Chuyển bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lí: Khó đủ đường

Mới đây trong dự thảo của Luật Thủ đô có nội dung 'chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lí, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học'. Lãnh đạo các bệnh viện trung ương cho rằng điều này chưa hợp lí vì nhiều lí do.

Về vấn đề này, giám đốc các bệnh viện trung ương có chung nhận định: “Bên cạnh công tác khám chữa bệnh tuyến cuối, các bệnh viện trung ương còn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác là đào tạo, chỉ đạo tuyến; cập nhật các kĩ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới, hợp tác quốc tế… Vì vậy là đơn vị trực thuộc Bộ sẽ có vị thế hơn rất trong việc hợp tác quốc tế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển”.

Trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y Hà Nội khẳng định: “Những bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân cả nước, còn đóng vai trò chủ đạo, tính dẫn dắt về chuyên môn, khoa học công nghệ y tế, chỉ đạo tuyến đối với toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam. Với vai trò quan trọng như vậy, nếu các bệnh viện trung ương trên địa bàn chuyển về TP Hà Nội quản lí, sẽ rất khó cho công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các tỉnh về chuyên môn ở tầm quốc gia và sẽ tác động đến hệ thống y tế của toàn quốc”.”

GS Văn cũng chỉ ra thực tế, dù Hà Nội có chính sách đầu tư cho các cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội, thì những cơ sở này cũng khó có thể cạnh tranh được với các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn như hiện tại. Ông cũng đồng thời khẳng định, chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện thuộc Hà Nội chưa xứng tầm với vị thế là bệnh viện tuyến cuối của thủ đô.

“Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế còn thiếu khi tỉ lệ nhân viên y tế trên số dân của thành phố chưa cao: 14 bác sĩ/10.000 dân, so với số 11,5 bác sĩ/10.000 dân của cả nước trong năm 2022 và thấp hơn nhiều so với các nước. Tôi đơn cử, tỉ lệ trung bình trên thế giới, 3-4 điều dưỡng viên/1 bác sĩ, tại Nhật Bản 9-10 điều dưỡng/1 bác sĩ. Trong khi đó tại Việt Nam 1 bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng viên. Chất lượng cán bộ y tế của Hà Nội còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Số bác sĩ Nội trú làm việc cho các bệnh viện trực thuộc Hà Nội trong 40 năm (giai đoạn 1974-2012) chỉ là 60 người. Khắc phục điều này, giai đoạn 2013-2020 lãnh đạo Hà Nội đã kí kết hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú cho Hà Nội với Trường Đại học Y Hà Nội và chỉ trong 8 năm, Trường đã cung cấp cho Hà Nội 182 bác sĩ Nội trú ở các chuyên ngành khác nhau”.

GS Văn nhìn nhận, sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chuyên khoa chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội. “Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận, huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều”.

Với mô hình do Hà Nội quản lí, ưu tiên hàng đầu sẽ dành cho việc phục vụ cộng đồng dân cư Thủ đô. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng khoảng cách chênh lệch về năng lực y tế cũng như thực trạng sức khỏe giữa Hà Nội, vùng Thủ đô với những tỉnh trung du, miền núi (vốn đang được các cơ sở y tế tuyến cuối của Bộ Y tế bù đắp). Ngoài ra, mô hình này cũng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế. Theo đó thay vì có thể nhanh chóng điều động nguồn lực sẵn có của mình, Bộ Y tế sẽ phải tham vấn với UBND Hà Nội để huy động các nguồn lực y tế của Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương khác.

Tại cuộc họp mới đây của Bộ Y tế thảo luận về nội dung trên, giám đốc các bệnh viện trung ương nhìn nhận các bệnh viện trực thuộc Bộ còn là cánh tay nối dài của Bộ Y tế trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Qua dịch COVID-19, do Tây Nguyên chưa có bệnh viện Trung ương tại vùng, nên Bộ Y tế đã đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý thông qua Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có việc xây dựng Bệnh viện đa khoa Trung ương Tây Nguyên, hiện Bộ Y tế đang gấp rút triển khai.

Theo các đại biểu, 30 bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lí là rất nhỏ so với tổng số 1.500 bệnh viện trên toàn quốc, chiếm chưa đến 2%. Còn hiện nay Hà Nội quản lí hơn 100 bệnh viện công và tư cùng với hơn 4.000 phòng khám và hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị, các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm… Vì thế việc tăng thêm nhiều cơ sở y tế với quy mô tương đối lớn có thể làm phức tạp hơn vấn đề quản trị hệ thống Y tế Thủ đô, vốn đã có số lượng cơ sở y tế rất lớn, thậm chí số bệnh viện hiện có của Hà Nội còn lớn hơn tổng số bệnh viện của Bộ Y tế trên cả nước.

TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói: “Với vai trò là giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, tôi đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của Bộ vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lí để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương. Đồng thời các tỉnh cũng băn khoăn nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lia, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào, mối quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội ra sao”.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-benh-vien-trung-uong-ve-ha-noi-quan-li-kho-du-duong-post1557186.tpo