Chuyến bay thương mại mới đã đến trạm ISS, gồm phi hành gia đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ
Một phi hành đoàn 4 người, bao gồm phi hành gia đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào sáng sớm thứ Bảy (20/1). Họ sẽ ở lại trạm này hai tuần trong sứ mệnh được công ty khởi nghiệp Axiom tại Texas thực hiện hoàn toàn bằng chi phí thương mại.
Việc cập bến ISS diễn ra khoảng 37 giờ sau khi nhóm phi hành gia của Axiom cất cánh vào tối thứ Năm bằng tên lửa được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Cape Canaveral, Florida.
Tàu vũ trụ Crew Dragon và tên lửa Falcon 9 đưa các phi hành gia lên quỹ đạo đều do SpaceX của Elon Musk cung cấp, phóng và vận hành theo hợp đồng với Axiom, giống như hai sứ mệnh Axiom đầu tiên tới ISS kể từ năm 2022.
Crew Dragon tự động cập bến ISS lúc 10:42 thứ Bảy giờ GMT ở khoảng cách 400 km trên Nam Thái Bình Dương, theo một webcast trực tiếp của NASA cho thấy. Cả hai đều bay song song trên khắp địa cầu với tốc độ siêu thanh khoảng 28.200 km/h khi chúng nhập vào chung một quỹ đạo và thực hiện việc ghép nối.
Theo kế hoạch, phi hành đoàn Axiom-3 dành khoảng 14 ngày trong môi trường không trọng lực để tiến hành hơn 30 thí nghiệm khoa học, nhiều thí nghiệm trong số đó tập trung vào tác động của chuyến bay vũ trụ đối với sức khỏe và bệnh tật của con người.
Nhóm phi hành gia đa quốc gia này được dẫn đầu bởi Michael López-Alegría, 65 tuổi, một phi hành gia NASA đã nghỉ hưu gốc Tây Ban Nha và đang thực hiện chuyến bay thứ 6 tới trạm vũ trụ. Ông cũng chỉ huy sứ mệnh đầu tiên của Axiom - chuyến bay thương mại đầu tiên tới ISS - vào tháng 4 năm 2022.
Hai trong 3 phi hành gia còn lại là Đại tá Không quân Ý Walter Villadei, 49 tuổi và phi công Thụy Điển Marcus Wandt, 43 tuổi, đại diện cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Phi hành gia cuối cùng là Alper Gezeravci, 44 tuổi, một cựu phi công chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ và là phi hành gia đầu tiên của nước này cập bến ISS.
Họ sẽ được chào đón trên ISS bởi 7 thành viên phi hành đoàn thường xuyên hiện tại của trạm - hai người Mỹ đến từ NASA, một phi hành gia đến từ Nhật Bản và Đan Mạch và ba phi hành gia người Nga.
Kể từ khi thành lập cách đây 8 năm, Axiom có trụ sở tại Houston đã thành lập một doanh nghiệp phục vụ các quốc gia và hàng khách tư nhân giàu có nhằm đưa các phi hành gia vào quỹ đạo. Công ty tính phí ít nhất 55 triệu USD cho một suất bay vào vũ trụ, bao gồm các dịch vụ tổ chức, đào tạo và trang thiết bị.
Axiom cũng là một trong số ít các công ty xây dựng trạm vũ trụ thương mại của riêng mình nhằm mục đích thay thế ISS mà NASA dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào khoảng năm 2030.
Được phóng lên quỹ đạo vào năm 1998, ISS đã liên tục được sử dụng kể từ năm 2000 dưới sự hợp tác do Mỹ và Nga dẫn đầu, cùng với sự hợp tác của Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Huy Hoàng (NASA, Reuters)