'Chuyện bên dòng sông Ba' - Khát vọng phát triển, hội nhập của phụ nữ dân tộc thiểu số
Từ ngày 7 đến 9/11/2023, tại Hội trường UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội LHPN huyện Ia Pa, Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức sự kiện truyền thông Dự án thành phần số 8 với chủ đề 'Chuyện bên dòng sông Ba'.
Để hiểu thêm về triển lãm này, PV Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Nguyễn Thị Tuyết, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
PV: Thưa bà, lý do gì Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lại chọn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lia để tổ chức sự kiện này?
Bà Nguyễn Thị Tuyết: Huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai là địa bàn được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm trong cả nước triển khai Dự án thành phần số 8. Sông Ba từ ngàn đời nay gắn bó sâu nặng với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Sông Ba mang lại mạch sống cho cả vùng đất Ia Pa thân yêu, người dân địa phương hồn hậu, nồng nhiệt và chất phác với những bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất nắng gió đại ngàn. Với mong muốn kể câu chuyện thú vị và sinh động về mảnh đất, con người bên dòng dông Ba, tháng 4/2023, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện chuyến khảo sát, sưu tầm và nghiên cứu văn hóa, đời sống của đồng bào Ia Pa tại 4 xã: Ia Broăi, Chư Mố, Ia KĐăm, Pờ Tó (trong đó 2 xã Ia Broăi và Pờ Tó thuộc khu vực III - vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn).
Chúng tôi coi triển lãm "Chuyện bên dòng sông Ba" là một điểm nhấn của sự kiện truyền thông Dự án thành phần số 8 sẽ được giới thiệu đến đông đảo công chúng qua cách tiếp cận nhân học, sử dụng tiếng nói của chính những người trong cuộc. Qua đó nhằm phản ánh những luật tục văn hóa độc đáo và những câu chuyện chân thực trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
PV: Triển lãm "Chuyện bên dòng sông Ba" đang diễn ra tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, gồm những chủ đề gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Tuyết: Triển lãm "Chuyện bên dòng sông Ba" gồm 4 chủ đề: Chuyện quanh ta; Về với đại ngàn; Chuyện bên dòng sông Ba; Khát vọng bên sông Ba.
Qua triển lãm "Chuyện bên dòng sông Ba", những câu chuyện thường ngày của đồng bào người Jrai, Ba Na sẽ được kể lại một cách chân thực và sinh động nhất. Bên cạnh những nét đẹp được trao truyền trong đồng bào thì vẫn còn nhiều rào cản, bất bình đẳng giới trong đời sống của người dân. Song, từ trong khó khăn, hạn chế ấy, đã ánh lên bao khát khao về sự thay đổi, phát triển trong tương lai.
Triển lãm dẫn từ những chuyện quanh ta về những tấm gương truyền cảm hứng của đồng bào các dân tộc trên cả nước cho đến câu chuyện đời thường của đồng bào người Jrai, Ba Na tại huyện Ia Pa. Những câu chuyện được coi là "thường ngày" nhưng thực tế còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Đó là sự bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt như: gánh nặng kép khi vừa là trụ cột kinh tế vừa lại đảm đương việc nội trợ; là gánh nặng khi bắt chồng, là sự mất mát khi người mẹ chẳng may mất sớm khiến một gia đình bỗng nhiên tan vỡ và đẩy những đứa trẻ vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ (mồ côi theo luật tục).
Tại sự kiện sẽ có phần tọa đàm, giao lưu của đại diện chính quyền địa phương, lãnh đạo Hội LHPN huyện, hội viên, phụ nữ về quá trình triển khai Dự án tại địa phương cũng như những kết quả ban đầu đạt được, hoạt động của các mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng", "Địa chỉ an toàn", "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi".
Đặc biệt, trong phần giao lưu sẽ có sự xuất hiện của "người truyền cảm hứng" với những chia sẻ về quá trình vượt qua rào cản, định kiến để có được thành công, từ đó lan tỏa tinh thần, khát vọng vươn lên tới trẻ em, phụ nữ huyện Ia Pa.
PV: Mục tiêu hướng đến của triển lãm là gì?
Bà Nguyễn Thị Tuyết: Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phụ nữ các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trên thực tế, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vẫn đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng. Với vai trò là đơn vị chủ trì Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", một trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai hoạt động từ trung ương tới địa phương để thực hiện Dự án hiệu quả nhất.
Với vai trò là 1 đơn vị của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mong muốn góp phần thực hiện thành công Dự án thành phần số 8. Hy vọng thông qua các câu chuyện của đồng bào được kể trong triển lãm sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, giúp phụ nữ và trẻ em có cơ hội vươn lên phát triển và hội nhập, đón chào một tương lai tươi sáng hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Sáng ngày 7/9 tại Hội trường UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội LHPN huyện Ia Pa, Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức sự kiện truyền thông Dự án thành phần số 8 với chủ đề "Chuyện bên dòng sông Ba". Triển lãm đã thu hút sự tham dự của đại diện đến từ trung ương, địa phương cùng đông đảo người dân, hội viên, phụ nữ, học sinh trên địa bàn huyện Ia Pa.
Một số hình ảnh tại triển lãm. Ảnh: BTPNVN