Chuyện bảo vệ sò lông ở xã ven biển!
Trời đã chuyển bấc sắp tết vậy mà tờ mờ sáng anh Nguyễn Văn Trí ở thôn Thuận Thành (xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam) chỉ kịp khoác vội chiếc áo, tay với chiếc ống nhòm, bộ đàm rồi phăng phăng ra biển...
Những ngư dân hết lòng với ngư trường
Nguyễn Văn Trí là thành viên Hội cộng đồng bảo vệ sò lông xã Thuận Quý, ngoài anh còn có thêm 55 ngư dân nữa tham gia. Hôm nay là ngày Trí trực, anh gác lại việc vuốt tai cho đám thanh long ngoài vườn để ra ngoài biển canh chừng tàu lạ giã cào bay trên mặt biển Nhà nước đã giao quyền quản lý. Không ít lần vợ Trí cằn nhằn: “Ngày cũng như đêm cứ đi miết bỏ bê việc nhà”, nghe rồi Trí vẫn cương quyết đi, bởi bao nhiêu công sức mấy năm trời anh em ngư dân, cơ quan quản lý nhà nước chung sức bảo vệ, bỏ sao được.
Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng trong Hội ai cũng nhận xét Trí là người năng nổ luôn vì cái chung, tình yêu và trách nhiệm với biển cả đã thấm vào máu thịt. Trí gắn bó với Hội cộng đồng quản lý sò lông ở xã thành lập từ năm 2015. Khi ấy, những lần bám biển đánh bắt Trí vừa coi ngó hễ phát hiện có tàu giã cào vào khai thác, lặn bắt sò là báo ngay cho Chi cục Thủy sản. Dù bây giờ anh ở nhà làm thanh long nhưng hễ lúc nào rảnh là chạy ra biển giờ đó, có đêm tận khuya mới về tới nhà. Cũng trong những lần tuần tra như vậy nhiều lần Trí phát hiện các đội tàu giã cào bay, khai thác sò trộm. Gần đây nhất là tháng 9/2022, 3 ngày liền Trí phát hiện các đội tàu từ 50 - 70 chiếc giã cào khu vực thả nuôi sò lông của xã, anh liền báo ngay và lực lượng kiểm ngư đã truy đuổi.
Chúng tôi cùng Trí và vài ngư dân đi ra biển tuần tra canh giữ. Gió ràn rạt thổi mang những hạt cát bay mù như một làn sương mỏng, trên bờ biển cát mịn như được rây bởi từng đợt sóng “giặt sạch” cát biển rồi xô lên bờ. Họ cứ đảo nhiều vòng trên bờ cát, mắt hướng về phía biển quan sát bằng chiếc ống nhòm. Đứng cạnh tôi, ngư dân Phạm Cường, người từng viết đơn gửi xã, huyện, tỉnh đề xuất nguyện vọng xin nuôi sò bảo vệ nguồn lợi này đang dần cạn kiệt. “Từ sau lá thư tôi gửi, Hội nghề cá tỉnh cùng với UBND huyện Hàm Thuận Nam triển khai thí điểm dự án mô hình đồng quản lý cộng đồng sò lông xã Thuận Quý để khôi phục lại nguồn lợi sò lông đã bị suy kiệt, bảo vệ sinh thái ven biển. Từ nguồn Quỹ môi trường toàn cầu Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam tài trợ và ngư dân đóng góp thêm đã mua thả xuống biển hàng trăm tấn sò giống”, ông Cường nói.
Anh Trí tiếp lời: “Chúng tôi phải mất hàng tháng trời đào hàng chục tấn đá ngày đêm miệt mài làm chà bê tông, sọt sắt… chở ra biển vừa đánh dấu giới hạn vùng biển vừa ngăn chặn tàu giã cào bay vào khai thác trái phép, vừa thu hút các loài hải sản đến sinh sống”. Năm nào cũng vậy, đội thợ lặn được huy động theo tàu ra biển kiểm tra các loài đặc sản sinh trên vùng mặt nước được giao 16,5 km. Không ai bảo ai, ngư dân đều tuân thủ nghiêm không sử dụng ngư cụ cấm như kích điện, lờ dây hay là khai thác sò non làm thức ăn cho nuôi thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Quý - Nguyễn Ngọc Hải đánh giá: Mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông tại xã Thuận Quý không chỉ ngư dân cùng đoàn kết bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mà nguồn lợi thủy sản được phục hồi tái sinh, ngày càng nhiều loài thủy sản về trú ngụ tại các điểm chà giúp ngư dân tăng thu nhập.
Nhân rộng
Huyện Hàm Thuận Nam có chiều dài bờ biển khoảng 23,5 km, chạy dọc 3 xã Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận với đa dạng nguồn lợi thủy sản quý, có giá trị kinh tế cao tạo sinh kế mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, tình hình khai thác quá mức của ngư dân đã làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng, cuộc sống của ngư dân ngày càng khó khăn hơn. Trong khi các nguồn lực quản lý còn hạn chế thì việc huy động người dân cùng tham gia góp sức là rất cần thiết. Cách làm này cho thấy sự thay đổi rất lớn ý thức và trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo vệ sinh kế bền vững.
Ông Đồng Văn Triễm, Chủ tịch Hội cộng đồng quản lý, khai thác nguồn lợi sò lông xã Thuận Quý chia sẻ: “Sau khi ngư dân cùng đồng thuận bảo vệ mặt nước, thả nuôi sò lông sinh sôi rất dày, mật độ tại thời điểm cao nhất 150 con/m2, cá, mực, chình tụ tập về rất nhiều, một số con trước đây đã mất giờ nó sinh sôi trở lại, hệ sinh thái đã phục hồi tới 80%. Chúng tôi làm đến khi mình lớn tuổi không còn làm được nữa thì con, cháu sẽ thay bảo vệ. Ngư dân sống bằng nghề biển nên tôi luôn nhắc con cháu phải yêu biển đã nuôi sống ông cha mà có trách nhiệm gìn giữ cho thế hệ mai sau”.
Từ thành công Hội cộng đồng bảo vệ sò lông xã Thuận Quý, 2 xã biển khác là Tân Thành, Tân Thuận cũng thành lập Hội cộng đồng với tổng số hội viên tham gia 3 Hội cộng đồng là 288 người. UBND huyện Hàm Thuận Nam đã thực hiện giao quyền quản lý “sổ đỏ mặt biển” với 43,4 km cho 3 Hội cộng đồng quản lý, trong đó xã Thuận Quý 16,5 km, Tân Thành 9,2 km và Tân Thuận là 17,7 km. Các Hội cộng đồng đã tự huy động ngư dân đóng góp được 210,2 triệu đồng để xây dựng quỹ duy trì hoạt động và tổ chức các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các Hội đã cùng nhau thi công 41 điểm rạn nhân tạo trên biển để đánh dấu, ngăn chặn nghề lưới kéo, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi. Ngoài ra, còn góp vốn xây dựng quỹ để giúp nhau vay vốn phát triển kinh tế gia đình…
Chính sự đồng lòng của ngư dân, nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, Hàm Thuận Nam là huyện duy nhất trong cả nước triển khai bàn giao mặt biển cho cộng đồng ngư dân ven bờ quản lý trong 3 xã.
...Ngư dân sống bằng nghề biển nên tôi luôn nhắc con cháu phải yêu biển đã nuôi sống ông cha mà có trách nhiệm gìn giữ cho thế hệ mai sau - ông Đồng Văn Triễm - Chủ tịch Hội cộng đồng bảo vệ sò lông xã Thuận Quý.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuyen-bao-ve-so-long-o-xa-ven-bien-104918.html