Chuyện bánh chưng tết (kỳ 2)
Về sau, có mấy người sáng kiến gói bánh bằng khuôn, nhanh gọn lắm, nhưng chả hiểu sao tôi vẫn thích những chiếc bánh thủ công từ A tới Z qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng. Chúng không chỉ là bánh mà như một tác phẩm nghệ thuật.
Bánh luộc xong, thày bu tôi giải phóng bọn trẻ con để mỗi đứa còn chút thời gian ngắn ngủi ngày 30 tết làm việc riêng của mình. Đứa thì gội đầu, đứa ra bờ cừ lấy búi rơm kỳ cọ chùi cái cổ trâu đen sì trên mu bàn chân. Mùa tết xứ bắc đang mùa rét, đụng vào nước ngài ngại là. Rồi nhặt đám quần áo rếch, thày bảo đem giặt hết đi để sang năm mới mọi thứ đều thơm tho.
Thày xếp tất cả bánh đã luộc chín lên chiếc bàn gỗ, lấy một tấm gỗ cứng đặt lên, rồi người nhớn khệ nệ khiêng cái cối đá thường dùng giã rốc dạm đè chặt xuống. Bánh ép như thế cho ra hết nước, mới chặt chẽ khô ráo, không bị nhão, để được lâu. Anh Huy còn bảo, có những người khéo tay gói chặt gói kín, chiếc bánh ấy đem thả xuống giếng nước lạnh để bảo quản, sau rằm vớt lên vẫn ăn được như thường. Cũng chỉ nghe nói thế chứ nhà tôi có bao giờ đủ bánh chưng ăn tới ngoài mùng 3 tết đâu.
Thời ấy (những năm 60 – 70 ở miền Bắc) hầu như người nhớn ai cũng biết gói bánh chưng. Chẳng ai dạy ai, chỉ cần để ý xem người khác làm thế nào rồi học lỏm. Bọn trẻ con ngồi chầu hầu coi người lớn gói bánh, dần dà cũng biết phải làm thế nào cho nhân bánh rải đều, bánh vuông vức, lạt buộc sao cho đẹp… Làng tôi rặt nông dân nhưng có những “thợ” gói bánh nổi tiếng, thường được những nhà khác thỉnh về gói giúp, như chú Mịch, cậu Thê, bác Ỷ, anh Huy, ông Đính. Giúp nhau thôi, vui là chính chứ chả công xá gì, làm xong ngồi uống với nhau hớp nước chè bàn chuyện tết nhất, chuyện xóm làng. Về sau, có mấy người sáng kiến gói bánh bằng khuôn, nhanh gọn lắm, nhưng chả hiểu sao tôi vẫn thích những chiếc bánh thủ công từ A tới Z qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng. Chúng không chỉ là bánh mà như một tác phẩm nghệ thuật.
Gói bánh chưng đón Tết - Ảnh: Tư liệu internet
Bánh chưng hiếm hoi, chẳng mấy khi đủ ăn cho đã sự thòm thèm, vậy mà có lần tôi được nếm mùi bánh chưng rán. Lần đầu tiên trong đời. Ngon tuyệt trần. Đã bánh chưng, lại còn rán nữa, làm gì chẳng ngon. Bây giờ kể ra, tụi trẻ chả đứa nào tin bởi chúng ngán bánh chưng tới tận cổ rồi.
Chả là làng tôi có đơn vị bộ đội đóng quân. Các chú tinh những thợ mộc, về dựng cái xưởng gỗ rõ to ở sân ủy ban cũ, chuyên làm cốp pha giao cho đơn vị bộ đội đục núi Trà Phương thành hầm đặt súng đại bác chĩa ra biển. Cái sự đục núi khoét hầm này kỳ công và bí ẩn lắm. Nhiều người xì xào chả hầm hiếc súng siếc gì đâu, mà là tìm của tìm vàng chi đó. Gọi là bộ đội làm nhưng lực lượng khoét núi đều do người Trung Quốc đảm nhận. Nghe đồn họ có sơ đồ tìm châu báu, người thì nói do cha ông họ khi xưa cất giấu, người thì bảo ruột núi Trà Phương có loại quặng cực kỳ quý hiếm. Chỉ biết họ đã đục rỗng ruột núi Trà, tất cả đất đá đào bới ra đều bị chở đi đâu không ai rõ, tinh chở vào ban đêm. Gọi là làm hầm đặt đại bác nhưng tới tận bây giờ chưa ai được nghe, được thấy khẩu đại bác nào nổ súng, kể cả hồi tàu chiến Mỹ vào tận biển Đồ Sơn, Quần Mục, Bàng La quấy phá.
Trở lại chuyện bánh chưng rán. Mấy chú bộ đội đóng ở nhà tôi, nhà chú Chung và những nhà quanh gần xưởng gỗ. Bên nhà tôi có chú Ngưỡng, chú A, còn bên chú Chung có chú Đận, chú Quát. Tôi và thằng Trị con chú Chung quý các chú lắm bởi các chú có miếng gì ngon cũng dúi cho. Bộ đội thời ấy tất nhiên thiếu thốn hơn bây giờ nhiều, nhưng so với dân thì các chú vẫn thuộc hạng sung sướng. Hầm núi được làm ròng rã suốt 3 năm, các chú kéo cưa lừa xẻ cung cấp cốp pha cho đội thợ hầm, khi xong việc thì đơn vị kéo nhau về doanh trại đóng ở tuốt vệ đê gần cầu Rào, cách làng tôi gần 2 chục cây số.
Tết năm Bính Ngọ 1966, tôi và thằng Trị kéo nhau ra tận doanh trại chơi với các chú. Đứa 11, đứa 8 tuổi, xe đạp chẳng có, mà nếu có cũng chẳng đứa nào biết đi, nên liều lội bộ. Mỏi chân nhưng háo hức. Đi từ sáng, gần trưa đến nơi. Chú Quát, chú Đận phải trực chiến không về quê, ra đón ở cổng, bảo a, may cho chúng bay, hôm nay các chú đãi chầu bánh chưng rán. Bộ đội tết nào cũng gói bánh chưng, mỡ chả mấy khi thiếu, rán bánh là chuyện thường, chứ tôi từ bé tới thời điểm lịch sử đó chưa hề được nếm mùi bánh chưng rán. Bánh “nguyên thủy” ăn còn thiếu, mỡ thì hiếm như vàng, ở đó mà đòi bánh rán.
Chú Quát thao tác xong, bê lên đĩa đầy bánh chưng rán thơm phức, chú Đận giục ăn đi, ăn đi. Hai thằng bé nhà quê rời tổ từ sáng sớm, bụng lép kẹp, chân mỏi nhừ, được lời như cởi tấm lòng, ngấu nghiến quên trời quên đất, quên cả hai chú đang ăn nhỏ nhẻ. No phưỡn bụng, vẫn còn vài miếng, chú Quát gói lại, bảo hai cháu cầm về mà ăn đường. Sau này, tôi với thằng Trị mỗi lần gặp nhau lại bồi hồi với đám ký ức bánh chưng rán ven cầu Rào trưa mùng 3 tết năm xa ngái. Không biết các chú yêu quý, chú Quát, chú Đận, chú Ngưỡng giờ ở đâu, có còn, sống cũng phải U.90 cả rồi.
Năm 1977, tôi vào Sài Gòn nhận việc nhà nước phân công. Khu ký túc xá của trường gồm các thầy cô giáo và một số bộ đội đi học. Giáo viên độc thân chả quan tâm tới bánh biếc. Những năm ấy, “cơm” bo bo triền miên, mơ bánh là giấc mơ xa xỉ. Ấy vậy vẫn có nhà cần mẫn sự gói bánh chưng mỗi dịp tết. Chồng là anh Đinh Duy Chúc, vợ tên Chu Thị Dính, đều dân tộc Tày Cao Bằng. Anh Chúc giải ngũ, được ưu tiên đi học sư phạm.
Sau giải phóng, chờ chồng trẻ học xong chắc sốt ruột, mà lại lo lo, nên chị vợ vào ở luôn với chồng. Cô Dính cực kỳ tháo vát, giỏi giang, lại khéo tay. Vào Sài Gòn một thời gian ngắn, cô nhập cuộc được ngay, sắm cái tủ thuốc lá, rồi nấu xôi bán cho sinh viên ăn sáng, rồi nâng cấp thành tủ bánh mì thịt, rồi đủ thứ phục vụ cho đám thầy cô giáo và sinh viên đang đói vàng mắt. Một mình cô Dính nuôi cả nhà. Đàn con lần lượt ra đời, cô lo tất, chồng chỉ mỗn nhiệm vụ học và làm người nhà nước.
Cứ sát tết, vợ chồng cô lại rộn rịp gói bánh chưng. Bắc bếp dưới góc sân ký túc xá, mượn cái nồi nhôm to của nhà ăn tập thể, khói lửa ngút trời, vui phết. Có lần anh Chúc hé lộ bí mật, bảo tôi, thầy ạ, thầy có biết khó nhất trong chuyện gói bánh chưng là gì không. Tôi chịu, mình có gói đâu mà biết. Anh Chúc thì thào, đó là củi. Để đủ củi nấu suốt đêm, ông người Tày này đã thầm lặng đầu cơ tích trữ cả tháng trời, chất đầy góc hành lang nhà tập thể. Có lần bánh chửa chín nhưng hết củi, Chúc ta còn phải hy sinh chiếc giát giường.
Nghe lão ấy thổ lộ, tôi sực nhớ, cái lần nhà trường tổ chức cho cán bộ giáo viên nhân viên đi tham quan chiêm ngưỡng công trình thế kỷ hồ thủy điện Trị An, cả đoàn chằng ai ngắm nhìn gì, chỉ quan tâm đi mua củi, lúc về chất đầy xe tải Reo do ông Thi già lái. Thầy Long lý còn khuân hẳn những khúc rõ to nửa vòng tay ôm, khệ nệ bế lên tận lầu 4 (tức tầng 5), lâu lâu lại chẻ củi thình thình. Đó là thứ âm thanh không thể quên được của cuộc sống khốn khó thời bao cấp sau năm 1975.