Chuyển biến của hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong điều kiện mới
Những hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam truyền thống được bồi đắp, chuyển biến để phù hợp với đời sống, trong bối cảnh đất nước hội nhập mạnh mẽ với thế giới.
Hệ giá trị biến đổi trong điều kiện mới
Theo các nhà nghiên cứu, trong bối cảnh đất nước hội nhập mạnh mẽ với thế giới, những giá trị về chuẩn mực con người Việt Nam cũng biến đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
PGS. TS Nguyễn Chí Dũng, Viện Xã hội học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Những thay đổi của thời đại khiến những giá trị về chuẩn mực của con người cũng biến đổi. Theo đó, từ nửa sau thế kỷ XX, hai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và thứ tư với quá trình phát triển và ứng dụng của tin học và công nghệ thông tin đã làm cho lực lượng sản xuất của loài người chuyển sang bước ngoặt phát triển mới.
Hệ giá trị chuẩn mực của con người phương Đông và phương Tây đang có xu hướng tích hợp. Quyền con người ngày càng được tôn trọng và bảo vệ. Đây là một trong những yếu tố thời đại tác động, làm cho hệ giá trị và chuẩn mực xã hội trong từng quốc gia- dân tộc biến đổi. Yêu cầu biến đổi này tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển phù hợp với những nước có hoàn cảnh như Việt Nam. Mô hình này đòi hỏi phải vừa kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam truyền thống, vừa phải cải biến những chuẩn mực con người Việt Nam cho phù hợp với những yêu cầu đang thay đổi của thời đại. Đây là điều kiện, hoàn cảnh khiến hệ chuẩn mực con người Việt Nam biến đổi.
Theo PGS. TS Nguyễn Chí Dũng, những biến đổi hệ chuẩn mực con người Việt Nam hiện đại biểu hiện ở biến đổi chuẩn mực về yêu nước; biến đổi chuẩn mực về cần cù, chịu khó, yêu lao động; biến đổi chuẩn mực đoàn kết, tăng cường tính gắn kết cộng đồng; biến đổi chuẩn mực tình nghĩa, thủy chung; biến đổi chuẩn mực về hòa bình; biến đổi chuẩn mực về dân chủ, nhân quyền.
Lấy ví dụ về biến đổi chuẩn mực về yêu nước, PGS.TS Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đã là người Việt Nam phải yêu nước Việt Nam. Đây là chuẩn mực chính yếu, đầu tiên của con người thuộc các dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ cách mạng và chiến tranh, chuẩn mực về yêu nước được đo bằng lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần dám xả thân vì đất nước. Điều này được thể hiện ở chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng dũng cảm, đức hy sinh của lớp lớp thế hệ người Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, chuẩn mực xã hội này đã trở thành lý tưởng, lẽ sống, phương châm hành động của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Hòa bình, đòi hỏi mỗi người Việt Nam yêu nước phải thấu hiểu tình trạng nghèo khó, chậm phát triển của cộng đồng dân tộc mình để có ý chí, nghị lực vượt lên. Tự cường trở thành một tiêu chuẩn quan trọng của mỗi người Việt Nam yêu nước. Tự cường trong học tập để không ngừng trau dồi tri thức khoa học tự nhiên và xã hội. Tự cường để phát triển kinh tế, làm cho đất nước giàu, mạnh; tự cường là ý chí dám vươn lên, làm giàu, làm cho đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu; để "sánh vai với các cường quốc năm châu", như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn. Đây chính là sự biến đổi quan trọng của nội hàm chuẩn mực yêu nước của con người Việt Nam hiện nay.
Còn biến đổi chuẩn mực về cần cù, chịu khó, yêu lao động, theo PGS.TS Nguyễn Chí Dũng, lịch sử sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam là lịch sử của một cộng đồng người đã ứng phó với rất nhiều khó khăn, thử thách nghiệt ngã của tự nhiên và xã hội.
Do vậy, cần cù, chịu khó, yêu lao động là những giá trị và chuẩn mực xã hội đã được hun đúc, xây dựng và truyền bá cho lớp lớp người dân Việt Nam. Đây là cơ sở để giáo dục, định hướng cho hành vi của mỗi người trong quá trình sống, lao động, xây dựng và phát triển cộng đồng. Trong thời đại hiện nay, những giá trị và chuẩn mực xã hội này đang cần bổ sung những nội dung mới. Trong đó, người Việt tiếp tục duy trì đức tính cần cù, chịu khó, nỗ lực vượt qua gian nan, thử thách; đồng thời giữ vững tinh thần tích cực, chủ động trong lao động sản xuất và sáng tạo trong tổ chức các hoạt động của đời sống xã hội. Làm sao để mỗi người Việt Nam hiện đại có đủ năng lực tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo, hiểu quả các tri thức, thành tựu của cuộc cách mạng khoa học- công nghệ, tin học, đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của đời sống xã hội. Cần cù, chịu khó trong điều kiện mới là ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là thức đo ý thức và mức huy động tối đa những năng lực hiện có trong mỗi con người cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là những nội dung mới cần phát triển về chuẩn mực cần cù, chịu khó, yêu lao động của con người Việt Nam hiện đại.
Bảo đảm những yếu tố cốt lõi
Trong hai năm 2018- 2019, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tiến hành điều tra xã hội học trên quy mô lớn với 2000 phiếu hỏi tại 8 tỉnh/ TP về những giá trị con người Việt Nam hiện nay. Kết quả thu được cho thấy, 5 giá trị được người dân cho là quan trọng nhất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là: trách nhiệm (73,3%), kỷ cương ( 69,2%), sáng tạo (67,2%), yêu nước (65,1%), trung thực (59,7%).
Theo nhiều nhà nghiên cứu, những giá trị cốt lõi này là cơ sở, căn cứ để hiện thực hóa thành hệ thống chuẩn mực quy định hành vi, cách sống của con người Việt Nam trong xã hội.
PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, những giá trị con người Việt Nam cốt lõi có: tinh thần yêu nước, anh hùng, vị nghĩa. Nhưng điều quan trọng là phải xác định tính đặc thù của tinh thần yêu nước, anh hùng, vị nghĩa của Việt Nam và của con người Việt Nam. Các ý kiến đó (cả trong nước lẫn nước ngoài) cần được phân tích và tham khảo để xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam với thứ bậc của các giá trị cụ thể trong đó và để phân định các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, xã hội, cộng đồng, gia đình với hệ giá trị con người Việt Nam.
Những phẩm chất, đặc tính của con người Việt Nam đã được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cụ thể: (1) Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân trên thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. (2) Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung. (3) Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. (4) Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội. (5) Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, khái quát các giá trị con người Việt Nam gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo". Những giá trị này cần được xây dựng, trở thành chuẩn mực, mẫu mực cho con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.