Chuyện bất thường trên chuyến xe ngựa

Người phụ nữ vén váy bước lên xe, ông Dương lại thấy bối rối khó hiểu: Bên trong váy màu trắng cô ta còn mặc một chiếc váy màu đỏ! Điều này hơi lạ với người có tang, nhưng đây là chuyện của người khác, ông 'Dương hồ đồ' vẻ khó chịu lẩm bẩm chê trách người phụ nữ rồi vung roi thúc ngựa đi. Ngựa đi trên đường gập ghềnh, tiếng vó ngựa lộp cộp, bánh xe run lên bần bật.

Đây là chuyện xảy ra vào năm Ung Chính thứ nhất triều Thanh. Khi đó Thiên Tân vẫn còn là một huyện. Có một ông chủ họ Dương ở huyện thành suốt ngày mê mê muội muội, người ta đặt cho ông một biệt danh là “Dương hồ đồ”. Lão “Dương hồ đồ” làm nghề đánh xe ngựa để kiếm sống. Xe ngựa của ông có đệm, có rèm, ngồi trong xe còn hơn ngồi kiệu, khi đi xa được chắn gió bụi nên rất nhiều người thích đi xe của ông, công việc làm ăn phát đạt.

Hôm nay không hiểu vì sao mà ông lão “Dương hồ đồ” ngồi chờ cả ngày nhưng cũng không có khách nên ông lão ngồi trên cái bậc xe ngủ gà ngủ gật. Đúng lúc ông lão đang ngủ thì có một cô gái trẻ ăn mặc đồ tang nhưng trên mặt người phụ nữ này không lộ vẻ buồn bã. Tuy dáng vẻ không được đoan trang lắm nhưng người phụ nữ có đôi chân nhỏ nhắn bước đi uyển chuyển, nhanh nhẹn. Người phụ nữ bước đến bên chiếc xe ngựa gọi ông Dương: “Ông phu xe, ông có đi đến Lâm Hà không?”.

Nghe tiếng người gọi, ông Dương bàng hoàng tỉnh dậy, nhưng vừa nhìn thấy người gọi mình ông lại bối rối: Người phụ nữ ăn mặc đồ tang, nhưng trên khuôn mặt xinh đẹp lại bôi một lớp phấn mỏng như hoa đào tháng ba. Ông “Dương hồ đồ” ngẩng đầu lên nhìn trời, thấy đã quá ngọ rồi mà đường đến Lâm Hà vừa xa lại khó đi, nếu đi thì đêm mới về được, nhưng đợi cả ngày mới có một người khách mà lại không đi thì cũng dở, vì vậy, ông nói với vẻ miễn cưỡng: “Thôi được, mời lên xe!”.

Minh họa: Lê Tâm

Minh họa: Lê Tâm

Người phụ nữ vén váy bước lên xe, ông Dương lại thấy bối rối khó hiểu: Bên trong váy màu trắng cô ta còn mặc một chiếc váy màu đỏ! Điều này hơi lạ với người có tang, nhưng đây là chuyện của người khác, ông “Dương hồ đồ” vẻ khó chịu lẩm bẩm chê trách người phụ nữ rồi vung roi thúc ngựa đi. Ngựa đi trên đường gập ghềnh, tiếng vó ngựa lộp cộp, bánh xe run lên bần bật.

Xe đi Lâm Hà là nơi ông quá quen thuộc. Ông “Dương hồ đồ” ngồi trên ghế không ra roi con ngựa cũng cứ đi và khi đến nơi, không cần ra roi nó cũng tự động dừng lại. Trên con đường này nó là một cựu chiến binh, cũng vì ngựa đã quen đường nên cả chặng đường ông “Dương hồ đồ” ngủ gà ngủ gật không hay biết chuyện gì đã xảy ra trên xe của mình.

Khi đến Lâm Hà, con ngựa tự động dừng lại, ông “Dương hồ đồ” từ trong mơ màng tỉnh dậy ngồi trên bậc xe đợi khách xuống nhưng đợi một lúc lâu mà không thấy người phụ nữ xuống. Ông “Dương hồ đồ” đứng lên lẩm bẩm: “Cô nương này cũng hồ đồ như mình rồi, hay là đang ngủ đấy?”, rồi ông ra phía sau mở cửa xe và gọi: “Tiểu thư, đến nơi rồi, xuống xe đi!”.

Khi cửa xe mở ông “Dương hồ đồ” kêu lên một tiếng thất thanh và vội lùi lại rất lâu vẫn chưa hoàn hồn. Những người quanh đấy nghe tiếng kêu của ông và thấy ông như người mất hồn vội xúm lại hỏi ông: “Có chuyên gì đấy, bị thần kinh à?”.

Lúc này ông “Dương hồ đồ” mới định thần trở lại, dụi mắt vẻ hốt hoảng nói: “Chuyện lạ! Chuyện lạ! Người tôi chở rõ ràng là một cô gái trẻ mặc đồ trắng bây giờ lại biến thành một ông già mặc áo choàng màu xám”.

Mọi người nghe có chuyện lạ nên có mấy anh chàng tò mò lên xe để xem nhưng đều cùng kinh hoàng thét lên: “Ôi! Sao ông lại chở một người chết!”. “Người chết?”. - Ông “Dương hồ đồ” càng thêm bối rối, nhưng ông vẫn chưa tin nên lên xe tận mắt xem thực hư ra sao. Nằm trong xe là một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi râu tóc đã bạc, ông gọi cũng không thấy thưa và lay không thấy động. Mấy người thanh niên lên xe nhấc người đàn ông xuống để nằm ở ven đường, có người lấy tay đưa lên mũi ông ta nhưng không thấy thở cho là ông ta chết rồi nên đi báo Lý trưởng. Lý trưởng một mặt cử người canh giữ cái thi thể, một mặt cho người áp giải ông “Dương hồ đồ” lên quan huyện.

Sáng sớm hôm sau, Huyện lệnh cùng một số nha dịch áp giải ông “Dương hồ đồ” đến hiện trường. Các nha dịch đã dựng một “Công đường” tạm để xử án nơi công cộng. Sau khi Huyện lệnh yên vị, ông ta cho gọi người chịu trách nhiệm việc khám nghiệm tử thi đến. Khi người khám nghiệm tử thi mở cái chiếu ra thì một điều bất ngờ lại làm mọi người kinh ngạc: Đây không phải là thi thể của người đàn ông hôm qua mà là thi thể của một người thanh niên.

Ông “Dương hồ đồ” nhìn thấy cái thi thể vội quỳ xuống kêu oan: “Bẩm Đại nhân, thi thể này không phải là cái thi thể mà tiểu nhân mang đến, cái thi thể ngày hôm qua là một ông già ngoài 50 râu tóc đã bạc. Thi thể ngày hôm nay tuổi còn trẻ, tóc vẫn còn xanh, vóc dáng khỏe mạnh. Cái chết của ông già hôm qua không liên quan gì đến tiểu nhân, tiểu nhân quỳ ở đây xin Đại nhân minh xét”.

Đúng lúc này, bỗng có một người rẽ đám đông chạy đến trước mặt Huyện lệnh quỳ xuống nói: “Thưa Đại nhân, ông chủ xe này đúng là bị oan, người hôm qua ông ta chở đến đây là tiểu nhân. Tiểu nhân tên là Thạch Như Băng là một thầy đồ bình thường thích uống rượu. Hôm qua tiểu nhân đi lên huyện thành gặp bạn bè nên đã uống quá chén, khi về nhà chân tay rã rời thấy xe ngựa chạy chầm chậm nên muốn đi một chuyến nhưng tiểu nhân vừa kéo cửa xe bước lên thì ngã ngay vào trong xe.

Tiểu nhân chỉ có cảm giác mềm mại và hương thơm ngào ngạt rồi sau đó tiểu nhân thiếp đi không biết gì nữa. Khi tiểu nhân đang ngủ say chợt thấy ánh sáng lóe lên giật mình ngồi nhổm dậy và cảm thấy đầu bị đập vào cái gì đó rồi lại thiếp đi. Đến nửa đêm tiểu nhân cảm thấy lạnh mới thức dậy, phát hiện mình đang nằm ở vệ đường và có người tốt bụng đã đắp cho tiểu nhân một cái chiếu, tiểu nhân đứng dậy đi về nhà.

Sáng sớm hôm nay tiểu nhân thức dậy và rượu cũng tỉnh mới nhớ rằng mình đã bỏ quên bản thảo bài thơ mới làm trên chiếc xe ngựa liền vội vàng chạy đi tìm cái xe ngựa, đã chở tiểu nhân ngày hôm qua. Khi tiểu nhân chạy đến đây, thấy rất đông người, hỏi ra mới biết được rằng do tội của mình hôm qua uống quá say đã để xảy ra to chuyện, suýt nữa thì làm tội nghiệp một người đánh xe lương thiện”.

Chuyện cái thi thể của người thanh niên nhất định liên quan đến hai người canh giữ tối hôm qua và Huyện lệnh cho gọi hai người đến công đường chất vấn. Hai người khai vì họ cho chẳng ai dám động vào người đã chết nên thỉnh thoảng mới ra ngó một tý. Lúc nửa đêm ra xem thì thấy cái thi thể đã biến mất, hai người sợ mắc tội nên bảo nhau đi đào một ngôi mộ mới chôn gần đó đưa cái thi thể lên thế vào cái thi thể đã bị mất.

Sau đó nhiều người dân đến xem vụ án, xác nhận người thanh niên đã chết tên là Lưu Phú. Gia đình Lưu Phú rất nghèo, năm ngoái Lưu Phú cứu ông chủ Tần người giàu nhất ở huyện Thiên Hà suýt chết đuối ở sông và ông chủ Tần gả người cháu gái là Tần Tiểu Xuân cho Lưu Phú vì ơn cứu mạng. Lưu Phú là người có chí khí, tuy được lấy con gái nhà giàu nhưng không chịu nhận của hồi môn từ gia đình bố vợ mà chăm chỉ dùng sức lực của mình kiếm tiền nuôi gia đình. Cô con gái của gia đình giàu có không thể chịu được cảnh sống này, vì vậy hai vợ chồng trẻ thường xuyên cãi nhau. Cách đây ba hôm, Lưu Phú đột nhiên bị chết, cô vợ Tần Tiểu Xuân nói là chồng bị cảm mà chết.

Sau khi khám nghiệm tử thi, trên người Lưu Phú không có vết thương nào ngoại trừ một chỗ máu tụ ở đầu và hộp sọ bị vỡ, rõ ràng là đã bị một vật cứng đánh vào gây ra cái chết. Vụ án này xem ra có liên quan đến cô vợ Tần Tiểu Xuân và Huyện lệnh sai người dẫn cô đến. Khi Tần Tiểu Xuân đến công đường, ông “Dương hồ đồ” đã nhận ra đây là người phụ nữ ông đã chở hôm qua. Nhìn thấy thi thể người chồng quá cố đã được đào lên, cô ta biết rằng tội ác của mình không thể che giấu được nữa nên đã khai ra tất cả.

Hóa ra là Tần Tiểu Xuân ở nhà đã có một mối tình sâu nặng với một người tên là Tiền Trang. Khi cô bị đem gả cho Lưu Phú, hai người đã bàn nhau giết Lưu Phú để hai người được ở bên nhau. Sự việc tưởng như đã xong xuôi, không ngờ hôm qua Tần Tiểu Xuân trên đường về nhà thì gặp ông lão say rượu nhảy vào trong xe và cô lỡ tay đánh ông lão ngất xỉu rồi sợ quá xuống xe giữa chừng. Sự biến hóa “tình cờ” của xác chết đã phanh phui sự thật của một vụ án.

Nguyễn Thiêm (dịch)

Hoàng Thắng (Trung Quốc)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/chuyen-bat-thuong-tren-chuyen-xe-ngua-630225/