Chuyện bán bản quyền của giải Ngoại hạng Anh
Năm 2004, bản quyền quốc tế của giải Ngoại hạng Anh đã đem về doanh thu 325 triệu bảng, cao hơn 83% so với lần bán trước. Đến năm 2010, con số này là 1,4 tỷ bảng.
Ở thời điểm vừa mới đảm nhận cương vị giám đốc điều hành, Scudamore thấy rằng giải Ngoại hạng Anh đang đi trên đúng con đường để trở thành một sản phẩm giải trí quốc nội khổng lồ.
Đài Sky vừa mới thương thảo lại hợp đồng bản quyền truyền hình tại Anh vào năm trước đó, với mức giá 670 triệu bảng cho bốn năm phát sóng, tức là tăng tới 176% so với hợp đồng cũ.
Tuy nhiên, khi nhìn sang phần doanh thu quốc tế, Scudamore thấy vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Bản quyền phát sóng ở nước ngoài của giải đấu chỉ bán được khoảng 98 triệu bảng trong năm 1997, một con số mà ông ta cho rằng không chỉ đáng thất vọng, mà còn khá sỉ nhục.
Trong tâm trí của Scudamore, giải Ngoại hạng Anh chính là giải thi đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh, nên đã tới lúc nó phải có được doanh thu tương xứng với tầm cỡ ấy.
Đầu tiên, ông ta thực hiện cải tổ cung cách mà giải đấu bán bản quyền ở nước ngoài. Đến thời điểm đó, giải này vẫn tổ chức đấu thầu với mức giá cố định cho toàn bộ các lãnh thổ khác trên thế giới, và nhà thầu chiến thắng có quyền sử dụng toàn bộ gói thầu, gỡ chúng ra thành từng miếng nhỏ và bán lại cho các đài truyền hình hoặc đơn vị phát sóng của từng quốc gia theo bất cứ cách nào mà họ muốn.
Năm 1997, hai hãng IMG và Canal+ đã phối hợp đặt thầu chung để thắng thầu. Trong lần đấu thầu tiếp theo vào năm 2001, một tập đoàn liên doanh của bốn hãng khác nhau đã mua được bản quyền với giá tổng cộng 178 triệu bảng.
Tuy nhiên, Scudamore vẫn thấy một sai lầm căn bản: Giải Ngoại hạng Anh vẫn chọn cách bán bản quyền quốc tế tiện lợi nhất, chứ không phải cách bán đem lại lợi nhuận cao nhất.
Ông ta muốn cắt bỏ những kẻ trung gian để giao dịch trực tiếp với các đài truyền hình trên thế giới. Scudamore là người thích mua tận gốc và bán tận ngọn.
Ông ta thuyết phục các ông chủ câu lạc bộ rằng họ có cơ hội thu về được nhiều tiền hơn gấp bội nếu chia nhỏ từng gói bản quyền và thương lượng để bán trực tiếp chúng cho các công ty truyền hình. Tin tưởng vào lý lịch kinh doanh của Scudamore, các ông chủ đã chấp thuận lời đề nghị của ông ta. Họ muốn thử làm theo chuyên gia bán hàng này xem sao.
Kế hoạch này ngay lập tức tỏ ra hiệu quả. Năm 2004, bản quyền quốc tế của giải đã đem về doanh thu 325 triệu bảng, cao hơn 83% so với lần bán bản quyền trước đó.
Tới năm 2007, nó nhảy lên 625 triệu bảng và đến năm 2010 thì giải Ngoại hạng Anh thu được 1,4 tỷ bảng từ bản quyền quốc tế - lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1 tỷ bảng.
Chỉ trong vòng 9 năm, Scudamore đã tạo ra mức tăng trưởng khủng khiếp 687% đối với doanh thu bản quyền truyền hình quốc tế.
Một hợp đồng duy nhất mà giải đấu này sử dụng để bán bản quyền quốc tế đã biến thành 80 hợp đồng và thỏa thuận lớn nhỏ, để bóng đá Anh được phát sóng tới 211 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Người hâm mộ bóng đá Anh ở khắp địa cầu cuối cùng lại được xem tường thuật giải Ngoại hạng một cách toàn diện hơn chính những cổ động viên ở Anh - nơi mà từ lâu các cơ quan bóng đá đã thỏa thuận với nhau để cấm các đài truyền hình tường thuật trực tiếp những trận đấu trong khung giờ từ 14h45 tới 17h15 thứ bảy, nhằm mục đích đảm bảo lượng khán giả tới sân mua vé để vào xem những đội bóng chuyên nghiệp và bán chuyên thi đấu.
Khi Scudamore đi khắp nơi trên thế giới để bán quyền tường thuật các trận đấu của giải, cái quy định có từ nhiều thập kỷ về khung giờ truyền hình kia không thể cản bước ông ta.
Các nhà đài quốc tế có quyền tường thuật đầy đủ, phát sóng bất cứ trận đấu nào mà họ muốn. Họ chỉ cần có đủ số kênh sóng để chia cho các trận đấu diễn ra cùng thời điểm mà thôi.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-ban-ban-quyen-cua-giai-ngoai-hang-anh-post1185322.html