551515.htm