Chuyện ba khía nơi đất mũi

Thật khó hình dung vì sao 'Nghề muối ba khía' được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho đến khi tôi dừng chân ở vùng đất tận cùng của Tổ quốc; nghe người dân nơi đây kể về con ba khía với tất cả mặn mòi, chắt chiu và phấn khích.

Nỗi nhớ mặn mòi

“Tháng bảy nước chảy

Cà Mau

Tháng mười ba khía hội kéo nhau đi làm

U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm,

Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi…”

Xuất hiện trong đời sống của người dân ở huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) từ những ngày khẩn hoang, nên cùng với cá dứa, tôm đất, ốc len, cua biển…, con ba khía (gần giống cua biển, nhưng kích cỡ nhỏ hơn) là sinh vật mà gần như người dân nào ở đây cũng có thể kể cả ngày không hết chuyện.

Sinh trưởng từ những cánh rừng mắm, rừng đước bạt ngàn của vùng đất mũi Cà Mau; thưởng thức những trái mắm đen ngậm đầy phù sa nên ba khía Ngọc Hiển (tập trung chủ yếu ở thị trấn Rạch Gốc) nhiều và mang hương vị đặc trưng, ít nơi nào sánh được. Ba khía muối Ngọc Hiển, theo đó cũng được nhiều người sành ăn biết tiếng.

Chìa cho tôi xem bàn tay chai sần, chi chít những vết sẹo do ba khía cắp, bà Huỳnh Thị Thu (66 tuổi, ấp Rạch Gốc B – Thị trấn Rạch Gốc – huyện Ngọc Hiển) - xởi lởi cho biết, mấy chục năm trước đã có tàu to ở tận ngã 7 Phụng Hiệp (Bạc Liêu) về đây mua ba khía đó. 160 nóc nhà khi ấy, có nhà nào mà không đi bắt ba khía đâu. “Mấy chị em tôi theo cha đi bắt ba khía từ khi 14, 15 tuổi. Mà cũng lạ, đêm tối, muỗi và rắn nước nhiều vô kể nhưng không thấy sơ” – bà Thu tâm sự.

Trong ký ức, thanh xuân của bà Thu là những đêm, cả vùng rừng đước, rừng mắm lấp lóa ánh đèn dầu của đoàn người “tay xách giỏ mang đèn, chân không lội rừng” đi bắt ba khía. “Ngày đó cực nhưng vui lắm. Đi từ 1-2 giờ chiều tới khi trời hửng sáng mới hò nhau về, lỗ mũi ai cũng đen nhẻm vì khói dầu. Vào ngày “hội ba khía” (mùa ba khía mở hội yêu đương, khoảng rằm tháng 7 đến tháng 10) ba khía rời hang, bu đen đặc quanh gốc cây mắm, cứ thế bắt cho vào bao tải. Phụ nữ như tôi, có đêm bắt được tới 40-50kg. Giá bán khi đó chỉ 500 - 1.000 đồng/kg, cao điểm nhất là 1.500 đồng/kg, nhưng nhờ bán ba khía, nhiều gia đình nuôi được cả chục đứa con qua những ngày thiếu đói”- bà Thu chia sẻ.

Không chỉ gắn bó với công việc bắt ba khía, giống như hầu hết người dân ở Rạch Gốc, bà Thu rất khéo muối ba khía và mê mẩn với món ăn này. “Ăn con ba khía ngon dữ lắm đó. Không có ba khía muối tôi chỉ ăn 2 chén cơm, có ba khía muối tôi ăn liền 3 chén” – bà Thu cười nói.

Có lẽ chính bởi cái vị mặn đặc trưng quen thuộc, vị ngậy của gạch son, vị thịt ngọt béo không lẫn vào đâu của ba khía nên những ai sinh ra và lớn lên ở Rạch Gốc, hay có những năm tháng sống ở đất mũi Cà Mau…, nay phải xa xứ cứ hễ nhắc đến ba khía muối lại cảm thấy cồn cào nỗi nhớ quê hương, nhớ cái vị mặn mòi không dễ phai nhạt dù xa xôi, cách trở.

Rừng đước, rừng mắm ở Cà Mau - nơi sinh trưởng lý tưởng của loài ba khía

Rừng đước, rừng mắm ở Cà Mau - nơi sinh trưởng lý tưởng của loài ba khía

Món ăn dân dã trở thành di sản văn hóa

Nếu như với thế hệ của bà Hoàng Thị Thu, ba khía là món ăn dân dã, chủ yếu được muối ăn dần, thì ngày nay, đến với đất Mũi, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều món ăn hấp dẫn từ ba khía, mà theo cách nói của người dân nơi đây, là “Ăn một lần, nhớ một đời”, như: Ba khía rang muối, rang me, luộc xả hay làm lẩu riêu…

Mấy năm gần đây, do nhu cầu thưởng thức ba khía tăng cao, cùng những tác động tiêu cực của thời tiết, nên lượng ba khía không còn dồi dào như trước kia, nhưng theo những người dân đang sống bằng nghề bắt ba khía, với giá trị của mỗi kg khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg thì công việc này vẫn là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân ở Ngọc Hiển.

Từ những giá trị, ý nghĩa đối với đời sống người dân đất Mũi hàng trăm năm qua, tháng 12/2019, nghề muối ba khía của Ngọc Hiển đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; được tỉnh Cà Mau đưa vào kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tin vui này, không chỉ làm nức lòng người dân “một nắng hai sương” với ba khía, mà hơn thế còn mở ra cơ hội nâng cao giá trị kinh tế - văn hóa cho ba khía muối.

Trao đổi cùng tôi trên đường đến với các hộ chế biến ba khía, anh Nguyễn Thanh Trúc – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc - cho biết: Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ba khía của nhiều thực khách, tại Ngọc Hiển đã xuất hiện những cơ sở chế biến ba khía muối, cung cấp rộng rãi cho các vùng miền. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Thua (khóm 1- Rạch Gốc), hộ ông Tư Tới (xã Tân An), cơ sở ba khía muối Châu Sang (khóm 8, thị trấn Rạch Gốc)…

Các món ăn (ba khía rang muối, ba khía rang me) chế biến từ ba khía

Các món ăn (ba khía rang muối, ba khía rang me) chế biến từ ba khía

Dừng chân tại cơ sở chế biến ba khía muối Châu Sang của vợ chồng anh Châu Ngọc Sang và chị Nguyễn Hồng Đạm, tôi không khỏi bất ngờ bởi lượng ba khía thu mua hàng ngày, quy mô kho chứa, cũng như cách thức chế biến rất vệ sinh, bài bản của cơ sở này… “Quy trình làm ba khía muối cũng chỉ có mấy bước cơ bản, nhưng để có được sản phẩm thơm ngon, khâu lựa chọn, làm sạch là hết sức quan trọng. Hiện, ngày ít cơ sở thu mua khoảng 200 trăm kg, vào ngày “hội ba khía” có thể thu mua 3-4 tấn/ngày” - chị Đạm phấn khởi cho hay trong lúc vẫn luôn tay, khéo léo xé ba khía muối, trộn với đường, ớt, tỏi để mời khách. Ngoài cửa nhà, anh Sang cùng nhân công tíu tít với việc xuất hàng, gửi xe cho khách ở tỉnh xa…

Từ một vài lọ ba khía muối giới thiệu cùng bạn bè, người thân, đến nay, nhờ khai thác triệt để các kênh bán hàng trên internet, ba khía muối của cơ sở Châu Sang đã bán sang cả An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Sự quay trở lại và những phản hồi của khách đang là động lực để cơ sở ba khía Châu Sang tính tới mở rộng kho chứa để chế biến được nhiều hơn và nâng cao giá trị cho ba khía muối Ngọc Hiển.

Rời Ngọc Hiển vào một ngày cuối năm đầy nắng, trong tôi vẫn vương vấn nụ cười của những người dân tay còn lấm bùn sau đêm bắt ba khía, thấy vui hơn vì chia sẻ của chủ cơ sở Châu Sang: “Tài nguyên không vô tận nên nhất định không thu mua ba khía con để ba khía còn sinh sôi”. Nếu có dịp trở lại nơi này, tôi nhất định sẽ lang thang trong đêm giữa rừng đước, rừng mắm bắt ba khía - để trải nghiệm và cảm nhận hương vị mặn mòi riêng có của ba khía muối nơi tận cùng Tổ quốc, để hiểu hơn, trân quý hơn về một Di sản văn hóa phi vật thể của đất nước.

Lan Anh - Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-ba-khia-noi-dat-mui-152035.html